Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Tăng cường nâng cao năng lực thực hành khử khuẩn, tiệt khuẩn trong bệnh viện

Tăng cường nâng cao năng lực thực hành khử khuẩn, tiệt khuẩn trong bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện là hậu quả không mong muốn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng sử dụng thuốc kháng sinh, kéo dài ngày nằm viện gia tăng chi phí điều trị cho người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong. Vì thế, vấn đề khử khuẩn tiệt khuẩn trong bệnh viện luôn được Bệnh viện Nhi Trung ương chú trọng. Ngày 17/12 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết hợp với VNICS tổ chức Hội thảo khoa học về Khử khuẩn tiệt khuẩn, nhằm nâng cao năng lực thực hành xử lý an toàn dụng cụ cho cán bộ, nhân viên y tế.

Tái sử dụng các dụng cụ trong chăm sóc và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một việc làm thường quy tại các bệnh viện ở Việt Nam. Quá trình tái sử dụng này nếu không được tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm sạch đến khâu khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng, có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng thăm khám và điều trị người bệnh của bệnh viện.

Nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực thực hành khử khuẩn tiệt khuẩn trong bệnh viện, đảm bảo chất lượng và an toàn người bệnh, ngày 17/12 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương kết hợp với VNICS tổ chức Hội thảo khoa học về Khử khuẩn tiệt khuẩn.

TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có gần 100 cán bộ, nhân viên y tế đại diện cho các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương; các Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hà Nam, Thái Nguyên, Kiên Giang, Phú Thọ, Bắc Giang…; các Bệnh viện Sản – Nhi: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Binh; Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Hồng Ngọc, Vinmec,…

Hội thảo thu hút sự tham gia của cán bộ, y bác sĩ của nhiều bệnh viện trên cả nước

Tại hội thảo PGS. TS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam và TP. HCM đã trình bày một số yêu cầu cơ bản khi xây dựng CSSD hiện đại. Cùng với đó, hướng dẫn nhân viên y tế cách vận hành quy trình làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn các dụng cụ vật tư y tế sử dụng lại trong bệnh viện; đảm bảo an toàn dụng cụ khi lưu giữ và cung cấp, phân phối các dụng cụ tiệt khuẩn có chất lượng cho nhân viên y tế chăm sóc và điều trị tại các khoa phòng.

PGS. TS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam và TP. HCM trình bày một số yêu cầu cơ bản khi xây dựng CSSD hiện đại

Có nhiều phương pháp tiệt khuẩn được sử dụng như hấp bằng hơi nước áp lực cao, hấp khô, kết hợp hấp hơi nước và formaldehyde ở nhiệt độ thấp, tiệt khuẩn bằng ethylene oxide (EtO) và tiệt khuẩn bằng hydrogen peroxide công nghệ plasma.

Trong bệnh viện, khuyến cáo được sử dụng nhiều nhất là hấp ướt áp lực cao cho các dụng cụ chịu nhiệt và tiệt khuẩn nhiệt độ thấp bằng hydroxyl peroxide công nghệ plasma cho dụng cụ không chịu nhiệt.

Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm, vấn đề này được đưa ra thảo luận dưới sự hướng dẫn của TS. BS Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM. Do đó, cơ sở y tế cần lựa chọn phương pháp tiệt khuẩn thích hợp dựa trên nhu cầu thực tế. Lưu ý, chỉ sử dụng một phương pháp tiệt khuẩn đối với một loại dụng cụ để bảo tồn và duy trì giá trị dụng cụ.

Nói cụ thể hơn về phương pháp tiệt khuẩn bằng EtO, TS. BS Trương Anh Thư – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Ethylene oxide (EtO) là chất kiềm có khả năng phá vỡ ADN và ngăn ngừa sự nhân lên của vi sinh vật; có tính xuyên thấu tốt, thẩm thấu xuyên qua các chất liệu như vải, nhựa, vì thế tính hiệu quả rất cao. Quá trình tiệt khuẩn bằng hóa chất với 4 biến số chính: nhiệt độ: 50 – 60Oc; độ ẩm > 35 – 80%; nồng độ khí: 400 – 1.200mg/l và thời gian: 12 – 18h.

Trích bài giảng của TS. BS Trương Anh Thư – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai về khử khuẩn bằng Ethylene oxyde

Cũng trong chương trình, các cán bộ, nhân viên y tế được lắng nghe ThS Đặng Thị Thu Hương – Phụ trách Khoa khử khuẩn – Tiệt khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương trình bày kỹ lưỡng về vấn đề Giám sát chất lượng tiệt khuẩn dụng cụ thực hành tại bệnh viện. ThS Hương cho rằng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đưa ra cho đơn vị khử khuẩn tiệt khuẩn mang lại tiến bộ kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng cho các phẫu thuật, thủ thuật và dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế, nhân viên y tế, và quan trọng nhất cho chính các bệnh nhân.

An toàn dụng cụ liên quan mật thiết đến kết quả thăm khám, điều trị người bệnh

Đối với thực hiện kiểm soát chất lượng quy trình tiệt khuẩn thông thường có 5 bước cơ bản: kiểm soát thiết bị, kiểm soát sự tiếp xúc, kiểm soát gói/ bộ dụng cụ, kiểm soát khối/ mẻ dụng cụ, lưu trữ thông tin. Áp dụng các hướng dẫn thực hành, kiến thức khoa học và tiêu chuẩn quy định: AAMI ST79, AAMI ST41, ISO 17665, ISO 11140, ISO 11138, ISO 15883…

Hội thảo là cơ hội để các cơ sở y tế lắng nghe, học hỏi kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn, từ đó xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các quy định, hướng dẫn, quy trình chuyên môn nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho cộng đồng trong quá trình cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu + Bác sĩ cung cấp

Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em