Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức Khóa tập huấn "Sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ" thuộc dự án "Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin giai đoạn 2018-2022" từ ngày 10/7 đến 17/7 tại Phù Cát, Bình Định.
Đây là năm thứ 4 Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức hoạt động nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật phục hồi chức năng tại địa bàn, với mục đích phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại các cơ sở y tế, giáo dục và cộng đồng.
Khóa tập huấn “Sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ” năm nay diễn ra do các cán bộ y tế thuộc Khoa Phục hồi chức năng và Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện.
Dẫn dắt và tham gia khóa học là bác sĩ đầu ngành đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương như: TS. BS Trịnh Quang Dũng – Trưởng Khoa Phục hồi chức năng; TS. BS Nguyễn Thị Hương Giang – Phó Trưởng Khoa Phục hồi chức năng; ThS. BS Nguyễn Mai Hương – Phó Trưởng Khoa tâm thần; Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Hồng Thúy – Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khóa học thu hút sự tham gia của 66 cán bộ y tế, là những bác sĩ đến từ các trạm y tế tuyến xã thuộc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát; Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định; Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi Chức năng tỉnh Bình Định.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, các cán bộ y tế có thể hiểu, sử dụng được các công cụ sàng lọc sự phát triển và sàng lọc nguy cơ tự kỷ; hiểu được triệu chứng lâm sàng, nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ; nhận biết được các dấu hiệu sớm, chuyển khám chuyên sâu, tư vấn gia đình trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Trong các buổi học, bên cạnh việc trang bị lý thuyết, các giảng viên cũng tích cực đưa ra tình huống thông qua các video, hình ảnh để học viên đánh giá và thực hành. Bởi, điều trị – phục hồi chức năng cho trẻ mắc tự kỷ là một lĩnh vực mới mang đầy thách thức đối với y tế tuyến dưới tại Việt Nam. Nhiều bệnh viện tuyến huyện, xã hiện chưa có mô hình cụ thể, thống nhất về vấn đề chăm sóc trẻ tự kỷ. Chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ cần phối hợp nhiều biện pháp như: Trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp; Hoạt động trị liệu; Phương pháp chơi trị liệu, Điện kích thích phát âm; Sử dụng thuốc khi cần thiết;… Ngoài ra, sự kiên trì từ cha mẹ và nhà trường, kết hợp với nỗ lực từ phía y bác sĩ là vấn đề cốt lõi giúp tình trạng của trẻ tốt lên từng ngày.
Tuy thời gian tập huấn chỉ kéo dài 8 ngày, nhưng với sự nhiệt tình, hăng say của các giảng viên, thì học viên khóa học đã thu nhận được những kiến thức thiết thực, các kỹ năng thực hành trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và tư vấn gia đình trẻ tự kỷ. Hy vọng qua những khóa học chuyên môn như thế này sẽ là cơ hội cho y tế địa phương giúp đỡ được nhiều trẻ em mắc rối loạn tự kỷ vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai tươi đẹp.
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đều được cấp chứng nhận bởi Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thông tin thêm dành cho cha mẹRối loạn tự kỷ đang là một vấn đề thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng . Số lượng trẻ mắc rối loạn tự kỷ đang có xu hướng tăng nhanh, tạo ra thách thức lớn cho gia đình và xã hội. Tự kỷ là rối loạn về phát triển hành vi có thể làm ảnh hưởng đến các kỹ năng cơ bản của trẻ như kỹ năng giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng học tập, sinh hoạt. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh. Thế giới của trẻ tự kỷ khác biệt so với những trẻ bình thường khác. Trẻ em phát triển theo những nhịp độ khác nhau, có thể nhanh hay chậm. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm các dấu hiệu chậm trễ phát triển, hoặc phát triển bất thường là rất quan trọng, giúp hướng tới chẩn đoán sớm, can thiệp sớm, từ đó đạt hiệu quả tốt hơn trong can thiệp. Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết về các dấu hiệu nguy cơ, báo động về tự kỷ như sau: + Trẻ không bi bô được âm tiết nào hoặc không tạo được điệu bộ nào. Chẳng hạn trẻ không thể dùng tay chỉ hoặc vẫy tay trêu đùa mặc dù hơn 12 tháng tuổi. + Trẻ không tự nói được cụm từ 2 từ trở lên khi được 24 tháng tuổi. + Trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc bất kỳ kỹ năng xã hội + Gặp khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng và thích thu mình trong thế giới riêng, ít chơi hoặc quan tâm tới các trẻ khác cùng lứa. + Thích chơi với một vài đồ vật nào đó, ngắm nghía quan sát hình dạng, màu sắc của chúng nhưng không quan tâm đến công dụng của những đồ vật này. + Không có trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, học tập. + Không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và môi trường xung quanh, bắt mọi người phải tuân theo một nếp sinh hoạt nhất định. + Luôn lặp đi lặp lại một cử động cơ thể hoặc một hành vi nhất định nào đó như vỗ tay hay đi kiễng chân. Trong trường hợp cha mẹ nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường như trên, hãy đưa trẻ đến ngay những cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và có hướng điều trị, can thiệp kịp thời và tốt nhất. |
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: BS cung cấp