Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Gần 3.000 đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến: Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh sởi – Kinh nghiệm từ Bệnh viện Nhi Trung ương

Gần 3.000 đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến: Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh sởi – Kinh nghiệm từ Bệnh viện Nhi Trung ương

Hiện nay, số ca bệnh sởi trên cả nước vẫn đang tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho y bác sĩ Nhi khoa trên toàn quốc, chiều ngày 01/4/2025, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh sởi - Kinh nghiệm từ Bệnh viện Nhi Trung ương”. Chương trình đã thu hút gần 3.000 đại biểu tham dự trên các nền tảng trực tuyến ECHO và Z-Waka.

Buổi hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu về truyền nhiễm, hồi sức, dự phòng kiểm và soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhi Trung ương

Phát biểu khai mạc chương trình, TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế các tuyến trong chẩn đoán, điều trị và phòng chống sởi, đặc biệt trong bối cảnh bệnh sởi có diễn biến ngày càng phức tạp.

Buổi hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chuyên sâu:

  • Cập nhật phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh sởi năm 2025.
  • Xử trí bệnh sởi có biến chứng: viêm phổi nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, viêm não, suy chức năng đa cơ quan – Giới thiệu các ca lâm sàng.
  • Dự phòng và kiểm soát phơi nhiễm sởi trong bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo tại hội thảo

Về phác đồ chẩn đoán và điều trị, TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ với các đồng nghiệp những nội dung cốt lõi xoay quanh dịch tễ học; các biểu hiện lâm sàng; xét nghiệm cận lâm sàng (PCR và IgM) trong chẩn đoán sởi; chẩn đoán phân biệt với các bệnh có phát ban giống sởi, các biến chứng của bệnh; các nguyên tắc trong điều trị, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của vitamin A, thuốc kháng virus, IVIG,… Đồng thời, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cũng trình bày về phân tuyến điều trị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế năm 2025 và các tiêu chuẩn nhập viện, chuyển tuyến tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Những nội dung cập nhật, chi tiết về chẩn đoán và điều trị bệnh sởi được TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ tại hội thảo

Dựa trên kinh nghiệm của Bệnh viện Nhi Trung ương trong việc điều trị và cứu sống những ca bệnh sởi nặng, phức tạp bằng các biện pháp hồi sức phối hợp, TS.BS Đậu Việt Hùng – Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa và TS.BS Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã đề cập đến các biến chứng nặng của sởi như viêm phổi ARDS, sepsis, bão cytokine; các phương pháp hỗ trợ hô hấp, thở máy, lọc máu liên tục, bù dịch trong điều trị bệnh nhi mắc sởi có diễn biến nặng; vai trò của corticoid trong viêm não do sởi. Đặc biệt, các chuyên gia đã phân tích 3 ca bệnh không có bệnh lý nền nhưng biểu hiện lâm sàng khá nặng nề, từ đó giúp các đại biểu tham dự tiếp cận trực quan và rút ra các bài học kinh nghiệm để tối ưu hóa điều trị cho các trường hợp bệnh nặng.

Trao đổi về điều trị ca bệnh nặng thông qua trường hợp lâm sàng cụ thể

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca bệnh sởi từ tháng 01/2025 đến hết ngày 26/3/2025 là 1.894 ca, cao gần gấp đôi so với tổng số ca mắc của cả năm 2024. Trước tình hình đó, Bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với tình hình bệnh sởi, ban hành văn bản thống nhất chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện trong toàn đơn vị.

Bệnh viện tổ chức sàng lọc, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu, sau đó phân luồng và bố trí khu vực khám, xét nghiệm xác định căn nguyên dành riêng cho trẻ nghi ngờ/mắc sởi; Tổ chức các phòng cách ly, điều trị bệnh nhi nhiễm sởi; quản lý nguy cơ ở người bệnh phơi nhiễm sởi và kiểm soát chặt chẽ nhiễm khuẩn trong Bệnh viện. Nhờ vậy, tỷ lệ lây nhiễm chéo trong Bệnh viện ở mức rất thấp.

Song song với đó, công tác tư vấn, tiêm chủng vắc xin cho bệnh nhi ngoại trú, nội trú và cho cộng đồng cũng được Bệnh viện triển khai mạnh mẽ.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trên, TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn đã chia sẻ với các đồng nghiệp trên cả nước về nguyên tắc và các biện pháp dự phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi trong bệnh viện.

Lưu đồ tiếp nhận khám, sàng lọc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Kết quả của buổi hội thảo:

  • Nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao kiến thức cho nhân viên y tế các tuyến trước tình hình bệnh sởi gia tăng.
  • Tham gia tích cực, sôi nổi: các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho chuyên gia và được các chuyên gia giải đáp chi tiết, đúng trọng tâm, mang lại hiệu quả đối với thực tiễn công tác khám, chữa bệnh.
  • Nâng cao tinh thần chủ động của đội ngũ y tế trong giám sát, phát hiện sớm và xử trí các ca bệnh sởi.
  • Liên kết y tế: buổi hội thảo đã góp phần tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở y tế trên cả nước, nhất là trong hệ thống chỉ đạo tuyến Nhi khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương, tạo điều kiện cho các y bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó, tăng cường năng lực ứng phó với bệnh sởi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE

Chuyên mục: Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em
Thông tin hữu ích khác