HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
BỆNH VIÊM DA BÀN TAY BÀN CHÂN TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI
I. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán ca bệnh
Ca bệnh nghi ngờ:
– Có yếu tố dịch tễ: Sống trong khu vực có bệnh lưu hành đặc biệt những người trong xã Ba Điều, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
– Lâm sàng: xuất hiện các tổn thương đỏ da, dày sừng ở bàn tay, bàn chân.
– Mệt mỏi hoặc sốt
Ca bệnh xác định:
– Có các tiêu chuẩn của ca bệnh nghi ngờ
– Khám lâm sàng: Tổn thương cơ bản là dát đỏ, dày sừng, khô da
+ Vị trí: ở bàn chân, bàn tay, đầu và kẽ ngón, nhất là vùng tỳ đè và rìa lòng bàn tay bàn chân
+ Giới hạn rõ với da lành
+ Bờ thương tổn có viền đỏ tím
+ Sau một vài ngày thương tổn bong vảy ở giữa để lại viền vảy khô ở xung quanh.
+ Có thể có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, kém ăn, sốt và có cảm giác tê bị ở bàn tay bàn chân
– Các xét nghiệm cần lâm sàng: Men gan (SGOT, SGPT) trong máu tăng cao.
2. Chẩn đoán mức độ bệnh
a. Thể nhẹ
– Biểu hiện thương tổn da như mô tả ở trên
– Biểu hiện thương tổn gan
+ Men gan (SGOT, SGPT) trong máu tăng cao
+ Mệt mỏi
+ Chán ăn
b. Thể nặng: Một số ít bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị không kịp thời có thể diễn biến nặng với các triệu chứng sau:
–Biểu hiện thương tổn da
– Tổn thương gan
+ Mệt mỏi, chán ăn
+ Sốt
+ Da, niêm mạc vàng
+ Men gan (SGOT, SGPT) trong máu tăng rất cao
+ Bilirubin máu tăng
+ Tỉ lệ Prothrobin trong máu giảm
+ Protit và hoặc Albumin trong máu giảm
+ Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu)
+ Có thể có các biến chứng thứ phát như viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
+ Các đối tượng nguy cơ tiến triển nặng bao gồm:
. Người già trên 65 tuổi
. Phụ nữ có thai
. Người lớn mắc các bệnh mạn tính (như đã nêu trên)
II. ĐIỀU TRỊ</span>
1. Nguyên tắc chung
– Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải được thông báo kịp thời cho cơ quan y tế tại địa phương.
– Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Tiến hành điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế, phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân
– Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp tích cực tại các đơn vị hồi sức.
2. Điều trị cụ thể
2.1. Thể nhẹ
2.1.1. Điều trị tại chỗ tổn thương da: Bôi các thuốc sau đây:
– Thuốc chống viêm: Các loại kem corticoids (Fucicort, Beprosone), bôi tổn thương buổi sáng.
– Thuốc bạt sừng bong vảy: Mỡ salicylic 5%, bôi buổi tối
– Kem làm dịu da: Vaselin, hoặc kem kẽm, bôi ngày nhiều lần khi da khô
2.1.2. Điều trị toàn thân
– Nghỉ ngơi
– Chế độ dinh dưỡng
– Các vitamin B1, B6, B12 hoặc multivitamin
– Bồi phụ các chất điện giải nếu có rối loạn
– Thuốc bảo vệ tế bào gan:
+ Foxtex
+ Eganin
+ Reamberin
2.2. Thể nặng
Đề nghị chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hoà để được điều trị theo hướng dẫn đối với những bệnh nhân viêm gan nặng hoặc suy gan và hội chẩn khi cần thiết.
III. TIÊU CHUẨN RA VIỆN
– Hết các triệu chứng ở da
– Thể trạng ổn định
IV. PHÒNG BỆNH
– Vệ sinh môi trường sạch sẽ
– Tăng cường rửa tay, chân bằng nước sạch, nhất là sau khi làm việc ở nương rẫy
– Tránh tiếp xúc với các hoá chất, nhất là các thuốc trừ sâu diệt cỏ
– Sử dụng các phương tiện bảo hộ an toàn, đúng quy cách khi phải thực hiện các hoạt động trên nương rẫy
– Ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh./.