Rối loạn phân ly là rối loạn trong đó có sự không tương ứng giữa triệu chứng cơ thể với các tổn thương của các cơ trong cơ thể. Đây là bệnh có liên quan đến sang chấn tâm lý và nhân cách của người bệnh, không phải là hành vi giả vờ. Các biểu hiện của bệnh như: ngất, co giật, yếu cơ,… có thể gây ra khó chịu đáng kể cho trẻ.
1. Các dấu hiệu nhận biết rối loạn phân ly
– Biểu hiện của rối loạn phân ly rất đa dạng, có thể là triệu chứng cơ thể, triệu chứng về tâm thần – thần kinh và có thể giống nhiều bệnh khác nhau. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc theo thể lâm sàng của rối loạn phân ly. Với một trong các biểu hiện sau:
- Co giật phân ly: Các cử động co cứng đột ngột, bất ngờ, rất giống cơn co giật động kinh nhưng không mất ý thức trong cơn.
- Rối loạn vận động phân ly: trẻ mất khả năng vận động toàn bộ hay một phần của một hay nhiều chi.
- Quên phân ly: quên đột ngột, quên từng phần.
- Ngất phân ly: trẻ thường ngất trong khoảng thời gian nhất định khi có tác động là các sang chấn tâm lý.
- Sững sờ phân ly: người bệnh giảm hoặc bất động ngay cả khi có kích thích từ bên ngoài, giữ nguyên tư thế trong thời gian dài, không nói, không cử động.
- Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập.
- Tê và mất cảm giác phân ly: hay gặp nhất là cảm giác đau, mất cảm giác.
2. Những trẻ nào có nguy cơ bị rối loạn phân ly
– Trẻ có nhân cách yếu: Lo âu, dễ dao động, thường xuyên né tránh hoăc tự ức chế, thiếu tự chủ, thích chiều chuộng, chịu đựng gian khổ và khó khăn kém.
– Các sang chấn trong cuộc sống: Mất người thân, bạn bè kỳ thị,…
3. Chăm sóc trẻ rối loạn phân ly
– Hiểu rõ về rối loạn phân ly:
Sau khi trẻ được chẩn đoán bệnh, cha mẹ nên tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, những khó khăn trẻ đang gặp phải. Chăm sóc trẻ phải kiên nhẫn, bình tĩnh, giàu tình yêu thương. Sự hiểu biết, hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua khó khăn và phát triển tốt hơn. Hãy chú ý đến trẻ vào những lúc không có triệu chứng, đừng chỉ tập trung mỗi khi trẻ có triệu chứng. Khẳng định với trẻ rằng trẻ không bị đe dọa về sức khỏe hay tính mạng. Tình trạng trẻ gặp phải hoàn toàn chữa trị được, không gây hại.
– Môi trường sống lành mạnh, ổn định:
Trẻ cần được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và không áp lực. Hãy tạo ra không gian tĩnh lặng để trẻ thư giãn. Quá trình nuôi dạy trẻ không nên quá khắt khe và cũng không quá bao bọc. Khi thay đổi môi trường sống, trường lớp cho trẻ, hãy nói với trẻ để chuẩn bị tâm lý thích nghi với những điều kiện và hoàn cảnh mới.
– Quan tâm đúng mức:
Hãy dành cho trẻ nhiều thời gian nhất có thể. Lắng nghe những lo lắng, phiền muộn của trẻ, mặc dù với người lớn có thể thấy đó là điều nhỏ nhặt, không đáng lo. Tránh các sang chấn tâm lý trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Khi trẻ có những sang chấn tâm lý: mất người thân, bố mẹ ly hôn, xa cách vật yêu thích hãy ở bên cạnh động viên, chia sẻ giúp trẻ nhanh lấy lại cân bằng, ổn định cảm xúc.
Bồi dưỡng nhân cách và rèn luyện khả năng thích nghi với các yếu tố căng thẳng của môi trường: khuyến khích tinh thần tự lập, tự chủ, biết cách giải tỏa căng thẳng, học kỹ năng giải quyết vấn đề, ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Giáo dục cho trẻ tính hòa đồng, tính đoàn kết trong cuộc sống.
– Hạn chế căng thẳng, áp lực:
Áp lực học tập, thời gian biểu dày đặc, áp lực điểm số, bạn bè trêu chọc, kỳ thị, cha mẹ thường xuyên cãi vã,… là những yếu tố làm trẻ luôn cảm thấy bất an, căng thẳng, sợ hãi. Đây là những yếu tố thuận lợi làm trẻ bùng phát những rối loạn phân ly.
Vì vậy hãy thiết lập lịch trình rõ ràng, học tập phù hợp với IQ của trẻ, giúp trẻ giải quyết những khó khăn gặp phải trong mối quan hệ xã hội, tạo môi trường sống gia đình lành mạnh.
– Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng:
Tích cực rèn luyện thân thể: tập thở, thư giãn, thể thao,…
Duy trì các hoạt động hàng ngày: học tập, vui chơi, lao động,…
Tham gia các hoạt động tương tác theo nhóm: sinh hoạt bạn bè, câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa,…
– Nâng cao thể trạng:
Thể chất khỏe mạnh là nền tảng của một tinh thần ổn định. Hãy đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý.
4. Tại sao phải đưa trẻ đi khám sớm và điều trị kịp thời
Bởi vì rối loạn phân ly:
- Gây ra nhiều khó chịu, căng thẳng về tinh thần và cơ thể.
- Nếu kéo dài ảnh hưởng đến học tập, khả năng hòa nhập và các mối quan hệ xã hội.
- Gặp các rắc rối về giấc ngủ như mất ngủ.
- Ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần.
- Rối loạn lo âu.
- Tự làm đau bản thân, thậm chí tự tử.
* Việc điều trị bệnh rối loạn phân ly có ý nghĩa rất lớn, giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, còn giúp trẻ rèn luyện khả năng thích nghi, ứng phó với các yếu tố căng thẳng trong cuộc sống. Nên khi phát hiện trẻ có các triệu chứng rối loạn phân ly kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, điều trị kịp thời. Các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau vài tuần đến vài tháng, nhưng cũng có thể tái phát nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Minh Tuấn (2016), Rối loạn phân ly – Giáo trình bệnh học tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội (trang 90 – 96).
2. Phạm Thị Diệp, Lã Thị Bưởi (2016), Bệnh tâm thể – Sách giáo khoa Nhi Khoa, NXB Y học, Hà Nội (trang 1887 – 1892).
3. Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Thành Luân, Lê Thị Thu Hà (2020), Các rối loạn lo âu – Giáo trình điều dưỡng sức khỏe tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, Nxb Y học, Hà Nội (trang 66 – 76).
4. Phạm Thị Thu Hường, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Thị Thu Hà (2020), Quy trình điều dưỡng và tiêu chuẩn trong chăm sóc sức khỏe trẻ tâm thần – Giáo trình điều dưỡng sức khỏe tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, Nxb Y học, Hà Nội (trang 56 – 64).
ThS.ĐD Nguyễn Thị Dậu – Khoa Sức khỏe vị thành niên
TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên