Ngày 15/12, đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện, sự hài lòng người bệnh, và kiểm tra về chất lượng xét nghiệm của Bộ Y tế đã tới kiểm tra Bệnh viện Nhi Trung ương.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định tại đây công suất giường bệnh chỉ khoảng 84-88%, không xảy ra tình trạng quá tải Bệnh viện. 90% bệnh nhân nội trú chắc chắn sẽ quay lại viện.
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – Phó trưởng đoàn thường trực, nhấn mạnh: Kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện là hoạt động thường niên của Bộ Y tế. Đây là năm thứ 5 triển khai hoạt động này.
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) hỏi thăm tình hình sức khoẻ người nhà một bệnh nhi chờ khám tại BV Nhi Trung ương.
Năm nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thành lập các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế có sự tham gia của Tổng hội Y học Việt Nam. Ngoài kiểm tra việc thực hiện Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, sự hài lòng người bệnh, nét khác năm nay, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra thêm chất lượng xét nghiệm.
Chia sẻ với đoàn kiểm tra, PGS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nâng cao chất lượng bệnh viện là nhiệm vụ sống còn của bệnh viện. Tại đây, việc cải tiến chất lượng được thực hiện hàng ngày, hàng quý, hàng năm.
Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, tại Bệnh viện này, năm 2017, có gần 1 triệu lượt bệnh nhi tới khám, tăng 10% so với năm 2016 và gấp hơn 2 lần so với cách đây gần 10 năm.
Hàng ngày, Bệnh viện tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhi tới khám, hơn 1.700 bệnh nhi điều trị nội trú, trong đó có nhiều ca nặng chuyển từ tuyến dưới lên. Năm 2017, Bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn về kinh phí chi thường xuyên.
Năm 2017, Bệnh viện đã thực hiện được 20 trường hợp phẫu thuật nội soi robot, 3 trường hợp ghép thận (được BHYT đồng chi trả), 2 trường hợp ghép tế bào gốc; chạy thận nhân tạo cho gần 900 lượt. Cũng tại đây, các bác sĩ đã thực hiện 3 ca phẫu thuật động kinh; gần 2.300 trường hợp phẫu thuật tim mạch, tăng hơn 14% so với năm 2016.
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định, từ năm 2014 đến nay, Bệnh viện đã thực hiện quyết liệt việc giảm tải bệnh viện. Trong 2 năm gần đây (2016-2017), công suất giường bệnh chỉ khoảng 84-88% (Bệnh viện có khoảng 1.720 giường thực kê). Hàng ngày, Bệnh viện và các khoa phòng tổ chức họp đánh giá 2 lần (8 giờ sáng và 16 giờ chiều) để điều tiết giường bệnh, tuyệt đối không có tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
Một điểm đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo Giám đốc BV này, là hệ thống báo cáo “sự cố y khoa”. Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, trước đây, tồn tại tình trạng khoa phòng, cá nhân gây ra, xảy ra sự cố y khoa thì “giấu diếm”, nhưng nay, lãnh đạo Bệnh viện đưa việc báo cáo, khai báo sự cố y khoa thành tiêu chí “ghi điểm” thi đua.
“Điều này cho thấy chúng tôi dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục, chấn chỉnh chứ không giấu diếm để không tiến bộ” – PGS.TS Lê Thanh Hải nói.
Báo cáo về công tác quản lý chất lượng, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, kết quả tự đánh giá, kiểm tra 80/83 tiêu chí của BV cho kết quả: 4,11 điểm/5 điểm. Trong khi đó, năm 2016, kết quả đánh giá của Bộ Y tế cho BV này chỉ ở mức 3.43 điểm.
Trong đó, không có tiêu chí nào đạt mức 1-2; 44/80 tiêu chí đạt mức 4. Có 23/80 tiêu chí đạt mức 5 (như: Người bệnh được chỉ dẫn rõ ràng, đón tiếp và hướng dẫn cụ thể; được cung cấp vật dụng cá nhân đầy đủ, sạch sẽ, chất lượng tốt…)
Về kết quả khảo sát hài lòng người bệnh, có gần 90% bệnh nhân nội trú cho rằng họ chắc chắn sẽ quay lại bệnh viện này, tỷ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là hơn 70%.
Một số hình ảnh ghi nhận trong buổi kiểm tra:
Mỗi ngày BV Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhi tới khám. Cùng với việc đón tiếp, hướng dẫn, phân loại bệnh nhân rõ ràng, đồng bộ, BV còn trang bị Bảng điện tử. Bảng điện tử định danh bệnh nhân được BV gắn trước cửa mỗi phòng khám, ghi rõ 3 thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính. Bên trái màn hình là bệnh nhân cần đưa vào khám; bên phải là số bệnh nhân đi làm xét nghiệm, đang đợi xét nghiệm và quay lại khám lại. Bệnh nhân luôn có thông tin để theo dõi.
Màn hình điện tử lớn được gắn nhiều nơi tại khu nhà Cấp cứu – Chống độc (nhà mới), kết nối với tất cả khoa phòng trong viện. Với hệ thống này, bệnh nhân được theo dõi thông tin của mình, không phải mất công di chuyển nhiều.
Thùng rác được phân loại từ nguồn với chữ và hình ảnh rõ ràng.
Hệ thống vận chuyển mẫu tự động hiện đại của Bệnh viện được vận hành từ việc các khoa lâm sàng lấy mẫu xét nghiệm, đóng gói, đưa vào hệ thống, vận chuyển xuống khoa Sinh hoá, tiếp nhận và phân loại chuyển sang các khoa xét nghiệm. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian, nhân lực cho cán bộ y tế toàn viện.
Năm 2016, khi đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tới khu vực khám bệnh tự nguyện, tạm ứng nhập viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – đề xuất với BV nên có giải phân cách mềm để giữ trật tự, ngăn nắp tại viện. Từ nhiều tháng nay, BV đã áp dụng phương cách này, đem lại hiệu quả thiết thực.
Sảnh chờ thang máy của viện được kẻ vạch rõ, hướng dẫn người bệnh và người nhà vị trí đứng tránh tình trạng lộn xộn, chen lấn.
Tại BV Nhi Trung ương, có 4 khoa cận lâm sàng (gồm: Di truyền và sinh học phân tử; Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm; Sinh hoá; Huyết học được công nhận tiêu chuẩn ISO 15189:2012; Khoa Sơ sinh được công nhận ISO 9001:2008
Xe vận chuyển bệnh nhi sơ sinh qua các khoa phòng được Bệnh viện thiết kế đặc biệt, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, được đặt gọn gàng (có vạch kẻ đỏ), theo chuẩn 5S (Sàng lọc- Sắp xếp – Sạch sẽ – Săn sóc – Sẵn sàng). Hiện hầu hết các khoa, phòng tại viện đã được tập huấn, thực hiện 5S, đem lại hiệu quả rõ rệt. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện tận từng giường bệnh, mỗi giường bệnh nhi tại Khoa Cấp cứu Chống độc được gắn nước rửa tay diệt khuẩn.
ThS Dương Thị Minh Thu- Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, tại đây, các bệnh nhân khó khăn, bệnh nặng khi nhập viện được các khoa phòng phát hiện, chuyển danh sách tới Phòng Công tác xã hội xác nhận. Trong suốt quá trình điều trị tại viện, gia đình bệnh nhi được phát phiếu ăn miễn phí 2 bữa/ngày của nhà tài trợ. Phòng CTXH sẽ lập kế hoạch kêu gọi kinh phí, san sẻ khó khăn giúp đỡ gia đình. Bà Ninh Thị Vân (Ý Yên, Nam Định) là bà ngoại của một bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị tại đây. Từ hơn 1 tháng nay, gia đình bà được phát phiếu ăn hàng ngày, ngoài ra, bệnh viện đã có nhiều đợt hỗ trợ một phần viện phí cho bệnh nhi.
(Theo V.Thu – Gia đình & Xã hội)