Sáng 7/06 Đoàn công tác Bệnh viện Nhi Trung ương do PGS. TS Lê Thị Minh Hương-PGĐ bệnh viện làm trưởng đoàn tham dự hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản Nhi khu vực phía Bắc do Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em- Bộ y tế chủ trì. Hai báo cáo của Bệnh viện Nhi TW tập trung vào công tác Chỉ đạo tuyến nhi khoa và cập nhật kiến thức về sàng lọc sơ sinh cho 55 bệnh lý bẩm sinh.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, ước tính của Liên hiệp Quốc, năm 2015 Việt Nam đã đạt các chỉ tiêu của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ (khoảng 54 – 58 ca/100.000 trẻ đẻ sống) và tử vong trẻ dưới 1 tuổi (khoảng 14.73%). Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng miền. Tại các khu vực miền núi, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em vẫn cao hơn gấp 3-4 lần ở khu vực đồng bằng. Bên cạnh những vấn đề then chốt liên quan đến giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ-trẻ sơ sinh tại các vùng miền thì công tác y tế, công tác chỉ đạo tuyến của lĩnh vực Sản- Nhi nói chung cần đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.
PGS Lê Thị Minh Hương với báo cáo về Công tác chỉ đạo tuyến Nhi khoa
Hai báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương về công tác chỉ đạo tuyến Nhi khoa do PGS Lê Thị Minh Hương trình bày và báo cáo sàng lọc sơ sinh của TS. Vũ Chí Dũng đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự hội nghị
Theo báo cáo của Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thị Minh Hương cho biết, trong năm 2017 Bệnh viện đã thực hiện tốt kế hoạch của Bộ Y tế phê duyệt giúp nâng cao năng lực khám chữa bệnh chuyên ngành nhi cho tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm quá tải cho các bệnh viện truyến trung ương. Cụ thể: Bệnh viện đã tổ chức 60 lớp đào tạo/ chuyển giao kỹ thuật cho 1219 học viên đến từ 29 tỉnh thành từ Hà Tĩnh trở ra; hơn 600 cán bộ y tế của bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện 105 chuyến công tác tại các bệnh viện của 29 tỉnh thành để giám sát sau đào tạo chuyển giao kỹ thuật, tập huấn tại chỗ, hỗ trợ chuyên môn đột xuất nhằm cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo tại nhiều địa phương (ví dụ như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng, nhiều can thiệp phẫu thuật cấp cứu, dịch bệnh và một số vấn đề rối loạn tâm lý của trẻ tuổi học đường); Bệnh viện Nhi đã triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo tuyến giúp cho nhiều lượt cán bộ ở các tỉnh có thể tham dự cập nhật kiến thức thông qua các chương trình đào tạo- hội chẩn chuyên môn trực tuyến về ca bệnh cũng như xét nghiệm chuyên sâu về chuẩn đoán hình ảnh, chuẩn đoán sàng lọc sơ sinh và nhiều hội nghị hội thảo khoa học chuyên sâu. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và điều trị các bệnh lý sơ sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện là một trong vấn đề được bệnh viện Nhi Trung ương chọn ưu tiên trong đào tạo và chuyển giao kỹ thuật .
Tiến sĩ -bác sĩ Vũ Chí Dũng chia sẻ về sàng lọc sơ sinh và sàng lọc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh
Ngoài những thành công đạt được nêu trên, các báo cáo còn chỉ ra một số tồn tại cần sự hợp tác, sự vào cuộc của các cấp các ngành để cải thiện hệ thống một cách bền vững, giảm khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế từ trung ương đến địa phương như: sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đồng bộ phù hợp với các kỹ thuật được chuyển giao, vấn đề phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, vận chuyển bệnh nhân chưa an toàn giữa các tuyến…
Hội nghị khoa học và Chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản Nhi khu vực phía Bắc do Bộ Y tế chủ trì hai năm một lần là dịp cơ hội để các nhà chuyên môn giao lưu học hỏi chia sẻ kinh nghiệm, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quan về lĩnh vực Sản-Nhi. Từ đó, đưa ra các giải pháp tổng thể, đồng bộ và hệ thống nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngày một hoàn thiện hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là hai đối tượng luôn được ưu tiên là bà mẹ và trẻ em.
Trung tâm đào tạo liên tục và Chỉ đạo tuyến