Hưởng ứng sự kiện POW! (Point - of - care One - world Workshop!) của WINFOCUS, trong hai ngày 23 và 24/11/2024 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức chương trình đào tạo “Siêu âm trong hồi sức cấp cứu” dành cho các bác sĩ của Bệnh viện. Lớp tập huấn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức về siêu âm cơ bản và siêu âm theo mục tiêu áp dụng tại các đơn vị hồi sức, cấp cứu.
WINFOCUS là mạng lưới tương tác toàn cầu về siêu âm trong hồi sức cấp cứu, đây là tổ chức khoa học hàng đầu thế giới nhằm phát triển siêu âm tại giường trong hồi sức cấp cứu (POCUS). Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên, WINFOCUS tổ chức hai sự kiện bao gồm: hội nghị trực tuyến “World Virtual Congress 2024” lần thứ 18 vào ngày 22/11 đến ngày 23/11 và hội thảo Point-of-care One-world Workshop diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 03/12/2024, với các chương trình đào tạo siêu âm thực hành trên toàn thế giới tại hơn 50 địa điểm với hơn 2000 người tham gia.
Chương trình đào tạo tại Bệnh viện Nhi Trung ương lần này có 30 học viên tham dự là bác sĩ đến từ các khoa Gây mê hồi sức, Gây mê hồi sức Tim mạch, Điều trị tích cực Nội Tim mạch, Điều trị tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Điều trị tích cực Ngoại khoa, cùng các bác sĩ nội trú của Bệnh viện và các bác sĩ khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Siêu âm tại giường trong hồi sức cấp cứu (POCUS) ngày càng được sử dụng rộng rãi bởi các bác sĩ lâm sàng trong điều trị bệnh nhi nặng và nguy kịch. POCUS mang đến các thông tin nhanh chóng, chính xác giúp trả lời các câu hỏi lâm sàng theo thời gian thực, hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý phổi, màng phổi, đánh giá rối loạn huyết động, chấn thương, hỗ trợ khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn…, từ đó có thêm cơ hội cứu sống trẻ nguy kịch.
Ngoài ra với kỹ thuật siêu âm, trẻ không bị phơi nhiễm với các tia bức xạ, do đó, POCUS có thể được thực hiện lặp lại nhiều lần để đánh giá theo dõi sát tiến triển của bệnh mà không gây bất kỳ các tác động bất lợi nào.
Lớp tập huấn diễn ra trong 02 ngày, với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia của khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, bộ môn Hồi sức cấp cứu – Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và khoa Điều trị tích cực Nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khóa học cung cấp cho học viên các kỹ năng cơ bản để tự tin tích hợp POCUS vào thực hành lâm sàng hàng ngày, thông qua các nội dung như: nguyên lý siêu âm cơ bản và các thao tác trên máy, siêu âm phổi, siêu âm tim cơ bản, siêu âm đánh giá chức năng cơ hoành, siêu âm đánh giá shock (RUSH – HIMAP), siêu âm có trọng điểm trong chấn thương (eFAST), siêu âm hướng dẫn thực hiện thủ thuật.
Đặc biệt, ngoài nội dung lý thuyết hấp dẫn, học viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ thực hành thao tác trên máy dưới sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ giảng viên nhằm củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng điều khiển để tối ưu hoá hình ảnh. Đồng thời, việc phân tích diễn giải các tổn thương trên hình ảnh, thông qua các ca lâm sàng sẽ giúp học viên có cơ hội áp dụng POCUS với từng trường hợp cụ thể.
Kết thúc khóa học, các học viên vượt qua các bài đánh giá năng lực và được trao chứng chỉ “Siêu âm trong hồi sức cấp cứu Nhi khoa cơ bản”. Các bác sĩ đã nhận thức được vai trò quan trọng của POCUS, từng bước làm chủ được hệ thống máy siêu âm và tự tin áp dụng trong công việc điều trị chăm sóc bệnh nhi hàng ngày.
Là Bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối cả nước với hơn 2000 bệnh nhi nội trú, và hơn 120 bệnh nhi bệnh nặng phải thở máy mỗi ngày, việc các bác sĩ tại đơn vị hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương có thể áp dụng POCUS thường quy và thành thạo là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các bác sĩ tận dụng “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh, đồng thời tránh được các tai biến trong quá trình điều trị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em.
TS.BS Chu Thanh Sơn – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE