Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Đào tạo - Chỉ đạo tuyến » Tập huấn đào tạo và chuyển giao mô hình ECHO cho 35 đơn vị y tế Việt Nam

Tập huấn đào tạo và chuyển giao mô hình ECHO cho 35 đơn vị y tế Việt Nam

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức Lớp tập huấn đào tạo và chuyển giao mô hình ECHO cho 35 đơn vị y tế trên toàn quốc. Giảng viên của lớp học là các chuyên gia hàng đầu đến từ Viện ECHO Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Lớp tập huấn thu hút sự tham gia của gần 100 nhân viên y tế từ các bệnh viện công lập và tư nhân trên cả nước

Project ECHO (Extension Community healthcare outcomes) là dự án hướng tới cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Hiện nay, có 195 quốc gia, 6 Châu lục với gần 1.000 hub và superhubs (trung tâm hay siêu trung tâm học thuật) tham gia, sử dụng mô hình tele-ECHO.

Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương vinh dự trở thành hub thứ 589 và năm 2022 trở thành superhub thứ 33, cùng chung sứ mệnh và tầm nhìn với ECHO trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Theo TS.BS Lê Hồng Nhung – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi Trung ương: Nhờ sự thụ hưởng mô hình ECHO từ viện ECHO Hoa Kỳ, sau 5 năm triển khai, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đào tạo khoảng 6.000 các bác sĩ tuyến cơ sở, từ đó xây dựng mạng lưới học tập Nhi khoa trong 28 tỉnh thành; ước tính khoảng 180.000 trẻ em/1 ngày, khoảng 60 triệu lượt trẻ em/1 năm được khám bệnh với tiêu chuẩn và chất lượng bác sĩ Nhi khoa được chuyển giao từ Bệnh viện Nhi Trung ương. Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ Y tế, đồng thời với vai trò là một superhub trong hệ thống ECHO Global, Bệnh viện cam kết thực hiện tư vấn, chuyển giao mô hình ECHO tới các bệnh viện, đơn vị có nhiệm vụ đào tạo y khoa liên tục.

Chương trình ECHO phát triển nhanh chóng tại Bệnh viện Nhi Trung ương và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến

Phát biểu khai mạc chương trình, TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết: “Sự ứng dụng của ECHO vào công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến cho các đồng nghiệp tuyến dưới đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Chúng tôi đã kết nối với các trung tâm y tế trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc rất xa xôi đều có thể tham gia, tiếp nhận thông tin về đào tạo trong dự án ECHO, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, hiện này cũng như trong những năm tới, chúng ta phải đối mặt với các gánh nặng bệnh tật rất phức tạp. Song song với các bệnh lý truyền nhiễm mới nổi và tái nổi (như Covid-19, bạch hầu, ho gà…), thì các bệnh không lây nhiễm về ung thư, huyết học, tim mạch, nội tiết – chuyển hóa và di truyền cũng đang tăng lên. Trong khi đó, nguồn lực trong các hệ thống y tế về Nhi khoa còn nhiều hạn chế để đảm bảo công tác chăm sóc, chẩn đoán, điều trị sớm. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn với sự ứng dụng của các kênh đào tạo trực tuyến trong đó có nền tảng i-ECHO của ECHO sẽ là cầu nối giúp các y bác sĩ trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn”.

TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự hỗ trợ của Viện ECHO Hoa Kỳ, Ấn Độ và sự ủng hộ của Bộ Y tế Việt Nam

“Tại buổi tập huấn, các chuyên gia của Viện ECHO Hoa Kỳ, ECHO Ấn Độ và các chuyên gia ECHO tại Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ giúp các đồng nghiệp khi tham gia hệ thống này có thể vận hành tốt nhất các tính năng của ECHO trong điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị mình và ứng dụng nền tảng i-ECHO tối ưu trong công tác đào tạo trực tuyến với điều kiện toàn cảnh ở Việt Nam” – TS.BS Phan Hữu Phúc khẳng định.

Bày tỏ sự vui mừng khi có nhiều đơn vị Y tế quan tâm đến mô hình ECHO, TS.BS Dương Huy Lương – Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ: Mô hình ECHO đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa người học với giảng viên, và tiến tới là thu hẹp khoảng cách giữa bác sĩ với người bệnh. Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với thông điệp “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa” rất phù hợp với mô hình ECHO. Thông qua mô hình này, các y bác sĩ trên cả nước, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa sẽ dễ dàng cập nhật, học hỏi các kiến thức chuyên môn, từ đó tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”. Đồng thời, khi mô hình ECHO được triển khai hiệu quả thì các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn”, giúp việc thăm khám chất lượng cao tới được với mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

TS.BS Dương Huy Lương – Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại chương trình

Là một trong những chuyên gia rất tâm huyết đưa dự án ECHO-Endocrinology đến với nhiều quốc gia trên thế giới, GS. Matthew Bouchonville – Phó Giám đốc viện ECHO, Giám đốc Trung tâm Nội tiết chuyển hóa – Bệnh viện Đại học New Mexico, Hoa Kỳ cho biết: Tháng 1/2024 đã đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa Bộ Y tế Việt Nam và dự án ECHO, đây là một cột mốc rất quan trọng để có thể phát triển cộng đồng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cũng như phát triển cộng đồng học trực tuyến. “Sự gặp mặt hôm nay thể hiện sự cam kết chung của chúng tôi trong việc thúc đẩy hơn nữa việc đào tạo chuyên sâu, cung cấp kiến thức cho tất cả mọi người và mở rộng phạm vi của dự án ECHO đến mọi miền ở Việt Nam” – GS. Matthew Bouchonville nhấn mạnh.

GS. Matthew Bouchonville – Phó Giám đốc viện ECHO, Giám đốc Trung tâm Nội tiết chuyển hóa – Bệnh viện Đại học New Mexico, Hoa Kỳ chia sẻ về tâm huyết đưa ECHO đến mọi miền ở Việt Nam

Tại buổi tập huấn, gần 100 nhân viên y tế đến từ 35 bệnh viện đa khoa Trung ương; Hệ thống các bệnh viện Nhi, Sản – Nhi, một số các bệnh viện tư nhân trên cả nước được các chuyên gia của Viện ECHO Hoa Kỳ và Ấn Độ giới thiệu, chia sẻ kiến thức từ tổng quan đến chi tiết các bước để triển khai một chương trình ECHO như: giới thiệu tổng quan mô hình đào tạo trực tuyến ECHO, nguyên tắc cơ bản khi triển khai chương trình ECHO; làm thế nào để xây dựng chương trình ECHO đạt hiệu quả, vai trò của chủ nhiệm chương trình, điều phối viên, chuyên gia, kỹ sư IT trong một chương trình Tele-ECHO, Phát triển học liệu giảng dạy chương trình ECHO; Xây dựng phương pháp nghiên cứu và quản lý dữ liệu trực tuyến trên nền tảng iECHO; Quản lý rủi ro an ninh mạng và bảo mật thông tin trên iECHO theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, bên cạnh giảng dạy lý thuyết, các chuyên gia giúp các đơn vị hiểu sâu sắc và trực quan hơn khi ứng dụng ECHO vào thực tiễn thông qua các phần thực hành nhóm (Mock presentation). Các học viên được chia thành các nhóm đóng vai để triển khai một buổi Tele-ECHO và xây dựng chiến lược lập kế hoạch đào tạo ECHO cho các đơn vị khác, quản lý rủi ro, an ninh mạng. Đồng thời, nhóm triển khai mô hình ECHO cũng trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và được các chuyên gia của Viện ECHO Hoa Kỳ, ECHO Ấn Độ và Bệnh viện Nhi Trung ương giải đáp tận tình, chi tiết.

Các học viên chia nhóm đóng vai để triển khai thử buổi hội chẩn ca bệnh qua ECHO

BS Piter Martinez Benitez – Bệnh viện đa khoa Hùng Vương chia sẻ kinh nghiệm triển khai ECHO-Cardiology tại đơn vị

Bệnh viện Trung ương Huế trình bày chiến lược trong quản lý ung thư tại miền Trung – bài thực hành số 2 của buổi tập huấn mô hình ECHO

Kết thúc buổi tập huấn, các học viên đánh giá cao tính hiệu quả, bổ ích của mô hình ECHO trong công tác đào tạo nâng cao năng lực Y khoa cho các nhân viên y tế ở các tuyến trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời cho người bệnh, đặc biệt mang lại lợi ích to lớn tại vùng sâu vùng xa, hạn chế quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Cùng với đó, Project ECHO đã thực hiện cam kết với Bộ Y tế Việt Nam sẽ tài trợ và hướng dẫn sử dụng platform iECHO miễn phí cho toàn bộ hệ thống Y tế, nhằm đảm bảo công tác đào tạo, hội chẩn ca bệnh được khả thi, không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, thời gian.

Các học viên đều bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục có được sự chia sẻ quý báu của các chuyên gia để thực hiện triển khai chương trình ECHO một cách thành công, đem lại lợi ích và giá trị nhân văn đến với cộng đồng

Trung tâm Chỉ đạo tuyến
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE

Chuyên mục: Đào tạo - Chỉ đạo tuyến

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em