Theo dõi, chăm sóc người bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.
Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), ngành y tế đang triển khai nhiều giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài, trong đó cải tiến quy trình khám bệnh và chống quá tải bệnh viện là những ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó là việc đổi mới tư duy trong công tác quản lý đến cách kiểm tra, đánh giá cũng như hoạt động tại bệnh viện được chuẩn hóa theo các tiêu chí chất lượng… Những kết quả bước đầu đạt được đã khẳng định cách làm trúng và đúng.
Chuẩn hóa quy trình khám, chữa bệnh
Qua khảo sát tại các bệnh viện, tình trạng người bệnh phải chờ đợi, chen lấn khi chờ khám bệnh, lộn xộn ở khu vực khám bệnh, nhất là thời gian chờ khám bệnh quá dài, ngày càng trầm trọng. Điều đó dẫn đến nhiều hậu quả trong công tác an ninh bệnh viện; tinh thần thái độ của người thầy thuốc đối với người bệnh, sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc bị giảm sút… làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám và điều trị bệnh.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế xác định, cần thay đổi và coi việc cải tiến quy trình khám bệnh là khâu đột phá thông qua thực hiện Quyết định 1313/QĐ-BYT về hướng dẫn quy trình khám bệnh tại các bệnh viện.
Sau hơn một năm thực hiện Quyết định cho thấy, quy trình được chuẩn hóa, loại bỏ được những thủ tục không cần thiết và người bệnh đã thấy hài lòng hơn.
Thống kê của Cục quản lý KCB (Bộ Y tế) cho thấy, tất cả các bệnh viện đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, trong đó, 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh; mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh như: bàn ghế, lắp quạt điện, bổ sung ghế ngồi chờ, nhiều nơi có đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động… Đáng chú ý, tất cả các bệnh viện đều bổ sung thêm buồng khám, bàn khám bệnh, với mức tăng trung bình tới 93,3% so với trước khi triển khai, tăng nhiều nhất là bệnh viện tuyến tỉnh (tăng 145,5%), riêng tại 36 bệnh viện tuyến trung ương tăng thêm 192 buồng khám bệnh.
Đi liền với cải tạo cơ sở hạ tầng, các đơn vị đều sắp xếp, bố trí lại các bộ phận liên quan trong quy trình khám bệnh, đặt bàn, quầy và bố trí nhân viên để tiếp đón hướng dẫn người bệnh, đặt máy phô-tô-cóp-py để chụp tài liệu cần thiết phải lưu giữ thay cho người bệnh; các bộ phận: làm thủ tục đăng ký, phòng khám, phòng lấy máu bệnh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, kế toán và phát thuốc được bố trí, sắp xếp liên hoàn. Khá nhiều bệnh viện đã bỏ việc tạm ứng tiền khám bệnh đối với người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), bỏ thủ tục yêu cầu người bệnh phải phô-tô giấy tờ tùy thân, thẻ BHYT… Một số bệnh viện cũng đã thực hiện đăng ký đặt lịch hẹn khám bệnh qua dịch vụ điện thoại hoặc website, kết quả xét nghiệm của người bệnh được nhân viên y tế trả về phòng khám của từng bác sĩ tương ứng.
Với các cải tiến nêu trên, thời gian khám bệnh (từ khi người bệnh bắt đầu làm thủ tục đăng ký đến khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và nhận thuốc) đã giảm đáng kể so với trước. Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 đến 14 bước trước đây xuống còn 4, 6, 7, hay 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh). Tính chung, thời gian khám bệnh trung bình đã giảm được 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình. Thời gian khám lâu nhất là tại tuyến trung ương: 53,7 phút, tuyến huyện là 40,1 phút, tuyến tỉnh là 46 phút. Kết quả cải tiến quy trình khám bệnh đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế – xã hội. Việc rút ngắn thời gian chờ đã góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng lòng tin của người bệnh vào người thầy thuốc; tăng sự hợp tác giữa người bệnh và người thầy thuốc, tuân thủ chế độ điều trị, giúp cho việc chẩn đoán của người thầy thuốc nhanh, chính xác hơn và nhất là thời gian điều trị của người bệnh sẽ được rút ngắn. Với quy trình mới, ước tính trung bình mỗi bệnh viện giảm được hai người để thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung cho các bộ phận khác. Với tổng số lượt khám ngoại trú trên cả nước trong năm 2014 khoảng 140 triệu lượt, qua đó giúp tiết kiệm tương ứng với 13,6 triệu ngày công lao động. Mỗi người đi khám bệnh, trung bình sẽ có một người đi cùng, như vậy việc rút ngắn thời gian khám bệnh mỗi năm sẽ tiết kiệm, hay có thể nói là bổ sung thêm ít nhất 27,2 triệu ngày công lao động thay vì số thời gian này lãng phí do chờ đợi khám bệnh phải kéo dài.Nhiều mô hình cải tiến quy trình khám bệnh được ghi nhận tích cực từ các bệnh viện như: Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), Bệnh viện đa khoa các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Bệnh viện quận 2, Cấp cứu Trưng Vương của TP Hồ Chí Minh…
Kiên trì mục tiêu giảm tải
Vấn đề quá tải bệnh viện, nhất là tại các bệnh viện tuyến cuối được xác định là cực kỳ nghiêm trọng, gây khó khăn, bức xúc cho người bệnh, cán bộ y tế, xã hội và tác động tiêu cực tới chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy việc giải quyết tình trạng quá tải không chỉ là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế mà còn trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Hàng loạt các giải pháp đang được ngành y tế triển khai. Trong đó, nổi bật nhất là triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, nhằm từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện.Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện được đẩy mạnh để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Sau nhiều năm ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, năm 2014, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng cơ sở hai của ba bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt – Đức và Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh). Mỗi cơ sở có quy mô 1.000 giường bệnh dự kiến sẽ được khánh thành giai đoạn một vào tháng 2-2016 và khánh thành toàn bộ vào tháng 12-2017.Đến nay, tổng số giường bệnh thực kê trong cả nước là 260.058, đạt 28,1 giường/mười nghìn dân, tăng 3,4 giường bệnh so với năm 2012. Tại 36 bệnh viện tuyến T.Ư, so với thời điểm năm 2012, tổng số giường bệnh thực kê tăng được 4.800 giường (tương ứng 24,6%), có ba bệnh viện được xây mới và đã đưa vào sử dụng là: Đa khoa T.Ư Quảng Nam; K (tại Tân Triều); Nội tiết T.Ư; 172 khoa trong các bệnh viện Bạch Mai, Tai mũi họng T.Ư, Nhi T.Ư, Thống Nhất…
Được cải tạo, mở rộng hoặc xây mới.
Một số bệnh viện khác đang trong giai đoạn hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2015, dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 1.500 giường bệnh. Tại 492 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh và 629 bệnh viện tuyến huyện cũng có sự tăng đáng kể về số cơ sở và giường bệnh.Thống kê cho thấy có 58% số bệnh viện tuyến T.Ư có xu hướng giảm số khoa có tình trạng nằm ghép; không còn nằm ghép tới ba, bốn người trên một giường bệnh. Tại bệnh viện tuyến tỉnh cũng có tới 47% số bệnh viện có xu hướng giảm số khoa có nằm ghép. Giảm công suất sử dụng giường bệnh tuyến trên đồng nghĩa với tăng công suất sử dụng giường bệnh tuyến dưới. Thống kê cho thấy, có tới 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh, trong đó nhiều bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh từ 40 lên 60 – 70%.
Chưa bao giờ bệnh viện tuyến trên hướng về cơ sở, hỗ trợ tuyến dưới nhiều như giai đoạn hiện nay thông qua việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật. Cả nước hiện có 14 bệnh viện hạt nhân và 46 bệnh viện vệ tinh tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các địa phương đang tích cực triển khai là: Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Điện Biên, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Lào Cai… đã tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cũng như khung chương trình, quy trình chuyển giao kỹ thuật, tài liệu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, phát triển hệ thống hội chẩn trực tuyến… Thống kê của 46 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh trong Đề án bệnh viện vệ tinh cho thấy, tỷ lệ chuyển tuyến trong hai năm 2013 và 2014 đang có xu hướng giảm. Cụ thể, 37,5% số bệnh viện này đã có hiệu quả rõ rệt giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Một số bệnh viện chưa có xu hướng giảm nhưng cũng chỉ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên tỷ lệ chuyển tuyến. Điển hình như các bệnh viện: A Thái Nguyên; Bãi Cháy, Quảng Ninh; Đa khoa tỉnh Điện Biên; Đa khoa tỉnh Hà Giang; Đa khoa tỉnh Ninh Bình; Đa khoa tỉnh Quảng Ninh; Phụ sản Tiền Giang; Ung bướu Nghệ An…
Việc luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới (Đề án 1816) cũng là cách làm hay và hiệu quả được gắn với việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.Hình thức luân phiên là bệnh viện tuyến trung ương về hỗ trợ tuyến tỉnh, tuyến tỉnh về hỗ trợ tuyến huyện và huyện về hỗ trợ trạm y tế xã. Theo đó, các bệnh viện tuyến trên cử hàng chục nghìn lượt cán bộ về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới trực tiếp tham gia KCB và chuyển giao kỹ thuật; đồng thời tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho hàng chục nghìn cán bộ y tế tuyến dưới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện cũng được cụ thể hóa bằng hàng loạt các văn bản được ban hành và triển khai.Nổi bật nhất là áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã giúp các đơn vị tự nhìn nhận những vấn đề còn yếu trong quản lý chất lượng, xác định các vấn đề ưu tiên cần cải tiến. Đây cũng là cơ sở để xác định vấn đề cải tiến chất lượng dịch vụ KCB.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB đánh giá, dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác KCB vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Mỗi cơ sở KCB cần xác định lấy người bệnh làm trung tâm, để từ đó có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng KCB đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc giảm tải cần phải thực hiện theo đúng kế hoạch để từng bước giảm tải, hướng tới không còn tình trạng người bệnh nằm ghép vào năm 2025. Bên cạnh nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế, các bệnh viện tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, công khai minh bạch và xử lý nghiêm các tai biến y khoa (nếu có); thực hiện tốt các tiêu chí chất lượng bệnh viện… là thước đo sự hài lòng của người bệnh.
Hệ thống bệnh viện Việt Nam được sắp xếp trên cơ sở phân bố rộng khắp, thuận tiện cho khả năng tiếp cận của người dân ở các vùng miền khác nhau. Cả nước hiện có 1.349 bệnh viện, trong đó, bệnh viện công lập là chủ yếu với 1.179 bệnh viện, chiếm tới 87,3% tổng số bệnh viện. Bệnh viện công lập thuộc ngành y tế quản lý bao gồm 1.148 bệnh viện, được chia thành ba tuyến: trung ương, tỉnh và tuyến huyện. Số lượng bệnh viện ở ba tuyến có tỷ lệ tương ứng 1:10:18.
(theo: kcb.vn)