Phương pháp xét nghiệm, khoảng tham chiếu, yếu tố gây nhiễu có thể là “cạm bẫy” trong giải thích kết quả xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp ở trẻ - Đây là thông tin được chia sẻ trong buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Cập nhật giá trị của xét nghiệm trong chẩn đoán và quản lý bệnh lý tuyến giáp ở trẻ em” được Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức ngày 14/4 vừa qua.
Buổi sinh hoạt khoa học thu hút sự tham dự của hơn 200 bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên Bệnh viện Nhi Trung ương và của các trường đại học Y, bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi và sản nhi trên toàn quốc. Ngay sau phần phát biểu khai mạc của TS. BS Cao Việt Tùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, các báo cáo viên trình bày các báo cáo về tình hình chẩn đoán, điều trị bệnh lý tuyến giáp tại Việt Nam hiện nay, các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm tuyến giáp, cũng như những bước tiến mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Trong bài báo cáo “Các chức năng tuyến giáp trong suy giáp trạng và viêm tuyến giáp Hashimoto”, TS. BS Bùi Phương Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cung cấp cho các học viên về: Tổng quan về tuyến giáp; Suy giáp trạng và sàng lọc sơ sinh, Viêm tuyến giáp Hashimoto
BS Bùi Phương Thảo cho biết tỷ lệ mắc bệnh suy tuyến giáp chiếm khoảng 1/3000 – 1/5000 trẻ sinh ra sống với các triệu chứng như: Vàng da, táo bón, phù niêm, chậm phát triển trí tuệ và tinh thần không hồi phục,… Bài báo cáo cũng chỉ ra các xét nghiệm quan trọng cần phải thực hiện để chẩn đoán chính xác trẻ có mắc suy giáp hay không bằng xét nghiệm đặc hiệu: T4 hoặc FT4 và TSH và xét nghiệm không đặc hiệu như: Tuổi xương; Xạ hình tuyến giáp/siêu âm để xác định tuyến giáp ở vị trí bình thường, lạc chỗ hay thiểu sản; Ở bệnh nhân tăng TSH, xem xét làm xét nghiệm để tìm các dị tật khác (đặc biệt là dị tật tim); Cân nhắc phân tích gen.
Việc sàng lọc sơ sinh cũng được TS. BS Bùi Phương Thảo nhấn mạnh cần được áp dụng nhiều hơn (hiện tại ở Việt Nam tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh chỉ chiếm 40-50%) để phát hiện sớm bệnh, từ đó có hướng điều trị kịp thời nhằm hạn chế các rối loạn về thể chất và tinh thần, giảm thiểu tỷ lệ tử vong sơ sinh và giảm thiểu gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đối với viêm tuyến giáp Hashimoto, giai đoạn đầu có thể bệnh nhi sẽ cường giáp, sau đó gây suy giáp dần theo thời gian, vì vậy phương pháp điều trị phải chia theo từng giai đoạn.
Tại buổi sinh họa khoa học, các y bác sĩ và học viên tiếp tục được nghe bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán, điều trị cường giáp và vai trò của xét nghiệm kháng thể kích thích tuyến giáp TSI trong thực hành lâm sàng” rất bổ ích do TS.BS Hoàng Kim Ước – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trình bày với những nội dung chính như: Bệnh lý tuyến giáp – Nguyên nhân gây nhiễm độc giáp; Bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Cường giáp hay Basedow) với cơ chế bệnh sinh bệnh, chẩn đoán và cập nhật chẩn đoán bệnh Graves; Tự kháng thể kháng thụ thể TSH: TRAb; Độ nhạy và độ đặc hiệu cao của kỹ thuật TSI giúp chẩn đoán chính xác bệnh Graves qua các nghiên cứu; Vai trò của TSI trong tiên lượng và điều trị; Cập nhật điều trị Bệnh Graves.
Bài báo cáo rất quan trọng của – TS. BS Trần Chi Mai – Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương về “Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp” cũng được các báo cáo viên và học viên đánh giá cao, bàn luận sôi nổi khi đưa ra chi tiết các chuẩn hóa xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp.
BS Trần Chi Mai cho biết các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bao gồm:
– Các yếu tố tiền phân tích:
- Yếu tố in vivo chia làm 2 loại: có thể kiểm soát được (ví dụ: chế độ ăn uống, thuốc, hoạt động thể lực, tư thế) và một số thì không (ví dụ: yếu tố di truyền, giới tính, tuổi tác).
- Yếu tố in vitro: bao gồm việc thu thập (thiết bị được sử dụng) mẫu bệnh phẩm và xử lý (vận chuyển, bảo quản, chuẩn bị cho phân tích).
– Các yếu tố trong phân tích:
- Đặc tính kỹ thuật của phương pháp (độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chụm, độ chính xác, giới hạn phát hiện, khoảng đo).
- Hệ thống kiểm soát chất lượng: hiệu chuẩn, IQC, EQA
- Bảo dưỡng, bảo trì, vận hành thiết bị
- Bảo quản hóa chất, thuốc thử
– Các yếu tố sau phân tích:
- Trong phiếu XN: nhập nhầm kết quả XN, nhầm đơn vị đo lường, khoảng tham chiếu không phù hợp.
- Ngoài phiếu XN: kết quả XN trả chậm, thiếu hiểu biết sử dụng và phân tích kết quả XN.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác như: không tuân thủ điều trị thuốc, các bệnh hệ thống, một số rối loạn di truyền cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp, “phương pháp xét nghiệm, khoảng tham chiếu, yếu tố gây nhiễu có thể là cạm bẫy trong giải thích kết quả xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp” – TS. BS Trần Chi Mai chia sẻ.
Chính vì vậy, cần sự trao đổi thường xuyên giữa phòng xét nghiệm, bác sĩ lâm sàng, người bệnh và các bộ phận có liên quan để xác định và phòng ngừa yếu tố nhiễu xét nghiệm, giúp kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp chính xác nhất, từ đó quyết định điều trị được hiệu quả nhất.
Những bài báo cáo được chia sẻ bởi các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm với các nội dung được truyền đạt sinh động bằng nhiều trường hợp lâm sàng cụ thể, số liệu và biểu đồ chi tiết, cũng như những trao đổi, thảo luận sôi nổi sau buổi sinh hoạt, đã giúp cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, đặc biệt là các y bác sĩ trẻ nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và quản lý các bệnh lý tuyến giáp ở trẻ em.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu