Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Luôn tự nhắc nhở phải coi bệnh nhi như con

Luôn tự nhắc nhở phải coi bệnh nhi như con

Với Ths.BS Phạm Thị Thanh Tâm, phải luôn tự nhắc nhở mình coi các bệnh nhi như con để hết lòng cứu chữa.

Yêu nghề bằng cả trái tim

Gặp Ths.BS Phạm Thị Thanh Tâm tại khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), nhìn sự tận tình thăm khám, dịu dàng với các em bé có thể cảm nhận tình cảm yêu thương đặc biệt mà nữ bác sĩ dành cho các bệnh nhi của mình.

Ths.Bs Phạm Thị Thanh Tâm.

 

Công việc tại khoa cấp cứu khiến các y bác sĩ ngày ngày phải đối diện với áp lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, công việc đó với bác sĩ Tâm như là cái duyên đã được sắp đặt sẵn, để chấp nhận những khó khăn và làm việc bằng tất cả tâm huyết của mình.

“Bố tôi là bác sĩ nên khi còn nhỏ, tôi thường được theo bố đến bệnh viện, nhìn các y bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng, cứu sống được nhiều người bệnh khiến tôi càng thêm yêu quý nghề y. Từ đó tôi đã nuôi ước mơ quyết tâm trở thành bác sĩ”, bác sĩ Tâm kể.

Sau khi nỗ lực học tập trở thành sinh viên trường y, lại thêm 3 năm học bác sĩ nội trú; được luân phiên làm việc tại các khoa khác nhau, bác sĩ Tâm đã có thể thấm được sự vất vả của nghề y, nhất là từ khi về làm việc tại khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương).

“Ở khoa cấp cứu, nơi “cửa ngõ” của bệnh viện, cũng là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, với nhiều nhóm bệnh khác nhau, các y bác sĩ không thể đoán trước được công việc và lượng bệnh nhân hàng ngày; chỉ biết luôn phải đặt mình trong tình thế sẵn sàng khi có bệnh nhân nặng vào viện, thậm chí có lúc phải căng mình lên, nỗ lực từng phút, từng giây để cứu người bệnh. Tôi luôn tự nhắc nhở phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, coi những đứa trẻ như con mình để cố gắng hết sức”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Bác sĩ Tâm đang thăm khám cho bệnh nhi.

 

Với nữ bác sĩ Tâm, nghề y tuy vất vả và nhiều rủi ro nhưng cũng không ít kỷ niệm vui; đặc biệt, niềm vui lớn nhất trong nghề là hằng ngày được nhìn thấy các em bé khỏe mạnh ra viện, là nụ cười của người thân các bé cùng những lời cảm ơn thật lòng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, có những ca bệnh không qua khỏi cũng khiến bác sĩ Tâm cảm thương, day dứt mãi.

“Ngay trước Tết vừa qua, trong ca trực, tôi tiếp nhận một nhóm bạn trẻ tình nguyện hớt hải mang đến một chiếc túi xách nhặt được ở bến xe bus và nhờ cấp cứu. Vừa mở ra, tất cả chúng tôi đều giật mình vì trong chiếc túi có một sinh linh bé nhỏ, trên người chỉ quấn một chiếc khăn xô, vẫn thở thoi thóp và còn nguyên dây rốn. Ngay lập tức chúng tôi tiến hành cấp cứu, hồi sức; nhưng vì được đưa đến muộn nên dù đã dồn tất cả mọi lực lượng, cố gắng hết sức, em bé ấy chỉ sống thêm được 2 ngày. Đó là ca bệnh đặc biệt khiến tôi buồn và đau lòng mãi”, bác sĩ Tâm rưng rưng nhớ lại.

Bác sĩ Tâm cũng không quên được lần tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhi 11 tuổi vào viện khi đã bị suy thận nặng. Cậu bé không còn bố, mẹ lại bị ung thư, không thể theo con đi chữa bệnh. Nhìn đứa trẻ không có ai bên cạnh, phải tự chăm sóc cho mình, bác sĩ Tâm đã cố gắng hết sức để điều trị, dành nhiều sự quan tâm, động viên, an ủi cậu bé. Tuy nhiên sau đó ít lâu, bác sĩ vẫn phải rơi nước mắt nhìn đứa trẻ không qua khỏi do bệnh quá nặng, không thể cứu chữa.

“Mỗi lần phải nhìn bệnh nhân của mình không qua khỏi tôi cảm thấy áy náy vô cùng, vì thương bệnh nhân và cảm thấy bất lực. Sau những lần như vậy tôi tự hứa với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Nhẫn nhịn là thế mạnh của phụ nữ nghề y

Với vai trò bác sĩ khoa cấp cứu, mỗi ngày bác sĩ Tâm phải khám và điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân, chưa kể những lần khám quay vòng trong ngày. Với áp lực công việc lớn, bác sĩ Tâm luôn coi việc học cách kiềm chế cảm xúc và nhẫn nhịn là quan trọng nhất.

“Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân bức xúc ở đâu đó nhưng lại nóng nảy, thậm chí to tiếng với bác sĩ. Mỗi lần như vậy, tôi phải tự kiềm chế sự hoảng hốt của mình, cố gắng giải thích cho họ hiểu để tìm phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Thậm chí, có những khi tôi cảm thấy vô cùng lo lắng trước diễn biến xấu đi của người bệnh, nhưng phải tự kìm nén lại; một mặt để có thể bình tĩnh tìm phương pháp điều trị, một mặt để giúp bệnh nhân và người nhà an lòng; vì lúc đó, chỉ có bác sĩ mới là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của họ”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Theo Ths. BS Phạm Thị Thanh Tâm, nghề y là nghề đặc thù, nhiều áp lực nên rất cần sự đồng cảm chia sẻ của mọi người.

“Công việc của bác sĩ thường xuyên phải trực đêm nên có phần vất vả hơn với phụ nữ, nhất là lúc nuôi con nhỏ. Khi mới vào nghề, tôi đã từng cảm thấy hơi bối rối, nhưng khi quen với công việc và nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, tôi đã biết sắp xếp mọi thứ và luôn coi công việc – gia đình là 2 lĩnh vực riêng biệt để luôn sắp xếp làm tròn vai cả khi ở bệnh viện và ở nhà”, bác sĩ Tâm vui vẻ kể.

Nói về sự khác biệt của phụ nữ trong nghề, bác sĩ Tâm khẳng định: “Phụ nữ làm nghề y không hề thua kém nam giới mà chỉ thiệt thòi một chút ở thể lực. Nếu các bác sĩ nam nhanh chóng lấy lại sức sau một đêm trực dài thì phụ nữ có thể mệt mỏi hơn, đó là sự khác biệt duy nhất”.

(Theo Tạ Nguyên – TTXVN)
Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em