Trang chủ » Đào tạo » Đánh giá khả năng phát âm phụ âm đầu trong âm tiết của trẻ khiếm thính

Đánh giá khả năng phát âm phụ âm đầu trong âm tiết của trẻ khiếm thính

(TRẺ CÓ SỬ DỤNG THIẾT BỊ TRỢ THÍNH VÀ TRỊ LIỆU NGÔN NGỮ)
Thạc sỹ ngôn ngữ: Vũ Thùy Linh, Thạc sỹ, Bác sỹ: Nguyễn Tuyết Xương


1. Tổng quan

Thính giác là một trong những giác quan quan trọng của con nguời, giúp con nguời có thể thực hiện đựơc nhu cầu cao nhất trong cuộc sống hàng ngày của mình đó là giao tiếp với thế giới. Con người sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp ngay từ những năm đầu đời và phát triển nó cho đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, có một số luợng lớn những người kém may mắn bị mất đi khả năng tuyệt vời đó từ lúc sinh ra. Đó là những người bị khiếm thính nói chung, trẻ khiếm thính nói riêng. Chính vì vậy nếu không phát hiện trẻ nghe kém ở giai đoạn sớm sẽ dẫn đến một hậu quả đáng tiếc là trẻ không được hình thành ngôn ngữ sẽ dẫn đến câm, chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ và tính cách, khó khăn khi hòa nhập cuộc sống.

Ngày nay, y học ngày càng phát triển. Với những máy móc và thiết bị hiện đại, nó đã cho phép con người có khả năng phát hiện sớm và can thiệp sâu với nhiều loại bệnh tật. Trong đó, phải kể đến những thành tựu không nhỏ của ngành thính học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Những máy móc thiết bị hiện đại mang tính sàng lọc như máy đo âm ốc tai OAE đến những máy mọc thiết bị chẩn đoán sâu như máy đo điện thính giác thân não (ABR, ASSR), máy móc thiết bị đo truờng tự do…đã giúp chúng ta có thể phát hiện sớm và chính xác về bệnh khiếm thính, và sau đó cùng với y học có những biện pháp can thiệp kịp thời. Theo sô liệu thống kê, ở nhiều nước trên thế giới thì Mĩ có 0.1% đến 0.2% trẻ dưới ba tuổi bị nghe kém được phát hiện, ở Singgapo có 0.1% trẻ sơ sinh nghe kém,…Tại Việt Nam , năm 2001 theo nghiên cứu của Phạm Thị Cơi thì có 0.487% trẻ nghi ngờ giảm thính lực thông qua khảo sát 823 trẻ dưới năm tuổi, năm 2002 trong 700 trẻ bại não có đến 2.1% trẻ nghi ngờ giảm thính lực, năm 2005 có 0.34% trong tổng số 12000 trẻ sơ sinh tại bệnh viện phụ sản có nghi ngờ giảm thính lực theo thống kê của bà Nguyễn Thu Thủy (Nguồn tham khảo).

Nhờ những phát triển của y học và công nghệ mà ngày nay trẻ khiếm thính càng ngày càng đựơc phát hiện và can thiệp sớm. Trẻ được sử dụng những thiết bị trợ thính như máy trợ thính hay điện cực ốc tai và được tham gia trị liệu ngôn ngữ. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn với những trẻ khiếm thính. Trong khuôn khổ đề tài này, chúng tôi quan tâm và đề cập đến các hoạt động trị liệu lời nói cho trẻ khiếm thính. Trị liệu ngôn ngữ hiểu nôm na có thể gọi là hoạt động luyện nói bao gồm các việc luyện nghe – nói và mở rộng vốn từ cho trẻ. Đây là công việc rất quan trọng và cần thiết sau khi trẻ được đeo thiết bị trợ thính, là cầu nối mang ngôn ngữ đến với trẻ và giúp trẻ hòa nhập với xã hội. Luyện nói sẽ giúp trẻ có phản xạ với âm thanh, hiểu âm thanh và từ ngữ qua đó hiểu được hoàn cảnh giao tiếp, phản hồi giao tiếp và có thể phát âm đúng. Các bước luyện nghe – nói bao gồm việc luyện nghe âm thanh thô (tiếng gõ trống, tiếng xúc xắc, tiếng vỗ tay…) và âm thanh lời nói ( nguyên âm, thanh điệu, phụ âm, từ đơn, từ ghép, câu đơn, đoạn văn). Hoạt động trị liệu ngôn ngữ mà chúng tôi quan tâm và đề cập đến ở trên, đi vào chi tiết nhỏ hơn trong nội dung bài đề tài chính là việc luyện nghe nói phụ âm đầu của trẻ khiếm thính, mà cụ thể hơn nữa là chúng tôi đi vào đánh giá khả năng phát âm phụ âm đầu trong âm tiết (tiếng Việt) của những trẻ khiếm thính được sử dụng thiết bị trợ thính và trị liệu ngôn ngữ.

Lí do mà chúng tôi đề cập sâu vào vấn đề này vì trong các bước luyện nghe – nói cho trẻ khiếm thính thì việc luyện nghe – nói phụ âm đầu cómột vai trò rất quan trọng trong luyện nghe âm thanh lời nói. Phụ âm đầu có một giá trị rất lớn trong âm tiết nói riêng và tiếng nói nói chung. Như chúng ta đã biết, phụ âm đầu luôn luôn gắn liền với vị trí và chức năng mở đầu âm tiết, có giá trị khu biệt âm tiết. Chức năng mở đầu âm tiết được thể hiện là bất kì một âm tiết tiếng Việt nào cũng bắt đầu là một phụ âm. Ví dụ, trong âm tiết “bà” thì phụ âm mở đầu là âm “b”, trong âm tiết “nhà” thì phụ âm mở đầu là âm “nh”, hay thậm chí một âm tiết là “ăn”, ta tưởng không có phụ âm đầu nhưng thực chất nó mở đầu bằng một phụ âm tắc họng. Chức năng khu biệt âm tiết thể hiện ở sự phân biệt một âm tiết này với một âm tiết khác về hình thức và ý nghĩa. Ví dụ âm tiết “ba” khác “ma”.

Việc luyện nghe – nói phụ âm đầu cũng là một công việc khó khăn hơn cả cho các trẻ khiếm thính vì các nét khu biệt của nó khá là phức tạp so với các thành phần khác (nguyên âm, thanh điệu). Các nguyên âm được phân biệt dựa vào độ nâng của lưỡi và độ mở của miệng, các thanh điệu thì được phân biệt dựa vào âm vực và đường nét. Còn phụ âm đầu được phân biệt dựa vào phương thức cấu âm và vị trí cấu âm, nhưng bản thân trong hai tiêu chí đó có rất nhiều tiêu chí nhỏ khác. Với phương thức cấu âm thì đó là tiêu chí tắc, xát, mũi, bên, vô thanh, hữu thanh; với vị trí cấu âm thì đó là các vị trí môi, răng, đầu lưỡi, mặt lưỡi, gốc lưỡi, họng, thanh hầu. Chính vì tính chất trên mà khi học nguyên âm và thanh điệu, trẻ có thể ít khó khăn hơn trong việc nghe và kết hợp hình miệng. Nhưng với phụ âm, việc nghe đã khó, nhất là với những phụ âm tắc, vô thanh,..việc kết hợp nhìn hình miệng cũng không phải dễ, nhất là những âm khó như âm thanh hầu, gốc lưỡi, họng. Khó khăn là thế, nhưng chúng ta không thể bỏ qua vì việc luyện nghe – nói phụ âm đầu vô cùng quan trọng, nó giúp trẻ nghe kém không chỉ phát âm tốt hơn mà khả năng hiểu lời và giao tiếp cũng tốt hơn, hòa nhập tốt hơn. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, chúng tôi không đi chỉ vào đánh giá khả năng phát âm những phụ âm đầu một cách riêng lẻ mà còn là sự đánh giá nó trong một âm tiết hòan chỉnh. Việc đánh giá và nhìn nhận đúng khả năng phát âm phụ âm đầu của trẻ sẽ cho ta cái nhìn bao quát hơn và chỉ ra những cái thuận lợi và khó khăn khi trẻ học lời, nhất là trong công việc trị liệu ngôn ngữ nói riêng. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn tìm ra những biện pháp thích hợp đóng góp vào việc trị liệu này để giúp trẻ khiếm thính có thể bớt khó khăn khi học lời, có thể nói và giao tiếp tốt hơn để giúp các em dần tự tin trong cuộc sống.

2. Phương pháp và đối tượng nghiên cứu.
2.1. Phương pháp nghiên cứu.
Trong khuôn khổ của đề tài này, chúng tôi sử dụng phương pháp quan sát, mô tả. Chúng tôi tiến hành quan sát hàng ngày những phát âm của trẻ trong giờ học trị liệu cùng giáo viên trị liệu và ghi chép lại những phát âm đó thông qua cảm thụ bằng thính giác. Việc ghi âm phát âm của trẻ sẽ được thực hịên theo một bảng từ có sẵn. Phương thức ghi âm là cô đọc trước từ, đọc to, rõ ràng để cho trẻ nói theo và tất cả được ghi âm lại. Những âm ghi lại đó, sau này chúng tôi xử lí trên máy một cách khách quan bằng phần mềm phân tích ngôn ngữ chuyên biệt.
Cuối cùng, tất cả dữ liệu chúng tôi thu thập được bằng quan sát hàng ngày và ghi âm sẽ được mô tả lại và phân tích để đánh giá về khả năng phát âm phụ âm đầu trong âm tiết của trẻ thông qua phương pháp miêu tả và phân tích.

2.2. Đối tượng nghiên cứu
Để phục vụ cho đề tài, chúng tôi tiến hành quan sát hàng ngày các trẻ và tiến hành ghi âm 20 trẻ khiếm thính có sử dụng thiết bị trợ thính và trị liệu ngôn ngữ tại trung tâm thính học bệnh viện Nhi Trung Ương. Những trẻ nghe kém bao gồm cả các trẻ nam và nữ ở độ tuổi từ ba đến bốn tuổi, có phát âm.
Để phục vụ cho đề tài này, chúng tôi đã sử dụng một bảng từ thử là những từ có nghĩa, thường được sử dụng hàng ngày trong những giờ học trị liệu và trong cuộc sống của trẻ. Những từ thử này trải đều các phụ âm đầu tiếng Việt. (Bảng từ thử đi kèm phụ lục)

3. Kết quả nghiên cứu

Từ những ghi chép, ghi âm, thống kê hàng ngày và thông qua việc miêu tả, phân tích tư liệu, chúng tôi nhận thấy sự phát âm phụ âm đầu trong âm tiết tiếng Việt của trẻ khiếm thính có nhiều điểm mà chúng ta nhận ra được và quan tâm, đó là trẻ khiếm thính thường gặp phải nhiều khó khăn khi phát âm phụ âm đầu trong âm tiết và thường mắc lỗi khi phát âm phụ âm đầu trong âm tiết. Cụ thể như sau:

3.1. Những khó khăn.
Như đã nêu ở trên, những phụ âm đầu tiếng Việt thường khó phát âm với trẻ khiếm thính vì phụ âm đầu vì những đặc trưng khu biệt rất phức tạp của nó. Phương thức cấu âm cùng vị trí cấu âm khá phức tạp đã khiến cho việc học phụ âm gặp nhiều khó khăn. Phụ âm đầu khi phát âm ra thì luồng âm thanh bị cản trở lại, kết hợp với bộ máy phát âm ở khoang miệng sẽ tạo thành những âm khác nhau. Chính sự cản trở đó, cộng với sự kết hợp đa dạng đã khiến cho trẻ khó khăn khi lắng nghe âm thanh, ngay cả khi được nhìn khẩu hình. Ví dụ “m” và “b” nhìn hình miệng tưởng chừng là phát âm giống nhau vì đều là âm môi, nhưng chúng lại có sự khác nhau ở tính chất mũi – không mũi. Trong khi âm “b” chỉ cần chạm môi vào nhau, lấy hơi bật ra, không đưa hơi lên mũi thì âm “m” ngược lại, trong khi phát âm phải đẩy hơi lên mũi. Nếu không cảm nhận được tính chất này, trẻ sẽ rất dễ mắc lỗi khi phát âm. Chính vì thế mà có những trường hợp âm “m” phát âm thành âm “ m” và ngược lại. (mở -> bở, bi->mi)

Thêm vào đó, trong bảng thính lực đồ, trong ngưỡng nghe bình thường của trẻ, các phụ âm được phân bố rải rác ở những tần số khác nhau, trong đó có nhiều phụ âm nằm ở những tần số cao. Đặc điểm âm học này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những khó khăn cho trẻ.

3.2. Khả năng phát âm.

3.2.1. Những thuận lợi.
Khi đánh giá phát âm phụ âm đầu trong âm tiết của trẻ chúng tôi nhận thấy với mỗi trẻ với một sức nghe khác nhau, một sự can thiệp khác nhau, khả năng đáp ứng thích nghi khác nhau, cũng như năng lực của mỗi trẻ là khác nhau. Vì thế mà khả năng phát âm của các trẻ cũng khác nhau. Chính vì vậy mà chúng tôi khó lòng chỉ ra những đặc điểm cụ thể đến từng chi tiết. Với những tư liệu mà chúng tôi có được, chúng tôi cũng chỉ cố gắng phần nào tìm ra những đặc điểm bao quát nhất, chung nhất.

Khi nghiên cứu, chúng tôi thấy trẻ dễ dàng hơn khi phát âm những phụ âm môi, những âm mà trẻ có thể dễ dàng quan sát khẩu hình như âm b, m, t, x…Trẻ thường phát âm đúng những âm này kể cả phát âm hàng ngày và phát âm theo bảng từ. Theo bảng từ, thì có đến 17/20 trẻ phát âm đúng âm b, 15/20 trẻ phát âm dúng âm m (còn lại bị nhầm âm “m” thành “b”), 14/20 trẻ phát âm đúng âm t,…Còn lại, hầu như các phụ âm đều mang lại những khó khăn cho trẻ khi phát âm nhất là những âm gốc lưỡi như kh, g; âm c/k/qu, ng, nh…

3.2.2. Những lỗi mắc phải khi trẻ phát âm phụ âm đầu trong âm tiết

Như chúng tôi đã nói ở trên, trẻ thường dễ mắc phải lỗi khi phát âm phụ âm đầu, và thường mắc lỗi rất nhiều. Với trẻ này, có thể gặp lỗi phát âm phụ âm đầu này, với trẻ khác thì mắc lỗi phụ âm đầu tương tự hoặc khác nhau, nhưng khái quát lại, có những lỗi phát âm phụ âm đầu mà hầu hết các trẻ đều gặp phải, như sau:
– Lỗi phát âm nhầm phụ âm này thành phụ âm khác
Ví dụ: “ mở” thành “bở”
“cá” thành “tá”
“khóc” thành “hóc”
– Lỗi phát âm mất phụ âm đầu:
Ví dụ: “cô” thành “ô”
“xin” thành “in”
“nhà” thành “à”
– Lỗi phát âm lẫn phụ âm
Ví dụ: “thở” thành “x-chỏ”
“xếp” thành “kh- ếp”
– Phát âm bị yếu: Đây là trường hợp các âm phát ra bị lướt qua rất nhanh do thời gian tạo âm ngắn hoặc do nguyên nhân khách quan nào đó (không nghe rõ,…) chứ không phải do chủ ý của trẻ
Ví dụ: “cháu xỏ hạt” thành “cháu…ỏ hạt”
– Thậm chí có những trường hợp nếu trẻ mới nghe lần đầu và nhắc lại thì chúng ta không thể xác định rõ là trẻ phát âm âm gì.

4. Nhận xét và thảo luận về kết quả.

4.1. Nhận xét
Trong chương này chúng tôi sẽ đi vào nhận xét, dẫn chứng cụ thể về những khả năng phát âm phụ âm đầu trong âm tiết của trẻ thông qua những kết quả vừa nêu ở trên:
Trường hợp những phụ âm dễ dàng phát âm và thường được các trẻ phát âm đúng nhiều đã được chúng tôi nêu lên khá đầy đủ ở mục 3, vì thế trong phần này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh những lỗi phát âm.

– Trường hợp phát âm nhầm phụ âm đầu này thành phụ âm đầu khác:
* Đây là một trường hợp khá phổ biến mà nhiều trẻ mắc phải, thậm chí một trẻ có thể phát âm bị nhầm rất nhiều phụ âm. Lỗi phát âm nhầm phụ âm đầu là lỗi phát âm trẻ mắc phải nhiều và nhiều trẻ mắc phải. Qua quan sát hàng ngày và ghi âm, chúng tôi thống kê được rất nhiều trường hợp lỗi mà trẻ mắc phải như phát âm: m thành b, kh thành h, đ thành c…Trong tổng số hai mươi cháu mà chúng tôi tiến hành quan sát và ghi âm thì cả hai mươi cháu đều mắc phải lỗi này, tuy những âm mắc lỗi không hòan tòan giống nhau giữa các trẻ.

* Có trường hợp một trẻ có thể mắc lỗi phát âm nhầm rất nhiều phụ âm: Như chúng tôi đã nói, khả năng học lời cũng như phát âm phụ âm đầu của trẻ là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mặc dù chúng tôi nhận thấy trẻ nào cũng mắc phải lỗi này nhưng có trẻ mắc phải nhiều, có trẻ mắc ít lỗi. Ví dụ khi phát âm phụ âm đầu trong âm tiết bé Quang Huy mắc 16 lỗi khi phát âm, bé Thế Bảo mắc 14 lỗi khí phát âm, bé Bùi Minh Phương, bé Dương mắc 13 lỗi phát âm phụ âm đầu khi phát âm âm tiết,…

* Cuối cùng là với một lỗi nhầm mà trẻ bị mắc phải nhiều lần, lặp đi lặp lại. Đó là trường hợp có rất nhiều phụ âm khác nhau với cách phát âm khác nhau nhưng trẻ chỉ phát âm thành một âm. Ví dụ:
Bé Nguyễn Minh Phương thường nhầm các phụ âm thành âm “c”. Có rất nhiều âmc âm bé đều phát âm thành “c” như “t, x, d, ch, n…”(tóc thành cóc, xin thành cin, xếp thành cếp, chạy thành cạy…). Tương tự bé Mai Anh cũng thường nhầm các phụ âm như âm ph, th, t, ch, nh, kh, h…thành âm “c” (thỏ thành cỏ, khóc thành cóc, …)
Bé Phương Ly thường hay nhầm các phụ âm thành âm “h” như âm th, kh, ng, g…(thỏ thành hỏ, khóc thành hóc, gâu gâu thành hâu hâu…). Đây cũng là lỗi mà bé Minh Nhật gặp phải. Bé thường bị nhầm các phụ âm thành “h” như âm đ, gh, tắc thanh hầu,…(ghế thành hê, đây thành hây, ở thành hở…)

Bé Thế Bảo thường nhầm các phụ âm thành âm “n” như âm b, v, x, ng, …(bò thành mò, xỏ thành mỏ, xếp thành mếp…)
Bé Châu Giang thường nhầm các phụ âm thành âm “t” như các âm ph, c, ch, k…(cá thành tá, cô thành tô, cắt thành tắt,…)
Như vậy, ta có thể thấy, các âm mà trẻ phát âm nhầm xuất hiện ở tất cả các phụ âm, nhưng có những âm mà trẻ hay phát âm nhầm nhiều là những âm có cấu âm phức tạp và khó khăn khi bắt chước hình miệng. Trẻ cũng thường phát âm nhầm hoặc là quy cách phát âm nhiều phụ âm về cách phát âm một phụ âm mà trẻ dễ phát âm và đã hình thành thói quen phát âm. Sự phát âm nhầm các phụ âm không giống nhau giữa các trẻ.

– Trường hợp phát âm bị mất phụ âm đầu: Tương tự như lỗi phát âm nhầm phụ âm, lỗi phát âm bị mất phụ âm đầu là một lỗi mà trẻ rất hay mắc phải và cũng có nhiều trẻ mắc phải. Ví dụ:
Bé Quang Huy bị mất rất nhiều phụ âm đầu khi phát âm như các phụ âm ph, th, t, đ, x, c, ch, gh, h, ng… (cây thành ây, chú thành ú, khóc thành óc…)
Bé Dương cũng bị mất rất nhiều phụ âm khi phát âm như mất âm c, k, qu, gh, h, nh, l…(nhà thành à, kéo thành éo, cắt thành ắt…)
Bé Bùi Minh Phương thường bị mất các phụ âm đầu th, c, k, qu, n, ng, kh, ng, h…khi phát âm (thỏ thành ơ, ngủ thành ủ, ghế thành ế…)
Thông qua tư liệu, chúng tôi nhận thấy trong trường hợp trẻ phát âm bị mất phụ âm đầu thì các phụ âm đầu thường bị mất nhiều nhất hay nói một cách khác là nhiều trẻ phát âm bị mất nhiều nhất là các âm c, k, qu, h, gh, kh… và rải rác gặp phải là các phụ âm: x, l/n, đ, th…Lí giải nhanh cho trường hợp này là vì, các âm mà các trẻ hay bị mất thường là các âm gốc lưỡi, âm thanh hầu vừa khó để nghe lại vừa khó để bắt chước khẩu hình. Còn các âm bị mất rải rác thì thường phụ thuộc vào khả năng của từng bé.
– Trường hợp phát âm lẫn phụ âm và âm bị yếu là trường hợp mà qua quan sát chúng tôi ít gặp phải nhất. Lỗi này chỉ rải rác ở một số trẻ do một nguyên âm khách quan nào đó.

4.2. Thảo luận và giải pháp
Như vậy thông qua những nhận xét mà chúng tôi rút ra được ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng, trong các phụ âm đầu tiếng việt, có những phụ âm đầu mà trẻ thường dễ phát âm và thường phát âm đúng nhiều hơn như các âm b, m, v, t, n, những âm tiết có phụ âm đầu là âm tắc được thể hiện bằng sự vắng mặt của chữ viết (ăn, uống, ai, yêu…). Ngược lại, sự phát âm mắc lỗi của trẻ thì muôn hình vạn trạng. Những kết quả nghiên cưú của chúng tôi đã chỉ ra rằng trẻ bị mắc lỗi phát âm phụ âm rất nhiều và liên tục. Để phát âm đúng các phụ âm như đã nêu lên ban đầu thì không hề dễ dàng với các trẻ, chính vì thế mà nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học ngôn ngữ nói chung của trẻ. Tuy nhiên, khi nhìn nhận được thực tế phát âm đó thì chúng tôi mới nhìn nhận và tìm ra những giải pháp để góp phần vào việc giảng dạy ngôn ngữ cho trẻ đạt hiệu quả hơn.

* Để khắc phục những khó khăn của trẻ trong việc học nói nói chung và học phát âm các phụ âm đầu trong âm tiết nói riêng, trước hết chúng ta cố gắng trang bị tốt cho trẻ cái ban đầu. Cái ban đầu mà chúng tôi nói đến chính là cha mẹ cần trang bị sớm những thiết bị trợ thính phù hợp, thậm chí là thật tốt để hỗ trợ cho việc nghe của trẻ. Thời gian trị liệu tích cực cho trẻ càng sớm càng tốt. Thực tế đã cho thấy nếu trẻ đeo máy phù hợp, tốt và thường xuyên cũng như tham gia trị liệu tích cực ở lớp và ở nhà thì sẽ có khả năng học ngôn ngữ tốt hơn như trường hợp của bé Nguyễn Minh Phương, bé Châu Giang, bé Anh Thư, bé Minh Nhật,…). Chúng ta không thể không nhắc đến sự quan tâm của gia đình và xã hội, sự nỗ lực của bản thân đứa trẻ. * Bên cạnh đó, để khắc phục những lỗi sai trong phát âm nói chung, phát âm phụ âm đầu trong phát âm âm tiết nói riêng thì chúng ta cần có những biện pháp linh hoạt, vừa chung cho các trẻ lại vừa phù hợp với khả năng của mỗi trẻ.

Theo chúng tôi, ban đầu chúng ta cần cho trẻ học những phụ âm dễ phát âm trước, học những phụ âm khó phát âm sau. Những phụ âm dễ phát âm tạm coi là những phụ âm dễ nghe, dễ nói và có thể bắt chước khẩu hình như những phụ âm môi, phụ âm răng…Còn những phụ âm khó phát âm hơn là những phụ âm khó cảm nhận khi trẻ nghe và cũng khó bắt chước hình miệng như những âm gốc lưỡi, âm thanh hầu…Tuy nhiên, chúng ta không thể dạy phụ âm một cách cô lập như vậy, mà là dạy trong sự xuất hiện của nó trong âm tiết. Như vậy, chính là cách chúng ta dạy cho trẻ những âm tiết có những phụ âm đầu từ dễ đến khó hơn và những âm tiết (hay những từ ) đó sẽ được lồng ghép trong những mục tiêu giảng dạy cụ thể. Ví dụ trong khi dạy trẻ về con vật, chúng tôi sẽ chú ý chọn những từ chỉ con vật gần gũi và dễ phát âm nhất để dạy trước. Chúng tôi sẽ chọn dạy con bò, mèo, ốc, báo,…rồi đến con chim, công, cá, dê, khỉ hươu…

Chúng ta cũng lưu ý không nên dạy những từ có phát âm gần giống nhau trong cùng một buổi học để gây những khó khăn trong phân biệt cho trẻ. Ví dụ khi học về các loại quả, chúng ta không nên đưa ra quả “bơ” và mơ”, “đào và “táo”…dạy cùng một lúc vì phụ âm m và b đều là những âm môi, chúng chỉ khác nhau ở tính chất mũi nên trẻ dễ bị nhầm, tương tự, phụ âm đ và t đều là những âm đầu lưỡi nên trẻ cũng rất dễ bị nhầm.

*Một điều cần lưu ý là chúng ta phải chú trọng đến việc sửa lỗi phát âm cho trẻ bên cạnh việc dạy nghĩa của từ. Đối với các lỗi phát âm phụ âm, chúng ta cần giúp trẻ đưa về phát âm những âm đúng thông qua việc dạy cho trẻ cách lấy hơi chính xác, cách đặt đúng vị trí cấu âm của các phụ âm, cách cử động miệng khi phát âm…Ví dụ khi trẻ phát âm nhầm từ “tóc” thành “óc” hay “cóc”…chúng ta phải hướng dẫn trẻ cách đặt đúng cấu âm của âm “t” trước, đó là đặt lưỡi giữa hai hàm răng, lấy hơi và bật lên một cái để tạo âm “t” và nối với “óc” thành từ “tóc”. Ở đây, chúng ta cũng lưu ý là sửa những âm dễ trước, những âm khó sau.
*Cuối cùng, mặc dù chúng ta thấy việc trị liệu ngôn ngữ cho trẻ chú trọng vào việc luyện kĩ năng nghe và nói cho trẻ, nhưng bên cạnh việc luyện kĩ năng nghe chúng ta cần lưu ý đến việc kết hợp việc cho trẻ nhìn hình miệng để mang lại kết quả phát âm chính xác nhất. Tuy nhiên, việc nhìn hình miệng cũng nên hạn chế và đúng thời điểm. Điều quan trong để giúp các trẻ học ngôn ngữ là chúng ta luôn luyện tập cho trẻ nghe thật nhiều, nói nhiều để trẻ nghe rõ hơn, hiểu hơn về ngôn ngữ mà chúng được học.

5. Kết luận
Thông qua những tư liệu và nghiên cứu của mình, chúng tôi đã đưa ra những đánh gía ban đầu về cách phát âm phụ âm đầu trong âm tiết của trẻ nghe kém có đeo các thiết bị trợ thính và trị liệu ngôn ngữ. Chúng tôi đã chỉ ra được những thuận lợi có được cũng như nhưng khó khăn, những lỗi sai của trẻ trong phát âm phụ âm đầu nói riêng và âm tiết nói chung. Thông qua đó, chúng tôi cũng cố gắng tìm ra những giải pháp ban đầu nhằm phần nào khắc phục những hạn chế đó để giúp trẻ có thể giảm bớt những khó khăn khi phát âm và tìm được cách phát âm đúng một từ. Từ thực tế đó, chúng tôi cũng cố gắng tìm ra những biện pháp trị liệu thích hợp để đạt được hiệu quả cao trong trị liệu. Chúng tôi không chỉ giúp trẻ hiểu từ mà còn phát âm tốt hơn, giúp trẻ tự tin trong giao tiếp và hòa nhập giao tiếp, hòa nhập xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng việc học lời của một trẻ nghe kém thông qua một thiết bị trợ thính không hề dễ dàng, bình thường và suôn sẻ như các trẻ bình thường khác. Bên cạnh đó, việc học lời có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì thế những ý kiến mà chúng tôi nêu ra trên đây mong sẽ góp phần nào nhỏ bé giúp các trẻ có thể học tập trị liệu đạt kết quả cao nhất, để giúp các trẻ không may mắn có thể tìm lại những âm thanh đầy ý nghĩa của cuộc sống và hòa nhập vào cộng đồng.



Chuyên mục: Đào tạo

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em