(Báo Nhân dân) – Chúng tôi gọi cuộc hội ngộ của TS.BS Cao Việt Tùng với bé Nông Minh Nhật (dân tộc Tày, mới 20 tháng tuổi) là một cuộc gặp gỡ của định mệnh, gặp gỡ của hạnh phúc. Cháu bé suy đa tạng, nguy kịch tính mạng sau ca mổ sửa chữa tổn thương tim được chính tay bác sĩ Tùng cứu chữa năm 2017 giờ gặp lại hồng hào, khỏe mạnh.
Bé Nông Minh Nhật khỏe mạnh, hồng hào sau ca can thiệp tim mạch cân não với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương
Trong hành trình đi khám sàng lọc tim bẩm sinh tại Cao Bằng những ngày đầu tháng 9, TS.BS Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương đã may mắn gặp lại bé Nông Minh Nhật khỏe mạnh, hồng hào với một trái tim không còn lỗi nhịp.
Nhớ lại cách đây hơn một năm trước, chị Long Thị Phượng, mẹ bé Nhật cho hay, khi Nhật mới chào đời, đi tiêm phòng đã được các bác sĩ tư vấn nên cho đi khám. Hai tháng tuổi, cơ thể Nhật thường xuyên lạnh và ra mồ hôi nhiều. Thương con còn quá nhỏ, chị Phượng cứ thế ôm ấp con ở nhà.
Lúc năm tháng tuổi, thấy con thật sự không hề bình thường, chị Phượng tất tả mang con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương khám. “Bác sĩ bảo bệnh phức tạp, nặng lắm rồi. Nhưng nếu xếp chờ bảo hiểm thì sớm cũng phải hai tháng nữa mới tới lượt. Gia đình cảnh làm nông cóp nhặt, vay mượn khắp nơi được 30 triệu để mổ cho cháu”.
TS.BS Cao Việt Tùng siêu âm lại tim cho bé Nông Minh Nhật.
Sáu tháng tuổi, Nhật lên bàn mổ, sửa chữa toàn bộ các tổn thương trong tim của bệnh lý Fallot 4. Ca mổ diễn ra thành công trong sự thở phào của chị Phượng, nhưng diễn biến sau mổ xấu đi nhanh chóng. Các tạng trong cơ thể bắt đầu suy chức năng nghiêm trọng. Các bác sĩ tiến hành siêu âm thực quản ngay tại giường hồi sức cho cháu và phát hiện ra một lỗ thông liên thất phần cơ lớn tại mỏm tim gây nguy kịch cho tính mạng.
Đặc biệt ấn tượng với ca mổ này, TS.BS Cao Việt Tùng cho hay, sau ca mổ, Nhật bị suy tim, suy đa tạng, suy gan, rối loạn đông máu. Lúc này, thể trạng cháu bé không thể tiếp nhận ca mổ thứ hai. Vì thế, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp đặt dù để bịt lỗ thông liên thất phần cơ là phương pháp điều trị khả quan duy nhất khi bệnh nhi đang trong tình trạng suy đa phủ tạng.
“Chúng tôi đã có sự phối hợp ăn ý bằng can thiệp sau mổ, bịt lỗ thông liên thất lại, chức năng tim cháu bé được cải thiện và khá dần lên. Với trường hợp này, bệnh nhân sau mổ tim suy đa tạng nặng, nếu tiếp tục mổ thì tỷ lệ tử vong cao. Trong trong tình trạng nặng đó, chúng tôi phải dùng biện pháp điều trị ít xâm nhập hơn là can thiệp tim mạch, bịt lỗ thông liên thất, giải quyết vấn đề suy tim và cải thiện chức năng gan”, BS Tùng cho hay.
Vào viện ngày 25-5-2017 đến 11-8-2017, Nhật mới được xuất viện. Hai tháng, các bác sĩ vật lộn điều trị tình trạng suy đa phủ tạng nhằm giành giật lại sự sống cho bé Nhật từ tay tử thần. May mắn thay, sau 12 ngày hồi sức, cháu đã có thể rút máy thở và sau 28 ngày điều trị, cháu đã được xuất viện.
Một năm sau ca phối hợp sau mổ và can thiệp tim mạch được hồi sinh kỳ diệu, bé Nhật đã khỏe mạnh mà lớn lên. Từ huyện Trùng Khánh (cách TP Cao Bằng 70km), đầu giờ chiều ngày 8-9, hai mẹ con chị Long Thị Phượng đã hội ngộ BS Cao Việt Tùng trong chuyến đi khám tình nguyện của Trung tâm Tim mạch. “Tôi vẫn cho con đi khám định kỳ tại Trung tâm Tim mạch để theo dõi sức khỏe của con. Hôm nay tôi biết đoàn bác sĩ về đây nên gia đình lại khăn gói lên nhờ các bác xem giúp sức khỏe con ra sao. May mắn là con đã bình phục hoàn toàn”, chị Phượng không giấu nổi hạnh phúc.
BS Tùng nhân lên thêm niềm vui cho chị Phượng khi thông tin, trái tim bé Nhật khỏe mạnh và có thể dừng hoàn toàn thuốc về tim mạch. “Tuy nhiên, tương lai cháu bé này vẫn phải tiếp tục theo dõi vì bệnh Fallot 4 có van động mạnh phổi không như đứa trẻ bình thường. Bệnh nhi này hở phổi tương đối nhiều nên sau 5-10 năm, cháu có thể suy tim phải do hở van động mạch phổi. Lúc đó phải phẫu thuật thay van động mạch phổi mới”, BS Tùng nói.
Chị Long Thị Phượng hạnh phúc khi được bác sĩ cho biết con có thể dừng điều trị thuốc về tim mạch.
BS Cao Việt Tùng thông tin, hiện nay kỹ thuật điều trị tim bẩm sinh cũng đã có những thành tựu mới: “Nếu khởi điểm trước khi chỉ phẫu thuật thông liên thất, thông liên nhĩ ở cháu 10 cân, dần dần thành công ở các cháu 5 cân thì giờ chúng tôi có thể mổ dị tật phức tạp ở giai đoạn sơ sinh. Đây là sự phát triển đồng bộ của chẩn đoán sớm, bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm hơn, kỹ thuật tiến bộ hơn. Chúng tôi đã thực hiện thành công phẫu thuật chuyển gốc động mạch cho cháu bé chỉ nặng 1,7 kg và can thiệp tim mạch cho trường hợp nhỏ nhất là 750gr”.
Được gặp lại những ca phẫu thuật tim thành công, đứa trẻ phát triển khỏe mạnh là hạnh phúc không thể đong đếm được của những bác sĩ. Trong hành trình về Cao Bằng lần này của đoàn chương trình “Trái tim cho em”, họ cũng có cơ hội gặp lại bé Dương Thùy Chi (12 tuổi) xinh xắn với một trái tim khỏe mạnh.
Năm 2009, khi mới ba tuổi, thấy con mình khóc tím tái, móng tay và móng chân đều tím to lên, không thể đi đứng bình thường, gia đình mới biết con bị bệnh tim. Vay mượn khắp nơi để Chi được mổ tim sửa chữa bệnh apso tuýp 2, gia đình bé Chi chỉ có hy vọng 30% cứu sống con mình. Sau một năm do miếng vá bị gập lại gây tắc ống nên Chi buộc phải trải qua một ca mổ khác mới giữ được tính mạng. Vay đâu hơn 100 triệu để cho con xuống Hà Nội mổ, trong cơn túng quẫn, mẹ bé Chi may mắn nghe đến chương trình “Trái tim cho em” và gọi điện đăng ký.
Bé Dương Thùy Chi khỏe mạnh sau tám năm mổ can thiệp tim.
Hai tháng sau, Chi được xếp lịch mổ trong hạnh phúc khôn xiết của gia đình. Tám năm qua, Chi lớn lên xinh xắn, hồng hào, khỏe mạnh với một buồng tim có cấu trúc bình thường. “Không có niềm hạnh phúc nào hơn cô ạ. Con lớn lên khỏe mạnh, người làm cha, làm mẹ như chúng tôi cũng như được tiếp thêm sức lực. Giờ chỉ cần con khỏe mạnh thôi”, mẹ bé Chi vừa khóc vừa nói.
Trong chuyến đi khám tình nguyện lần này, có những cháu bé vượt quãng đường 200km từ Hà Giang xuống Cao Bằng để chờ tới lượt khám. Có không ít cháu đã từng mổ tim và thêm niềm hạnh phúc khi khám lại lần này sức khỏe tiến triển tốt. Sức lan tỏa của “Trái tim cho em” 10 năm qua đã giúp đỡ nhiều trái tim bị lỗi nhịp được đập khỏe mạnh trong lồng ngực.
(Theo Nhân dân điện tử)