Sau 16 năm, hai cô bé dính nhau ngày nào giờ đã là hai con người độc lập. Tìm gặp lại để cảm ơn êkip bác sĩ năm xưa đã phẫu thuật cho con mình là ước nguyện của gia đình Hà – Ninh.
Một ngày giữa tháng 8, căn phòng làm việc của giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ Hà Nội có hai vị khách đặc biệt. Sau khi mở cửa, khuôn mặt vị bác sĩ thoáng chút ngỡ ngàng. Trước mặt ông là hai thiếu nữ độ tuổi trăng rằm xinh xắn, rụt rè giới thiệu: “Chào bác, cháu là Hà và Ninh ở Quảng Ninh, ngày xưa chúng cháu dính nhau và được bác tách ra”.
Phút bối rối qua đi, khuôn mặt ông trở nên rạng rỡ. Mỉm cười nhìn hai cô bé mà cách đây 16 năm về trước mình đã tham gia phẫu thuật tách rời khi hai bé dính nhau, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm không giấu được niềm xúc động: “Bác không nghĩ lại được gặp hai cháu như thế này”.
Nụ cười ấm lòng
Tìm gặp lại để cảm ơn êkip bác sĩ năm xưa đã phẫu thuật cho con mình là ước nguyện của gia đình Hà – Ninh. Nhưng cuộc sống khó khăn với bao bộn bề lo toan. Hôm nay, hai cô bé mới được tới gặp một trong những vị ân nhân của mình.
Trong ấn tượng của hai cô bé Hà – Ninh, người bác sĩ đã giúp mình trở thành những cơ thể độc lập, không có gì khác ngoài lời kể của bố: “Bác Liêm có nụ cười khiến người khác thấy ấm lòng. Ngày phẫu thuật các con, bố nóng ruột ngồi ngoài chờ. Một bác sĩ bước ra từ phòng mổ, nở nụ cười với bố và nói anh yên tâm. Sau này bố mới biết đó là bác sĩ Liêm, nhưng lúc đó nụ cười ấy đã thật sự làm bố ấm lòng”.
Nụ cười ấm lòng ấy của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm không chỉ xua tan sự bất an trong lòng bố Hà – Ninh mà còn là điểm tựa vững vàng cho nhiều người khi không may có những đứa con song sinh dính nhau phải đến Bệnh viện Nhi TƯ để phẫu thuật. Trong ấn tượng của anh Lê Anh Luân, bố của Cúc – An, lúc nghĩ hai đứa con của mình sẽ không thể qua được anh đã nhận được nụ cười và cái vỗ vai giản dị, chân tình của bác sĩ Liêm: “Không sao đâu, đừng lo!”. Điều đó đã khiến anh và gia đình thêm phấn chấn để cùng góp sức chiến đấu cùng hai cô con gái bé bỏng.
Trong bức thư gửi giáo sư Nguyễn Thanh Liêm ngày 13/8, Thúy An thay mặt hai chị em viết: “Thưa bác, mẹ cháu kể ngày xưa bác đã đi xin sữa, xin tiền cho chúng cháu được phẫu thuật. Hôm nay chúng cháu đang học lớp 5, mẹ Bình bảo chúng cháu phải học thật giỏi để không phụ lòng bác. Nghe lời mẹ, chúng cháu đều là học sinh giỏi bác ạ”.
Đọc bức thư, khuôn mặt người bác sĩ đã nở một nụ cười hạnh phúc: “Năm nào Cúc – An cũng là người gọi điện chúc tết gia đình tôi sớm nhất”.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm gặp lại Hà – Ninh 16 năm sau ca phẫu thuật tách hai chị em
Hành trình áp lực
Nói về những ca phẫu thuật tách các cặp song sinh dính nhau, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm ngẫm nghĩ: “Đó là một hành trình đầy áp lực”. Khi tiếp nhận ca song sinh Hà – Ninh (khi đó là Phương – Ly), các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi TƯ dường như ở trong tình thế bị động.
Hà – Ninh là cặp song sinh dính nhau đỡ phức tạp nhất (dính nhau phần bụng nhưng ống tiêu hóa riêng biệt, chỉ có một chút bất thường về mạch máu rốn) trong số những ca mà Bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận. Nhưng lúc đó kinh nghiệm chuyên môn đối với những ca như thế này là số không. Áp lực trước một ca bệnh khó khiến các bác sĩ không thể đưa ra tiên đoán được điều gì.
Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ chỉ dám nói với bố mẹ của Hà – Ninh có thể ca phẫu thuật sẽ không thành công như mong muốn. Cái gật đầu chấp nhận tiến hành mổ nặng nề của bố mẹ Hà – Ninh khiến các bác sĩ cảm thấy mang một áp lực ghê gớm. “Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã làm được”- bác sĩ Thanh Liêm nhớ lại.
Đến ca mổ Nghĩa – Đàn, tình trạng của hai cháu phức tạp hơn. Hai bé chung nhau nhiều bộ phận. Tuy đã tính toán và hội chẩn rất kỹ nhưng khi bước vào ca mổ, cả êkip rất ngỡ ngàng khi phát hiện hai bé còn chung nhau cuống mật. Tình hình xảy ra ngoài dự kiến khiến các bác sĩ bối rối. Sau đó các bác sĩ quyết định cuống mật sẽ nhường cho Đàn, còn Nghĩa sẽ đưa ruột nối với gan.
Cặp song sinh này chỉ cứu được Nghĩa, còn Đàn ra đi sau đó mấy tháng. Điều này khiến áp lực đè nặng lên vai những người bác sĩ thực hiện cho ca mổ tiếp theo được tiến hành không lâu sau đó: ca mổ Cúc – An. “Áp lực từ ca mổ Cúc – An là được sự quan tâm rất lớn từ dư luận và tình trạng dính nhau của các cháu quá phức tạp”. Nhưng lúc này kinh nghiệm cũng đã được đúc kết từ những ca mổ trước đó, nên các bác sĩ đã xử lý thành công
Những lúc bệnh viện tiếp nhận những cặp song sinh dính nhau, bác sĩ Thanh Liêm đều chộn rộn đến mất ngủ. Trong thời gian các cặp song sinh ở bệnh viện, ông ra lệnh cho nhân viên của mình dù có bất kỳ một biểu hiện nhỏ nào của các bé cũng phải gọi điện báo cho ông. Chiếc điện thoại trong thời gian này cứ để chuông thật lớn ngay đầu giường. Một lần sau ca mổ Cúc – An được bảy ngày, Cúc bị chảy máu đường tiêu hóa lúc 2h sáng. Trời Hà Nội mưa phùn rét mướt, đang ngủ ngon lành nhưng vừa nghe tin bác sĩ Liêm bật dậy vội vã chạy ngay vào bệnh viện. Đến nơi, tay lạnh cóng phải sưởi ấm mới khám cho Cúc được.
Khi các cháu đã được xuất viện trở về nhà, nhiều đêm bác sĩ Liêm vẫn nhận được những cuộc điện thoại hoảng hốt của bố mẹ các cháu: “Bác ơi, con cháu nó bị làm sao ấy!”. Những lúc nghe như thế ông đứng ngồi không yên. Mấy ngày sau cứ liên tục gọi điện hỏi han tình hình cho đến khi nghe tiếng cười trong điện thoại. “Với tôi, những bệnh nhi sinh ra kém phần may mắn luôn chiếm một tình cảm đặc biệt. Cơ duyên cho tôi được tham gia phẫu thuật nhiều ca song sinh dính nhau. Những khi rạch nhát dao đầu tiên, tôi đều có cảm giác hồi hộp và hạnh phúc”- ông chia sẻ.
Trong hành trình mang đầy áp lực để trả lại cơ thể độc lập cho những cặp song sinh dính nhau không phải chỉ có niềm vui thành công. Có rất nhiều ca dính nhau quá phức tạp, thể trạng của các bé quá yếu các bác sĩ cũng đành bó tay để các bé ra đi. Đó là điều khiến bác sĩ Thanh Liêm day dứt và trăn trở. Chính vì thế nhiều năm qua ông đã bắt tay vào nghiên cứu kỹ về các ca song sinh dính nhau để có thể đúc rút nhiều kinh nghiệm nhất cho những ca phẫu thuật tương tự. Trong hồ sơ lưu trữ của ông, bệnh án của các cặp song sính dính nhau luôn được cất cẩn thận. Có những trang bệnh án đã cũ kỹ, ngả màu nhưng ông vẫn giữ lại để nghiên cứu.
“Những cặp song sinh dính nhau sẽ được sống bình thường như Hà – Ninh, Cúc- An, Cu – Cò là mơ ước của tôi”- giáo sư Liêm chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ