Mục tiêu của dự án là cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin và người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hương Giang-Phó trưởng khoa Phục Hồi chức năng, để tham gia dự án này, Bệnh viện Nhi đã có đoàn công tác với sự tham gia của các chuyên gia đến từ chuyên khoa Phục hồi chức năng và Tâm bệnh. Theo kế hoạch, năm 2020 chương trình được thực hiện tại 2 địa điểm: thành phố Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh; thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Các địa bàn này có số dân cư đông, số trẻ dưới 6 tuổi nhiều, số trẻ tự kỷ cũng cao hơn. Thêm vào đó, trình độ chuyên môn các nhân viên y tế tại 2 địa bàn này phù hợp để chuyển giao kiến thức phát hiện sớm và can thiệp sớm tự kỷ dưới 6 tuổi.
Nằm trong khuôn khổ dự án, Đoàn công tác Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với Ban Quản Lý dự án tuyến tỉnh và các đơn vị, ngành giáo dục triển khai nhằm thực hiện 3 mục tiêu chính. Mục tiêu 1: nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật PHCN tại cơ sở KCB, PHCN và tại nhà cho trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi tại địa bàn dự án. Mục tiêu 2 là hoàn thiện, duy trì và phát triển mạng lưới PHS- CTS trẻ em tự kỷ dưới 6 tuổi, đưa vào mạng lưới y tế sẵn có và mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Mục tiêu thứ 3 gồm xây dựng quy trình phát hiện sớm-can thiệp sớm, chăm sóc và quản lý trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi.
Tại 2 địa bàn thực hiện dự án, Đoàn công tác Bệnh viện Nhi đã triển khai 2 nội dung tập huấn: phát hiện sớm trẻ tự kỷ, chẩn đoán và xác định nhu cầu can thiệp trẻ mắc rối loạn tự kỷ. Mỗi nội dung diễn ra trong 5 ngày thu hút sự tham gia của các cán bộ y tế là cán bộ y tế xã, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, bác sĩ phục hồi chức năng và bác sĩ tâm thần Nhi.
Các học viên tham gia lớp tập huấn và được trao chứng nhận khi kết thúc
Sau chương trình tập huấn, theo đánh giá của Ban Quản Lý Dự án, khoảng 8000 trẻ từ 0 đến dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng trong vùng dự án được sàng lọc phát hiện sớm dấu hiệu tự kỷ. 90% trẻ em dưới 6 tuổi có nghi ngờ tự kỷ trong vùng dự án được khám sàng lọc, chẩn đoán xác định phát hiện nhu cầu cần can thiệp PHCN. 80% trẻ em dưới 6 tuổi trong vùng dự án được chẩn đoán xác định tự kỷ thông qua khám sàng lọc được can thiệp và PHCN, cung cấp dụng cụ trợ giúp theo chỉ định của BS chuyên khoa PHCN theo nhu cầu tại các cơ sở y tế và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc, hướng dẫn PHCN tại các cơ sở cung cấp dịch vụ PHCN cho trẻ Tự kỷ hoặc tại gia đình. 90% cán bộ chuyên khoa nhi và PHCN tuyến tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên PHCN tại địa bàn dự án được chuyển giao kiến thức và kỹ năng về phát hiện sớm- can thiệp sớm trẻ em dưới 6 tuổi khuyết tật tự kỷ. 80% cha mẹ trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi và thành viên gia đình trong vùng dự án được tư vấn, hướng dẫn tập luyện các kỹ thuật PHCN tại nhà 60% trẻ em tự kỷ dưới 6 tuổi tham gia dự án được cải thiện chức năng, 80% trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi được đi học, 90 % trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi được cấp chứng nhận khuyết tật tự kỷ, được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định hiện hành. 100% xã trong vùng dự án thực hiện truyền thông về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi. Thiết lập Mạng lưới PHS- CTS trẻ em tự kỷ dưới 6 tuổi được hoàn thiện, duy trì và phát triển dưa vào mạng lưới y tế sẵn có và mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (Mỗi tỉnh: Tuyến tỉnh đào tạo ít nhất 2 BS ; Tuyến huyện 2 BS có khả năng chẩn đoán, can thiệp, PHCN độc lập. Tuyến tỉnh đào tạo ít nhất 4 KTV PHCN; Tuyến huyện có 2 KTV khả năng đáng giá, can thiệp kỹ thuật, PHCN cho trẻ tự kỷ độc lập). Quy trình phát hiện sớm-can thiệp sớm, chăm sóc và quản lý trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi được hoàn thiện.
“ Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả nặng nề của chất độc da cam/Dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cho đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội bởi nó đã, đang gây nhiều tác hại đến sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân và người dân bị phơi nhiễm chất độc hóa học/Dioxin. Những người này đang rất cần có sự chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Tham gia dự án này, Bệnh viện Nhi Trung ương mong muốn chung tay mang đến chất lượng sống tốt hơn cho những trẻ em là nạn nhân của chất độc Da cam, Dioxin”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Giang-Phó Trưởng khoa PHCN chia sẻ.
Lê Mai (Tổng hợp)