Khi nhà nhà quây quần bên nhau trong thời khắc thiêng liêng chào đón năm mới thì nhiều y, bác sĩ vẫn đang trong một ca trực bình thường như bao ngày; chỉ khác ở thời khắc ấy, họ có đôi chút chạnh lòng, nhớ người thân.
Những hy sinh ít người biết
Có những người hầu như chẳng được hưởng trọn vẹn niềm vui sum họp bên gia đình trong thời khắc chào đón năm mới, nhưng vì trách nhiệm với công việc họ vẫn sẵn sàng chấp nhận. Công việc của các y, bác sĩ khoa Cấp cứu vốn đã vô cùng bận rộn vào ngày thường lại càng áp lực hơn vào các ca trực Tết, nhất là ca trực đêm giao thừa. Bởi việc tiếp nhận và cứu chữa người bệnh vốn là nhiệm vụ 24/24 giờ, nhưng vì ưu tiên cho những người ở xa về quê đón Tết, nên số ít y, bác sĩ có thể ở lại trực sẽ phải đảm nhiệm hết công việc này.
Vào nghề đã 10 năm, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, khoa Cấp cứu chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những người hầu như không được đón giao thừa ở nhà. Năm nay chắc chắn anh lại tiếp tục xung phong ở lại trực để nhường cho những đồng nghiệp ở xa được về quê ăn Tết.
Với các y, bác sĩ khoa Cấp cứu, ngày Tết cũng như ngày thường, thậm chí những ngày trực Tết, công việc còn áp lực hơn rất nhiều. Việc phân công ca trực đêm giao thừa thường ưu tiên tinh thần xung phong để linh động cho những người ở xa được về quê dịp Tết. Nhà ở gần Bệnh viện nên hầu như năm nào bác sĩ Hùng cũng trực đêm 30 Tết đến sáng mồng 1. Đặc thù công việc là thế nên gia đình anh cũng hết sức ủng hộ. Nhưng cũng có khi phải hi sinh nhiều chuyện cá nhân, nhất là năm anh mới cưới vợ.
“Tôi cũng hiểu trong cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, vợ tôi sẽ có nhiều thứ còn ngại ngùng, cần có chồng bên cạnh hỗ trợ nhưng nếu mình không trực thì người khác cũng phải trực nên vẫn muốn xung phong để hỗ trợ đồng nghiệp. Vì thế, tôi phải nghĩ cách thuyết phục vợ trước cả vài tuần, thậm chí hứa đưa đi chơi “bù” sau ca trực để cô ấy vui vẻ đồng ý cho chồng đi trực”, bác sĩ Hùng vui vẻ kể.
Làm nghề y vất vả là vậy nhưng với những người phụ nữ thì sự vất vả đó lại nhân thêm nhiều lần. Với y tá Ngô Quỳnh Anh, khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Lão khoa Trung ương, ca trực đêm giao thừa Tết Đinh Dậu năm ngoái là ca trực đã để lại cho chị rất nhiều kỷ niệm. Từ khi vào nghề y, đó cũng là lần đầu tiên chị phải trực vào đêm giao thừa và phải vắng nhà trong thời khắc ấy.
“Đúng ra tôi được phân công trực vào ngày mồng 2 Tết Âm lịch nhưng thương bạn đồng nghiệp quê ở xa nên tôi quyết định xung phong trực thay, cũng một phần muốn trải nghiệm cảm giác đón giao thừa ở bệnh viện như thế nào”, chị Quỳnh Anh vui vẻ.
Ca trực đó khá dài khi kéo dài từ sáng 30 Tết tới sáng mồng 1, khi đó chị Quỳnh Anh mới sinh con thứ ba được hơn 1 năm, nên việc để các con nhỏ ở nhà cho bà ngoại và chồng chăm khá vất vả. Vì thế, chị quyết định“xách” theo con gái lớn (8 tuổi) đi trực cùng.
Chị kể: “Biết trước lịch trực gần nửa tháng nên tôi đã phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng từ mấy hôm trước. Mọi năm, cứ đến ngày 30 Tết, sau khi cúng tất niên xong, vợ chồng tôi cho các con đi chơi, đi chợ hoa, đi chùa… rồi giao thừa lại cùng nhau đi xem bắn pháo hoa. Năm đó, tôi phải ở bệnh viện trực, nên mọi thứ đều phải gác lại. Buổi sáng hôm 30 Tết, tôi phải dậy thật sớm, tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên xong xuôi, sau đó gửi con nhỏ cho bà ngoại trông để yên tâm đi trực”.
Cả kíp trực hôm ấy đều tất bật với công việc như thường ngày: Ngoài cấp cứu các bệnh nhân mới nhập viện còn phải cho bệnh nhân ăn, tiêm truyền đúng giờ, hỗ trợ nhanh chóng khi có người nhà bệnh nhân đến gọi… Chỉ đúng 12 giờ đêm mọi người mới được ngơi tay một chút để đón lãnh đạo bệnh viện xuống chúc mừng năm mới, lì xì đầu năm cho nhân viên và các bệnh nhân.
“Có lẽ người háo hức nhất là con gái tôi, dù bình thường vẫn phải theo mẹ đi trực đêm, nhưng hôm đó, con bé cố thức đến tận giao thừa để xem bệnh viện đón Tết có gì khác với ở nhà. Nhìn mẹ và mọi người tất bật với công việc nhưng nó vẫn bảo: “Sau này lớn lên con sẽ làm bác sĩ”, chị Quỳnh Anh kể.
Dường như “thấm” những vất vả của mẹ, con gái chị chẳng đòi hỏi nhiều, cứ lặng lẽ tự chơi, tự ăn trong lúc mẹ mải mê với ca trực.
“Mãi gần sáng mới đỡ việc, tôi về phòng trực, thấy con gái đã tự nằm ngủ ngon lành, trên tay vẫn nắm chặt mấy phong bao lì xì. Chợt nghĩ đến mấy các con ở nhà chắc cũng đã ngủ ngon, tôi rơi nước mắt, đó cũng là lần đầu tiên đi trực đêm tôi khóc vì nhớ con, thương con”, nữ y tá xúc động.
Mong bệnh nhân sớm khỏi bệnh
Với TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, niềm mong mỏi lớn nhất của anh là được ngồi thảnh thơi trong trong ca trực đêm giao thừa, là mong muốn không có nhiều người phải nhập viện, không có bệnh nhân nặng, là bệnh nhân được khỏi bệnh về nhà sum họp cùng gia đình… Nhưng điều đó hiếm hoi vô cùng, trong gần 30 năm làm nghề và hầu hết đón giao thừa trong bệnh viện, BS. Tuấn mới chỉ được chứng kiến một, hai lần như thế.
“Có những đêm cuối năm chúng tôi tiếp nhận tới 5- 6 bệnh nhân nặng, cả ca trực hầu như thức trắng đêm, dồn hết mọi lực lượng cứu chữa cho bệnh nhân. Đến lúc cấp cứu xong, mọi người mới giật mình vì đã bước sang năm mới từ lúc nào. Rồi những năm trực Tết như năm 2014, khi đang là cao điểm của dịch sởi, cả kíp trực không một phút ngơi nghỉ vì vừa phải tiếp đón bệnh nhân, cấp cứu những trường hợp nặng, lại vừa liên tục cập nhật, báo cáo tình hình các ca bệnh đến lãnh đạo bệnh viện và các bên liên quan… Lại có đêm 30 Tết, khoa Hồi sức cấp cứu đón một bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, mất bù rất nặng nhập viện. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, bệnh nhân vẫn không qua khỏi ngay ở thời khắc vừa bước sang năm mới, khiến cả kíp trực buồn đến mức không ai nói với ai câu nào”, BS. Tuấn nhớ lại.
Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu – bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc cho bệnh nhi (Ảnh: Khánh Chi)
Những câu chuyện nghe “toát mồ hôi” nhưng lại là việc thường xuyên của các y, bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu và nó cũng diễn ra không trừ ngày nào.
“Trực cấp cứu ngày Tết vô cùng vất vả, nhưng không phải không có niềm vui. Niềm vui của chúng tôi đến từ nụ cười của bệnh nhân, là có thể giúp bệnh nhân qua khỏi. Trong khoảnh khắc chào đón năm mới, các y, bác sĩ và bệnh nhân cũng như đồng cảm với nhau hơn. Những lời hỏi han, chúc nhau may mắn trong năm mới khiến những người không được đón giao thừa với gia đình thêm ấm áp và có chút động lực”, BS. Tuấn chia sẻ.
Với nhiều y, bác sĩ, giao thừa ở bệnh viện cũng gắn với những kỷ niệm vui. Y tá Ngô Quỳnh Anh vẫn còn nhớ trong ca trực của chị, lúc gần đến giao thừa, có một bệnh nhân nam khoảng 80 tuổi bị liệt đã lâu, được đưa đến trong tình trạng cả ngày không đi tiểu được, lại thêm chứng táo bón. Nhìn bệnh nhân khó chịu, đau đớn, chúng tôi phải thông tiểu gấp. May thay, vừa thông tiểu được thì bệnh nhân cũng khỏi cả táo bón. Bệnh nhân và người nhà đều vui mừng rối rít, vội vàng xin ra viện thật nhanh để về nhà kịp lúc giao thừa.
“Nhìn bệnh nhân vui vẻ chúng tôi cũng vui lây, quên hết đi bao mệt nhọc”, nữ y tá nhớ lại.
Và sau những ca trực vất vả ấy, niềm vui về đón Tết với gia đình cũng là liều thuốc để tiếp thêm động lực cho những người làm nghề y- nghề cao quý đáng khâm phục.
“ Sáng mồng 1 Tết, khi tôi vừa mở cửa bước vào nhà thì con tôi chạy ùa ra ríu rít hô to: “Chúc mừng năm mới! Chúc mừng năm mới!” khiến cả nhà cùng cười vang ra đón hai mẹ con đã hoàn thành ca trực, về đón Tết cùng cả nhà. Hai mẹ con tôi cũng là những người đầu tiên xông nhà, quên đi bao mệt mỏi sau đêm trực dài, chúng tôi lại hòa cùng cả gia đình đi chơi Tết. Tết với tôi bấy giờ mới bắt đầu”, y tá Ngô Quỳnh Anh xúc động chia sẻ.
(Theo TTXVN)