Áp lực công việc, những tình huống bất ngờ khiến tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc” có thể xảy đến bất cứ lúc nào là những điều bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Hồi sức Ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư) luôn phải đối mặt.
Sau mổ, việc theo dõi, chăm sóc trẻ và thực hiện y lệnh của bác sĩ là của điều dưỡng, và thế là họ bắt đầu xoay tròn trong… sóng ngầm của những nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ lại mạng sống cho những sinh linh bé nhỏ.
Điều dưỡng Mỹ Quỳnh – Chăm sóc cho bệnh nhi. Ảnh T.Hà
Áp lực
7h sáng một ngày mùa đông. Nơi làm việc của khoa Hồi sức Ngoại vẫn diễn ra như chưa từng biết ngoài kia mưa phùn giá rét. Vũ Thị Vân Anh, người có hơn 3 năm công tác tại khoa, cùng 2 điều dưỡng khác chia nhau nhiệm vụ thường trực tại phòng cách ly dành cho bệnh nhân ghép tủy 24/24 giờ. Vân Anh là cô gái trẻ, chưa lập gia đình nhưng những trải nghiệm tại nơi làm việc đặc biệt này đã giúp cô có thêm kỹ năng chăm sóc và cưng nựng trẻ. Vân Anh chia sẻ: “Chăm sóc những bé vừa trải qua đợt ghép tủy thực sự vất vả vì sức đề kháng của các con rất yếu, yêu cầu vô trùng tuyệt đối để tránh những hậu quả đáng tiếc. Mọi vật dụng, thức ăn, đồ uống đưa vào buồng cách ly đều phải qua đèn xanh chuyên dụng để diệt khuẩn.
Sau ca ghép, trẻ rất mệt mỏi nên hay quấy khóc. 8 tiếng liên tục bên các con trong mỗi ca trực thực sự cho em thấu hiểu cảm giác đau đớn, mệt mỏi vì bệnh tật của các bé”. Ca ghép tủy mới đây nhất là bé 10 tuổi. Sau khi ghép sức đề kháng của bệnh nhân vẫn chưa có nên bác sĩ liên tục chỉ định truyền máu và sử dụng thuốc chống thải ghép. Khó khăn xuất hiện khi cơ thể không còn miễn dịch, bệnh nhi bị nhiễm trùng do nấm rất nặng nề. Có thời điểm tưởng như không cứu vãn được tình hình khi bé bị tăng huyết áp, co giật, suy thận, đau đầu, nôn liên tục, tiêu chảy kéo dài.
Với Vân Anh, những ngày tháng đó thực sự ám ảnh cô khi có những lúc sự sống của cậu bé tưởng như vuột khỏi tầm tay của các bác sĩ. Gắn bó với bé trong những thời điểm thập tử nhất sinh, cô gái trẻ không ít lần lén lau những giọt nước mắt khi chăm sóc bệnh nhi đang gánh trên mình căn bệnh hiểm nghèo. Ngày cậu bé hồi sinh được xuất viện, Vân Anh và các đồng nghiệp từng gắn bó với cậu trong căn phòng cách ly mới có thể thở phào nhẹ nhõm và cảm nhận được những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của mình được đền đáp.
Trong căn phòng hồi sức với khoảng chục giường bệnh là những đứa trẻ nằm mê man, Tạ Nguyệt Mỹ Quỳnh, một điều dưỡng đang mang bầu tháng cuối vẫn di chuyển nhanh nhẹn giữa các giường để theo dõi chỉ số sinh tồn của các bé.
Quỳnh bảo: “ Một ca trực mà 2 hay 3 bệnh nhân nặng cùng được chuyển đến quả thực là áp lực với các bác sĩ và điều dưỡng, nhưng vẫn phải ngay lập tức xử trí thật nhanh để cứu tính mạng của bệnh nhi. sơ suất, một phút chậm trễ có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân”. Có những lúc đang cấp cứu cho một trẻ thì góc phòng đằng kia máy báo chỉ số sinh tồn của trẻ khác đang gặp nguy hiểm. Các điều dưỡng phải phối hợp với nhau thật nhanh, đồng thời báo cho bác sĩ biết để xử lý tình huống nguy cấp.
Các điều dưỡng luôn tất bật với công việc. Ảnh T.Hà
Công việc không ngừng nghỉ, một ca trực mỗi điều dưỡng chăm 3 hoặc 4, thậm chí 5 bệnh nhi. Cả ngày liên tục di chuyển để theo dõi tình trạng các bé vì trẻ sau mổ diễn biến sức khỏe rất phức tạp, luôn có nguy cơ cao bị suy tuần hoàn, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Vất vả nhất là những lúc tất cả các trẻ đều phải thở máy, điều dưỡng phải tập trung cao độ, không có một phút nào được nghỉ ngơi vì, chỉ chút lơ đễnh thôi có thể gây hậu quả khôn lường. Nhiều lúc đôi chân mỏi nhừ, lưng đau muốn sụm xuống nhưng tình yêu dành cho công việc và những đứa trẻ bất hạnh giữ họ trụ vững.
Bùi Thị Thanh Hương, Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức Ngoại cho biết, cả khoa có 66 điều dưỡng nhưng chỉ có 12 nam giới nên công việc của các nữ điều dưỡng khá vất vả. Có những bạn con còn nhỏ phải gửi về quê cho ông bà chăm để toàn tâm toàn ý với công việc. Thu nhập không cao nên việc thuê người giúp việc trông con cũng là khó khăn với nhiều chị em. Họ giấu nỗi nhớ con, dành tình yêu thương ấy vào những đứa trẻ tội nghiệp đang mang trong mình bạo bệnh với tâm niệm cứu giúp một bệnh nhi sẽ tạo phúc cho cuộc đời. Hương bảo, để có được quyết định đó cũng là nhờ chồng luôn ở bên chia sẻ việc nhà và động viên vợ.
Trong câu chuyện với tôi, có những thời khắc Hương nghẹn ngào khi nói về sự hy sinh và vất vả của chính cô và đồng nghiệp. Bởi hơn ai hết ở khoa này Hương thấm thía những cực nhọc của hàng trăm đêm trực, hàng nghìn những phận đời mong manh trước sự sống và cái chết.
Cuộc chiến thầm lặng
Nhìn họ tất bật trong lặng lẽ, lúc thoảng cười, lúc âu lo, chuyện 13 năm trước lại về trong tôi. Đó là khi ca mổ tách cặp song song dính nhau nhiều bộ phận cơ thể của 2 bé Nghĩa –Đàn (quê Nghệ An) diễn ra, tôi là một trong ít phóng viên có cơ hội được cùng vào phòng mổ xem GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ca tách đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân lúc bấy giờ. Vẫn nhớ, khi những mũi khâu cuối cùng đóng ổ bụng cho 2 bệnh nhi kết thúc, GS Liêm bảo, đây mới chỉ là thành công bước đầu của ca phẫu thuật, hồi sức sau mổ mới là điểm gút quan trọng để khẳng định ca đại phẫu thành công 100%.
Tò mò vì điều vị giáo sư nhi khoa đầu ngành chia sẻ, tôi xin phép được đến “mục sở thị” nơi hồi sức cho các bệnh nhi sau phẫu thuật. Từ một cơ thể dính nhau, giờ đây Nghĩa-Đàn là 2 em bé tách rời, được nằm trên 2 giường riêng biệt với hệ thống hỗ trợ sinh tồn lắp đặt rất hiện đại. Những máy móc đó được vận hành bởi phần lớn những nữ điều dưỡng. Không chỉ chăm sóc sau mổ cho cặp bệnh nhân đặc biệt đó, các điều dưỡng còn phải theo dõi tình trạng sức khỏe cho mấy chục bệnh nhi cũng vừa trải qua cơn đại phẫu vì những bệnh tật khác nhau.
Công việc là chuỗi áp lực triền miên lên những người phụ nữ nhỏ bé khi họ phải liên tục theo dõi và di chuyển giữa các giường bệnh. Khác với các khoa khác, Hồi sức Ngoại là nơi điều trị cho những bệnh nhi qua cuộc đại phẫu và tiếp tục chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
Nam điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhi trong phòng cách ly.
Hơn 10 năm sau, giờ đây y học hiện đại đã tiến những bước dài, các bác sĩ có thể thực hiện nhiều ca mổ phức tạp hơn, những ca ghép tạng đem lại sự sống cho nhiều người. Nhưng, gánh nặng chưa bao giờ vơi với họ, khi số bệnh nhân tăng lên nhiều, bệnh nặng, phức tạp hơn. Trong câu chuyện với các bác sĩ tôi luôn được nghe những lời chia sẻ và biết ơn của họ dành cho các điều dưỡng bởi những vất vả, hy sinh mà các điều dưỡng đã làm cho bệnh nhân. Bàn tay tài hoa của các phẫu thuật viên đem lại sự sống cho các bệnh nhi, nhưng chính các điều dưỡng là người nuôi dưỡng và chăm lo cho những đổi thay đó ngày một tốt đẹp hơn.
Tôi đếm, 50 giường bệnh gần như lúc nào cũng chật kín bệnh nhi mê man thiêm thiếp. Nhìn những thân hình nhỏ bé với dây truyền dịch, ống thở máy, truyền máu nhằng nhịt quanh người ai cũng có thể hình dung tình trạng bệnh của các bé nặng thế nào. Và như thế, đồng nghĩa là các điều dưỡng ở đây phải căng mình ra. Mỗi người làm 1 ca trong liên tục 8 tiếng đồng hồ.
Ở đây, ngoài việc thực hiện y lệnh của bác sĩ dành cho bệnh nhân, điều dưỡng còn như người nhà, lo cho các bé từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống. Những lúc trẻ bất an, quấy khóc, điều dưỡng phải vỗ về an ủi, dỗ dành. Khoảng thời gian 8 tiếng chỉ ở trong căn phòng nhỏ với bệnh nhi nhiều lúc khiến điều dưỡng căng thẳng, mệt mỏi. Có người chân thành, rằng, cảm giác chán nản cũng đã từng xuất hiện trong suy nghĩ của không ít người, nhưng ánh mắt trẻ thơ, giọng nói nũng nịu, tiếng khóc xé lòng và hơn cả là những cơn đau thắt người của bọn trẻ khiến các điều dưỡng gạt bỏ muộn phiền để tiếp tục công việc. Yêu thương vì thế cũng nhiều lên theo tháng năm gắn bó với nghề…
(Theo tienphong.vn)