Báo Tuổi trẻ Thủ đô- 19 năm làm nghề, trước khi về công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương (năm 2003), TS.BS Phạm Duy Hiền đã có nhiều năm làm bác sĩ nội trú ngoại, sau đó là phẫu thuật viên ở Bệnh viện Việt - Đức. “Đôi bàn tay vàng” của khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng ngàn ca mổ mỗi năm, mang lại niềm tin, hy vọng cho biết bao gia đình bệnh nhi...
Gương mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm cùng sự thân thiện, dễ gần là điều dễ dàng cảm nhận thấy ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với bác sĩ sinh năm 1972 – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương). Anh say mê với công việc, tận tụy với bệnh nhân như chính người thân trong gia đình mình.
TS.BS Phạm Duy Hiền theo dõi triệu chứng bệnh cho một bệnh nhân nhi
Đầu giờ sáng của một ngày thu, trong cơn mưa lớn và gió giật mạnh của cơn bão số 7 đang về, anh Hiền gặp tôi sau khi vừa đi lấy máu để kiểm tra sức khỏe. Chưa kịp ăn sáng, anh uống vội chén nước chè để bắt đầu một ngày làm việc. Trên tay anh, chiếc điện thoại không ngớt rung lên những cuộc gọi của người nhà bệnh nhi hỏi về tình trạng bệnh của con em họ.
Anh chia sẻ: “Là bệnh viện tuyến đầu về khám, chữa bệnh cho bệnh nhi, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3000 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh với hơn 1.000 bệnh nhi điều trị nội trú. Trong số đó, các ca bệnh do khoa ngoại tiếp nhận chiếm số lượng không hề nhỏ (12.000 – 15.000 ca mổ lớn/năm). Cũng chính bởi vậy, các y, bác sĩ của bệnh viện thường xuyên phải gồng mình, làm việc với trách nhiệm cao nhất để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân và người nhà. Một ngày làm việc của anh thường bắt đầu từ 6h15 phút sáng đến tận 9 – 10h đêm.
19 năm làm nghề, 13 năm công tác tại khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, đối với bác sĩ Hiền, những ca bệnh hiểm nghèo, thể bệnh không giống nhau cùng hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân nhi là những điều thường xuyên ám ảnh trong tâm trí anh.
“Người lớn bị bệnh khổ 1 thì trẻ em mắc bệnh khổ 10. Có không ít cháu mắc dị tật bẩm sinh vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và khoảng thời gian phẫu thuật kéo dài: dị tật với 3 đường tiết niệu, niệu đạo và trực tràng đổ chung 1 lỗ bị hở ra ngoài; teo đường mật bẩm sinh, ung thư gan… Đối với những ca bệnh khó, bác sĩ cũng cần vô cùng cẩn trọng, cân nhắc trong đưa ra phác đồ điều trị để các cháu có sự tiến triển tốt nhất, hạn chế những dị tật để lại”, TS.BS Hiền cho biết.
Trong số hàng ngàn ca mổ đã thực hiện suốt hơn chục năm qua, vô số ca bệnh để lại trong anh những ấn tượng không thể nào quên. Mới đây nhất là ca phẫu thuật bệnh nhi 14 tháng tuổi mắc ung thư gan. Bệnh nhi là cháu Nguyễn Phương Linh, 14 tháng tuổi, ở Thái Bình. Mẹ bé Linh cho biết, khi cháu được 9 tháng tuổi, gia đình phát hiện bụng cháu bị chướng, sờ thấy có cục u ở bên phải. Vô cùng lo lắng, cha mẹ đưa bé đến bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, siêu âm phát hiện bé Linh có một khối u ở gan. Ngày 22/6, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị chuyên sâu.
BS Hiền (đeo kính) trong một ca phẫu thuật
TS.BS Hiền cho biết: “Tại bệnh viện Nhi Trung ương, sinh thiết khối u xác nhận đây là u nguyên bào gan, một bệnh ác tính hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Hầu hết các khối u nguyên bào gan thường bắt đầu ở thùy phải của gan. Các tế bào ung thư u nguyên bào gan cũng có thể di căn tới các khu vực khác của cơ thể. Vị trí di căn phổ biến nhất của u nguyên bào gan là phổi. Quá trình điều trị u gan ác tính đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều chuyên khoa như: Ung bướu, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh… Do khối u có kích thước rất lớn chưa thể can thiệp bằng phẫu thuật nên thời gian đầu bé Linh được chỉ định điều trị 4 đợt hóa chất tại khoa Ung bướu của bệnh viện. Kết thúc 4 đợt hóa trị liệu, bé được hội chẩn liên khoa và chỉ định phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u”.
Là phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duy Hiền nhận định, đây là ca phẫu thuật khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều ekip và trình độ chuyên sâu của các phẫu thuật viên. “Chúng tôi phải sử dụng dao mổ siêu âm CUSA thay cho dao mổ điện thông thường. Sóng siêu âm của dao CUSA giúp phá tổ chức bị bệnh mà không gây hại cho các tổ chức lành xung quanh, thông qua đó rút ngắn thời gian phẫu thuật và giảm thiểu tổn thương cho cơ quan bị bệnh”. Sau 6 giờ đồng hồ căng thẳng, anh Hiền cùng kíp mổ đã phẫu thuật thành công, cắt gan phải mở rộng cho bé gái 14 tháng tuổi có khối u ác tính lớn ở gan phải. Đến nay, sức khỏe của bé Linh đã ổn định. Cháu đã được xuất viện.
Trước khi về Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Hiền đã có nhiều năm làm bác sĩ nội trú ngoại và sau đó là phẫu thuật viên ở Bệnh viện Việt – Đức, đã từng nhiều lần đi học kỹ thuật phẫu thuật mới ở Mỹ, Pháp. Anh cho rằng, đối với ngành y khoa nói chung và phẫu thuật ngoại khoa nói riêng, việc trau dồi kiến thức, thường xuyên học hỏi, nâng cao tay nghề là điều vô cùng quan trọng: “Có thể những kiến thức ngày hôm nay còn mới nhưng tháng sau đã trở thành cũ. Bởi vậy, tôi xác định mỗi khi có điều kiện là phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn để tiếp cận với những kỹ thuật y khoa tiên tiến và hiện đại mà các nước phát triển trên thế giới đang sử dụng”.
Là con trưởng trong gia đình có 4 anh chị em và có bố công tác trong ngành y, nhưng chỉ có mình anh Hiền “nối nghiệp” cha. Kể về mối duyên đến với nghề, anh tâm sự: “Từ khi còn nhỏ đến lúc học phổ thông, mình đã quá quen với hình ảnh của một người cha làm phẫu thuật viên. Những đi sớm về khuya nhọc nhằn của bố, những câu chuyện về bệnh viện, những ca bệnh phức tạp cũng như sự thần kỳ của đôi bàn tay với con dao cứu được tính mạng của biết bao người đã khiến mình tò mò. Cùng với đó, ngày nhỏ, mình rất mê truyện, phim của Kim Dung và thích nhất nhân vật Thần y chữa bệnh cứu người, cứu nhân độ thế”. Nỗi lòng của “con nhà nòi” cũng những sở thích trẻ thơ ấy đã đưa anh đến và gắn bó với nghề…Trung bình mỗi ngày, TS. BS Hiền đảm nhiệm 2 ca mổ lớn cùng nhiều ca phẫu thuật đơn giản khác. Có những ca mổ từ sáng xuyên đến trưa, từ nửa chiều kéo dài đến tận nửa đêm là chuyện quá đỗi bình thường. Căng thẳng, tập trung cao độ nhưng anh luôn giữ thái độ niềm nở, phấn khởi để tạo sự thoải mái nhất cho cả kíp mổ để có sự phối hợp nhịp nhàng, đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc. Không chỉ là đôi bàn tay vàng của phẫu thuật ngoại khoa, tính đến tay, TS Phạm Duy Hiền là chuyên gia hàng đầu, người mổ quá nửa số ca bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi bằng robot mới được áp dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khối lượng công việc lớn cùng đòi hỏi sự tập trung cao khiến việc đi sớm về khuya đối với bác sĩ sinh năm 1972 là chuyện quá đỗi bình thường. Anh chia sẻ: “May mắn là bên mình luôn có sự động viên của vợ, của các con. Bà xã thay mình chăm sóc con cái, lo lắng chu toàn cho gia đình nên mình hoàn toàn yên tâm để tập trung làm tốt công việc chuyên môn”.
Ngọc Minh