Trang chủ » Hợp tác quốc tế » Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp cùng tổ chức ADVANCE – ID phát triển mạng lưới nghiên cứu về kháng kháng sinh

Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp cùng tổ chức ADVANCE – ID phát triển mạng lưới nghiên cứu về kháng kháng sinh

Kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng sinh trưởng với sự hiện diện của loại thuốc mà thông thường có thể giết chết hoặc hạn chế sự phát triển của chúng. Điều này khiến việc điều trị và phòng ngừa bệnh trở nên khó khăn, tăng nguy cơ lây nhiễm, bệnh trở nặng và tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có tới 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Việt Nam được xếp vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao trên thế giới, mức độ kháng ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động.

Ngày 2/2/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đón tiếp tổ chức ADVANCE-ID (ADVANcing Clinical Evidence in Infectious Diseases – Nâng cao bằng chứng lâm sàng trong các bệnh truyền nhiễm) đến gặp gỡ, trao đổi về việc phát triển mạng lưới nghiên cứu về kháng kháng sinh. Đây là chương trình triển khai giám sát lâm sàng các bệnh nhiễm trùng mắc phải tại bệnh viện, dựa trên ACORN protocol (Hệ thống giám sát kháng kháng sinh định hướng lâm sàng) hiện đang được triển khai tại 09 quốc gia ở Châu Phi và Châu Á: Ghana, Kenya, Malawi, Nepal, Nigeria, Indonesia, Campuchia, Lào, Việt Nam.

Tham dự buổi gặp gỡ, trao đổi có các chuyên gia đến từ tổ chức ADVANCE: GS.TS David Leslie Paterson – Giám đốc tổ chức ADVANCE-ID, TS. Ding Ying, Bác sĩ Mo Yin; GS.TS Rogier Van Doorn- Giám đốc tổ chức Oxford University Clinical Research Unit Hà Nội (OUCRU Hà Nội). Về phía Bệnh viện Nhi Trung ương có PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện cùng lãnh đạo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Khoa Vi sinh, Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Phòng Hợp tác quốc tế.

Giới thiệu về mạng lưới phát triển bằng chứng lâm sàng trong các bệnh truyền nhiễm (ADVANCE-ID), đại diện của Tổ chức cho biết, đây là nền tảng cho nghiên cứu lâm sàng các bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ em. ADVANCE-ID sẽ hỗ trợ các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm trong khu vực, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc. Mạng lưới sẽ tập trung vào các dịch vụ giúp giảm bớt các rào cản về đạo đức, kế hoạch vận hành mạng lưới thử nghiệm lâm sàng toàn cầu để bàn giao sản phẩm cuối cùng; các rào cản về quy định và phân phối đối với các nghiên cứu lâm sàng để đẩy nhanh quá trình bắt đầu thử nghiệm, rút ngắn thời gian nghiên cứu và giảm chi phí.

Tổ chức cũng sẽ hoạt động như một mạng lưới tích cực liên quan đến bệnh nhân trong các thử nghiệm nền tảng, đưa ra phản hồi nghiên cứu lâm sàng nhanh chóng trong trường hợp có bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc mối đe dọa đại dịch. Ngoài ra, ADVANCE-ID còn cung cấp các khóa đào tạo nghiên cứu và giáo dục trực tuyến thử nghiệm lâm sàng cho các bác sĩ, nhà nghiên cứu và điều dưỡng.

Đại diện ADVANCE-ID giới thiệu về hoạt động của tổ chức

Hệ thống giám sát kháng kháng sinh định hướng lâm sàng (ACORN) là việc triển khai hệ thống thu thập dữ liệu toàn diện để giám sát kháng kháng sinh tập trung vào bệnh nhân ở bối cảnh các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMICs). Giám sát bao gồm các hoạt động quản lý chẩn đoán, để cải thiện việc thu thập các mẫu vi sinh thích hợp ở những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng. Dữ liệu được thu thập qua ACORN kết hợp và mở rộng trên Hệ thống giám sát kháng thuốc kháng sinh toàn cầu của WHO cho phép phân loại chính xác các hội chứng nhiễm trùng và kết quả của bệnh nhân.

Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, những loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, khiến thuốc kém hiệu quả hoặc không có tác dụng.

Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Vấn đề này hiện không chỉ còn là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với sức khỏe cộng đồng.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi về cách thức cũng như những khó khăn, thuận lợi trong việc sử dụng và giám sát sử dụng kháng sinh nhằm tránh tình trạng kháng thuốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương và các cơ sở y tế mà tổ chức ADVANCE-ID đang triển khai dự án.

Đồng thời, hai bên cùng nhau thảo luận về các chương trình hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai hệ thống giám sát kháng kháng sinh lâm sàng như một phần của quy trình chăm sóc trong bệnh viện; Đánh giá các biện pháp can thiệp nhằm giảm sử dụng thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh; Triển khai các chương trình quản lý kháng sinh và mở rộng xuống các bệnh viện tuyến dưới; Thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc,….

Trong không khí làm việc cởi mở với sự tin tưởng cao, Bệnh viện Nhi Trung ương cùng tổ chức ADVANCE-ID đã hứa hẹn sẽ sớm ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) để triển khai các kế hoạch giám sát và nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm ở trẻ em, giúp giảm trình trạng sử dụng kháng sinh ở cộng đồng và trong các cơ sở y tế, từ đó giảm tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu

Chuyên mục: Hợp tác quốc tế

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em