Bệnh viện Nhi trung ương vừa cứu bé trai 8 tháng tuổi bằng cách đốt triệt đường dẫn truyền bất thường trong tim gây cơn tim nhanh nguy kịch. Trước đó, trẻ không đáp ứng với các điều trị thông thường.
Sau hơn một tuần được can thiệp, hiện chức năng tim của bé đã trở về bình thường, không có biểu hiện tái phát cơn tim nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, cơn nhịp nhanh ở trẻ dai dẳng, diễn biến phức tạp, gây giãn và suy giảm thất trái nặng, không đáp ứng với tất cả biện pháp điều trị loạn nhịp thông thường. Bệnh nhi từng được cấp cứu nhiều lần tại bệnh viện tuyến dưới và Bệnh viện Nhi trung ương. Vì thế, để cứu sống bé, các bác sĩ quyết định chọn cách đốt triệt đường dẫn truyền bất thường trong tim gây cơn tim nhanh.
Phương pháp này sử dụng một hệ thống thiết bị chẩn đoán công nghệ cao cùng với các dây điện cực được đưa vào trong tim qua mạch máu. Sau khi xác định nguyên nhân và cách thức gây tim nhanh, một dây điện cực đốt triệt được đưa vào trong tim để dò tìm vị trí mô tim bất thường. Sau đó năng lượng phát ra từ máy phát sóng radio cao tần được truyền đến đầu điện cực này tạo ra một nhiệt lượng làm tổn thương và vô hiệu hóa mô tim bất thường đó. Thủ phạm gây bệnh ở bệnh nhi trên là 2 đường dẫn truyền xung điện tim bất thường nối giữa tâm nhĩ và tâm thất.
Thăm dò điện sinh lý, tìm và đốt triệt đường dẫn truyền bất thường gây tim nhanh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Cuộc can thiệp kéo dài khoảng 2 giờ tại Trung tâm can thiệp tim mạch và điện sinh lý với sự tham gia của các bác sĩ tim mạch, gây mê hồi sức và kỹ thuật viên. Sau một tuần theo dõi, chức năng tim của bệnh nhi đã trở về bình thường.
Theo bác sĩ Hải, đây là trường hợp hiếm gặp. Trẻ là bệnh nhân nhỏ và cân nặng thấp nhất được điều trị bằng kỹ thuật này tại Việt Nam. Thế giới cũng chỉ một số ít trung tâm có thể thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ do tiềm ẩn nguy cơ tai biến và biến chứng. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh của trẻ nặng và nguy cơ tử vong cao. Thành công của ca bệnh này hứa hẹn góp phần cứu sống nhiều trẻ bị bệnh tương tự tại Việt Nam.
Chức năng tim của trẻ đã trở về bình thường sau hơn một tuần được can thiệp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Phần lớn cơn tim nhanh ở trẻ là do bất thường bẩm sinh, nếu không được điều trị triệt để bệnh có thể tái phát nhiều lần và gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hầu hết cơn tim nhanh ở trẻ em có thể can thiệp điều trị triệt để bằng sóng cao tần, đây là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, chẩn đoán cơn tim nhanh ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện, dễ bị nhầm. Vì thế cha mẹ cần đưa con đến đúng các chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.
Bài: Theo vnexpress
Ảnh: Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thanh Hải- Khoa Nội Tim mạch