Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Đào tạo - Chỉ đạo tuyến » Sử dụng thuốc kháng nấm trên bệnh nhi: Bài toán khó trong thực hành lâm sàng

Sử dụng thuốc kháng nấm trên bệnh nhi: Bài toán khó trong thực hành lâm sàng

Hiện nay, nhiễm nấm xâm lấn đang nổi lên như một thách thức trong thực hành lâm sàng. Cũng như các thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm có xu hướng gia tăng tỉ lệ đề kháng trong những năm gần đây. Trong khi đó, các bác sĩ, dược sĩ và phòng xét nghiệm ở nước ta đang còn ít kinh nghiệm liên quan đến chẩn đoán, xét nghiệm vi sinh, cũng như việc sử dụng thuốc. Đặc biệt, kháng nấm cho trẻ em còn là một bài toán khó hơn nhiều so với người lớn.

Việc nắm vững các đặc điểm quan trọng về dược lý lâm sàng của các thuốc kháng nấm sẽ giúp bác sĩ và dược sĩ cân nhắc lựa chọn và sử dụng phù hợp trong thực hành lâm sàng. Chính vì vậy, ngày 4/10 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Dược lý lâm sàng, sử dụng thuốc kháng nấm trên bệnh nhân nhi”, thu hút sự tham dự của hơn 800 bác sĩ, dược sĩ trên cả nước dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Buổi sinh hoạt khoa học này là cơ hội để các bác sĩ, dược sĩ cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh

TS.BS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương – Chủ tọa chương trình

Trước đây, vấn đề nhiễm nấm thường chủ yếu được đề cập đến tại các đơn vị Hồi sức cấp cứu ở cả trẻ em, người lớn, đặc biệt là những người bệnh suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay nhiễm nấm và điều trị kháng nấm còn gặp ở rất nhiều khoa lâm sàng khác, trong đó có các chuyên khoa, các bệnh lý mãn tính như: Ung thư, Huyết học,..

Có nhiều loại thuốc kháng nấm được sử dụng để điều trị nhiễm nấm xâm lấn. Thế nhưng, việc sử dụng không hợp lý có thể dẫn đến nguy cơ gặp tác dụng phụ không mong muốn, tăng chi phí, thời gian điều trị và gây ra tình trạng kháng thuốc. Trên thực hành lâm sàng có 2 hình thức điều trị nấm xâm lấn, đó là điều trị đích (trong trường hợp phân lập được nấm) và điều trị kinh nghiệm (trong trường hợp không phân lập được nấm hoặc người bệnh nặng cần sử dụng thuốc ngay trước khi có kết quả phân lập vi sinh).

Mỗi loại thuốc kháng nấm đều có cơ chế, phổ tác dụng, tính hiệu quả và độ an toàn khác nhau. Do đó, khi lựa chọn thuốc kháng nấm để điều trị, các bác sĩ cần phân tích nhiều yếu tố liên quan đến người bệnh như: tình trạng lâm sàng, kết quả cận lâm sàng, vi sinh và các yếu tố liên quan đến thuốc như: phổ tác dụng, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc, giá thuốc,…

Là một chuyên gia về dược lâm sàng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia – Trường Đại học Dược Hà Nội, Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp cho các đại biểu tham gia buổi sinh hoạt khoa học nhiều thông tin hữu ích qua bài báo cáo: “Dược lý lâm sàng thuốc kháng nấm áp dụng trong thực hành Nhi khoa”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia – Trường Đại học Dược Hà Nội, Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai trình bày báo cáo tại buổi sinh hoạt

Theo đó, nấm trở thành căn nguyên vi sinh vật quan trọng trong các nhiễm trùng tại các đơn vị Hồi sức cấp cứu (ICU). Một số nghiên cứu tại nhiều đơn vị ICU chỉ ra rằng: có khoảng 43% người bệnh có chẩn đoán nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng, 65% trong số đó có kết quả dương tính vi sinh: gram âm chiếm 67%, gram dương 37% và nấm đứng thứ 3 với 16%. Các chủng nấm Candida spp và Aspegillus spp là 2 trong 10 căn nguyên vi sinh thường gặp nhất tại bệnh viện.

Nhiễm nấm thường là nhiễm trùng cơ hội, người bệnh phải có rất nhiều điều kiện thuận lợi để nhiễm trùng nấm xảy ra, ví dụ những tổn thương do: can thiệp vật lý, hay thay đổi về sinh lý bệnh làm phá vỡ hàng rào niêm mạc, những yếu tố bệnh nền (suy giảm miễn dịch, bệnh ác tính, bệnh huyết học, mạn tính,…). Nếu điều trị không trọn vẹn, chỉ thành công về mặt lâm sàng nhưng không thành công về mặt vi sinh thì khả năng tái phát rất cao.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh và phân tích rất chi tiết các nội dung như:

  • Các thuốc kháng nấm sử dụng điều trị nhiễm nấm Candida xâm lấn ở người bệnh Hồi sức tích cực.
  • Dịch tễ nhiễm nấm xâm lấn ở trẻ em: có sự khác biệt gì so với người lớn.
  • Cơ chế tác dụng đa dạng của các thuốc kháng nấm.
  • Các thuốc kháng nấm: phổ kháng nấm khác biệt.
  • Dược động học các thuốc kháng nấm nhóm azol.
  • Tương tác giữa azol và các thuốc ức chế bài tiết acid.
  • Quy trình sử dụng thuốc dự phòng và tốc độ truyền để giảm độc tính liên quan đến tiêm truyền của amphotericin B phức hợp lipid.
  • Cập nhật xu hướng gia tăng đề kháng của nấm Candida non-albicans và về thuốc kháng nấm mới.

Cơ chế thuốc kháng nấm được PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh đưa ra trong bài báo cáo

Đặc biệt, những chia sẻ, kinh nghiệm về liều thuốc kháng nấm trong Nhi khoa ở trẻ sơ sinh, trẻ bú, trẻ lớn; Dược động học của thuốc so sánh giữa trẻ em và người lớn; Tối ưu liều kháng nấm trên người bệnh suy gan, người bệnh lọc máu tại ICU mà PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh trình bày trong buổi sinh hoạt khoa học được các bác sĩ, dược sĩ rất quan tâm và đánh giá cao.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng, một trong những chú ý quan trọng khi sử dụng thuốc chống nấm là tương tác thuốc, các bác sĩ cần tra cứu cẩn thận trước khi quyết định kê đơn các thuốc đi kèm, để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Thông qua buổi sinh hoạt hoa học, báo cáo viên và các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng gửi đến các bác sĩ, dược sĩ thông điệp về sử dụng kháng nấm hợp lý theo tam giác cần cân nhắc (tương tự kháng sinh). Các chuyên gia khuyến nghị các bệnh viện tiếp tục theo dõi tiêu thụ các thuốc kháng nấm cần ưu tiên quản lý, nghiên cứu và đánh giá việc lựa chọn dạng thuốc amphotericin B trong điều trị nhiễm nấm.

Các đại biểu chăm chú lắng nghe và sôi nổi thảo luận tại buổi sinh hoạt khoa học

TS.BS Hoàng Thị Bích Ngọc – Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ thêm các thông tin quan trọng liên quan đến xét nghiệm chẩn đoán nhiễm nấm xâm nhập cho các bác sĩ tham dự

Hy vọng rằng, buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề cấp thiết này đã giúp các bác sĩ, dược sĩ thu hoạch được nhiều thông tin hữu ích, từ đó có thể vận dụng những kiến thức vào trong thực hành kê đơn, điều trị, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ em trên toàn quốc.

Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu

Chuyên mục: Đào tạo - Chỉ đạo tuyến

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em