Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Nhiều thông tin khoa học và kinh nghiệm lâm sàng được chia sẻ tại Hội nghị Hồi sức cấp cứu Nhi khoa năm 2023 chủ đề “Nhiễm trùng huyết (Sepsis)” ở trẻ em

Nhiều thông tin khoa học và kinh nghiệm lâm sàng được chia sẻ tại Hội nghị Hồi sức cấp cứu Nhi khoa năm 2023 chủ đề “Nhiễm trùng huyết (Sepsis)” ở trẻ em

Hưởng ứng ngày Nhiễm trùng huyết Thế giới (World Sepsis Day), ngày 13-14/9 vừa qua, Hội Nhi khoa Việt Nam, Chi hội Hồi sức Cấp cứu phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức Hội nghị Hồi sức cấp cứu Nhi khoa năm 2023 lấy chủ đề “Nhiễm trùng huyết (Sepsis) ở trẻ em”. Đây là cơ hội để các bác sĩ trên toàn quốc được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới nhất trong chẩn đoán và điều trị Nhiễm trùng huyết và Sốc nhiễm trùng ở trẻ em.

Hội nghị Hồi sức cấp cứu Nhi khoa năm 2023 là hoạt động để hưởng ứng ngày Nhiễm trùng huyết Thế giới World Sepsis Day

Trong khuôn khổ chương trình, Workshop tiền hội nghị với chủ đề “Siêu âm trong chẩn đoán và điều trị sepsis ở trẻ em” tổ chức vào ngày 13/9 đã đạt được nhiều thành công

Phiên Hội nghị chính thức có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Hồi sức cấp cứu và hơn 500 đại biểu trên khắp cả nước

Tham dự Hội nghị có các lãnh đạo của Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 1, lãnh đạo Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa, lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, Dr Chor Yek Kee – Khoa Nhi, Sarawak General Hospital, Malaysia; cùng các đại biểu là các y bác sĩ đến từ các bệnh viện Nhi, Sản Nhi, khoa Nhi, bệnh viện đa khoa và giảng viên các trường Đại học Y khoa trên toàn quốc.

Nhiều chuyên gia đầu ngành về Nhi khoa về dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã gửi lời chào mừng đến toàn thể hội nghị, bày tỏ sự trân trọng ý nghĩa lớn lao đối với các thầy cô và đồng nghiệp chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu, cùng với đó là sự cảm thông sâu sắc và chia sẻ những áp lực, khó khăn mà các y bác sĩ phải đối diện trong tiếp cận và xử trí bệnh nặng, bệnh nguy kịch.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết: “Nhiễm trùng huyết (Sepsis) và Sốc nhiễm trùng tiếp tục là một nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn cầu, đặc biệt ở các nhóm nguy cơ cao như: trẻ em, trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có bệnh nền kèm theo. Dù đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu nhưng tỷ lệ tử vong do Nhiễm trùng huyết vẫn còn lên đến 50%, đặc biệt là ở những khu vực có nguồn lực hạn chế. Bên cạnh đó, Nhiễm trùng huyết/ Sốc nhiễm trùng cũng để lại nhiều vấn đề sức khỏe cho người sống, cũng như những gánh nặng cho xã hội và gia đình. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ tử vong do Nhiễm trùng huyết ở trẻ em tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức 20 – 30%. Để có được tỷ lệ giảm tử vong này, là sự phấn đấu không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy thuốc.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, PGS. TS Trần Minh Điển khẳng định sẽ đồng hành với Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa thúc đẩy các hoạt động sâu và rộng hơn nữa, tiếp tục là đầu mối kết hợp với các đơn vị tài trợ giúp Chi hội có thêm nhiều hội thảo, chương trình đào tạo

13 báo cáo khoa học tại Hội nghị đã cập nhật những kiến thức từ dịch tễ, sinh bệnh học, lâm sàng tới các biện pháp điều trị Nhiễm trùng huyết và Sốc nhiễm trùng ở trẻ em. Các báo cáo đều được chủ tọa, cùng đồng nghiệp trong cả nước đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo và tinh thần nghiêm túc, tỉ mỉ trong nghiên cứu khoa học.

Các báo cáo viên truyền đạt thông tin khoa học dưới các hình thức hấp dẫn

Theo TS. BS Phan Hữu Phúc – Tổng Thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, Phó Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Cần có một định nghĩa về Sepsis lý tưởng hơn, đủ nhạy để giúp phát hiện sớm, nhưng cũng cần đủ đặc hiệu để đỡ lãng phí nguồn lực, tránh gây hại cho bệnh nhân bởi những điều trị quá mức không cần thiết; đủ linh hoạt để giúp cho bác sĩ lâm sàng cân nhắc những khả năng khác khi có sự thuyên giảm/ tiến triển của các dấu hiệu lâm sàng; có thể áp dụng trên toàn cầu, điều chỉnh theo từng địa phương; liên quan tới các đặc tính sinh học phù hợp với sepsis để đảm bảo lựa chọn được bệnh nhân có đáp ứng tốt nhất với những liệu pháp điều trị”.

TS. BS Phan Hữu Phúc – Tổng Thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, Phó Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương

Trong báo cáo của ThS. BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đề cập đến một số nội dung như: Chẩn đoán tổn thương cơ tim trong Nhiễm trùng huyết, thận trọng hồi sức dịch trong bệnh nhân tổn thương cơ tim và các giải pháp điều trị.

PGS. TS Phạm Văn Quang – Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ về chiến lược sử dụng kháng sinh căn cứ trên các yếu tố như: đúng bệnh nhân, đúng lúc, đúng mục tiêu, đúng kháng sinh, đúng liều, đúng thời gian, đánh giá lại hiệu quả kháng sinh sau 48 – 72 giờ và điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt, bài báo cáo “Tại sao siêu âm có vai trò quan trọng trong theo dõi và xử trí bệnh nhân Sốc nhiễm trùng” của Dr. Chor Yek Kee – Khoa Nhi, Bệnh viện Sarawak General, Malaysia – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Siêu âm, Hồi sức Cấp cứu đã thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu khi cung cấp kiến thức chuyên sâu về theo dõi huyết động, đánh giá cung lượng tim và sức cản mạch ngoại vi, từ các thông số huyết động, các bác sĩ có thể quyết định truyền dịch như thế nào tiếp theo cho bệnh nhân Sốc nhiễm trùng.

Dr. Chor Yek Kee – Khoa Nhi, Bệnh viện Sarawak General, Malaysia

Ấn tượng hình thức thảo luận mở, tranh luận trực tiếp giữa các chuyên gia tại Hội nghị

Hấp dẫn và gây ấn tượng nhất trong Hội nghị Hồi sức cấp cứu năm 2023 là phần Thảo luận mở và tranh luận trực tiếp giữa các chuyên gia về cả lý thuyết, thực hành trong chẩn đoán, điều trị Nhiễm trùng huyết ở trẻ em.

Thảo luận mở được điều hành bởi TS. BS Phan Hữu Phúc và sự tham gia của 4 chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng với nội dung: Đánh giá – Theo dõi huyết động một trẻ Sốc nhiễm trùng như thế nào?

Thảo luận mở giúp các chuyên gia và các bác sĩ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm một cách trực quan, sinh động

Mục tiêu của cuộc thảo luận là giúp các bác sĩ biết cách tiếp cận đánh giá lâm sàng tình trạng huyết động một bệnh nhân Sốc nhiễm trùng, biết chỉ định, vai trò, ưu nhược điểm của phương pháp, các chỉ số lâm sàng/ xét nghiệm trong đánh giá, theo dõi huyết động của bệnh nhân Sốc nhiễm trùng. Các chuyên gia dựa trên ca bệnh lâm sàng thực tế để phân tích, đưa ra nguyên nhân, cách đánh giá, phương pháp điều trị, cải thiện tình trạng bệnh nhân, bổ sung bao nhiêu dịch là đủ hoặc quá nhiều, đặt và theo dõi CVP phù hợp, vai trò của CVP trong đánh giá và theo dõi tiền gánh, những thông số cần theo dõi thêm,… Qua các kiến thức rất thực tế này, các bác sĩ tham dự Hội nghị được tiếp thu nhiều kinh nghiệm chuyên sâu, được trao đổi và tương tác, hỏi đáp trực tiếp để hiểu rõ vấn đề, từ đó nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị Nhiễm trùng huyết ở trẻ em.

Phần tranh luận trực tiếp giữa PGS. TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương và BSCK2 Nguyễn Minh Tiến  – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố về Hiệu quả lọc máu cho bệnh nhân Sepsis: Chỉ định sớm với Chỉ định muộn, đã tạo không khí vô cùng sôi nổi và hứng khởi cho toàn Hội nghị.

Phần tranh luận bằng hình thức mới diễn ra rất hấp dẫn

Cả hai chuyên gia đều đưa ra những bằng chứng khoa học, những lập luận hết sức thuyết phục và sẵn sàng “đối đáp”, đặt câu hỏi cho đối phương để bảo vệ quan điểm của mình. Trên thực tế, cũng chưa có những nghiên cứu cụ thể xác định chính xác về thời điểm lọc máu sớm, lọc máu muộn trong điều trị bệnh nhân nhiễm trùng máu. Vì vậy, cả hai chuyên gia và ban chủ tọa đều đồng tình rằng cần cá thể hóa từng bệnh nhân, dựa trên các diễn biến, các chỉ số lâm sàng cụ thể và mức độ đáp ứng điều trị để đưa ra quyết định lọc máu cho trẻ Nhiễm trùng huyết vào thời điểm chính xác và kịp thời nhất, tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.

Đại hội Chi hội Hồi sức Cấp cứu diễn ra thành công tốt đẹp

Trước thềm Hội nghị Hồi sức Cấp cứu năm 2023, vào ngày 13/9, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại hội Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại đây, PGS.TS Phạm Văn Thắng – Chủ tịch Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa đã báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2017 – 2022. Bên cạnh rất nhiều thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành cũng đã ghi nhận những hạn chế cần khắc phục, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới gồm:

  • Củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chấp hành, của các chi hội khu vực tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các bệnh viện Sản Nhi, khoa Nhi bệnh viện Tỉnh.
  • Tiếp tục phối hợp với các bệnh viện Nhi, Bộ môn Nhi của các trường đại học để đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
  • Tổ chức Hội nghị Hồi sức cấp cứu Nhi khoa 2 năm 1 lần.
  • Xuất bản sách Hồi sức cấp cứu chống độc Nhi khoa cho toàn quốc.
  • Tăng cường vai trò hợp tác quốc tế.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 41 ủy viên, trong đó có 6 thành viên thuộc Ban Thường vụ với 100% số phiếu tán thành bao gồm:

  • PGS.TS Phạm Văn Thắng – Chủ tịch Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa
  • PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch
  • PGS.TS Trần Kiêm Hảo – Phó Chủ tịch
  • PGS.TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Phó Chủ tịch
  • TS Hoàng Kim Lân – Tổng thư ký
  • ThS Bùi Thanh Liêm – Thư ký

Các đại biểu tham dự Đại hội Chi hội Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa chụp ảnh lưu niệm

02 Giải Nhất, 02 Giải Nhì và 02 Giải Ba được trao trong Hội thi “Báo cáo viên trẻ xuất sắc”

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, một hoạt động hết sức ý nghĩa là Hội thi “Báo cáo viên trẻ xuất sắc” được tổ chức vào chiều ngày 13/9, mang đến sân chơi bổ ích để các y bác sĩ trẻ thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tinh thần cống hiến cho những thành quả chung của ngành Nhi khoa.

Hội thi có 14 báo các viên trẻ tham gia trình bày 14 đề tài khoa hoc thuộc nhiều chủ đề khác nhau, được Hội đồng và các đại biểu đánh giá cao. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 02 giải Nhất; 02 giải Nhì; 02 giải Ba cho các báo cáo chất lượng, có các nghiên cứu giàu giá trị khoa học và thực tiễn.

Đại diện Ban tổ chức trao Giải thưởng cho các báo cáo viên

Hội nghị Hồi sức cấp cứu năm 2023 đã khép lại một cách thành công tốt đẹp trong tinh thần khoa học cao của những nghiên cứu được báo cáo. Những công trình nghiên cứu sẽ được tiếp tục thực hiện để làm cơ sở nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị Nhiễm trùng huyết (Sepsis) ở trẻ em. Hy vọng rằng, sau Hội nghị, việc trao đổi giữa các nhà khoa học, các bác sĩ Nhi trong nước và quốc tế sẽ làm cho mạng lưới Hồi sức cấp cứu nói riêng và mạng lưới Nhi khoa nói chung ngày càng gắn kết chặt chẽ để có thể chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất trong điều trị và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Việt Nam.

Trà My, Thu Hương, Vy Hiếu – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu, Trường Giang, Phạm Thao

Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện, Hội thảo - Hội nghị, Tin Tiêu Điểm

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em