Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Đào tạo - Chỉ đạo tuyến » Tập huấn Siêu âm trong hồi sức cấp cứu Nhi khoa: Kỹ thuật quan trọng giúp đánh giá và xử trí bệnh nhi nặng, nguy kịch

Tập huấn Siêu âm trong hồi sức cấp cứu Nhi khoa: Kỹ thuật quan trọng giúp đánh giá và xử trí bệnh nhi nặng, nguy kịch

Ngày 18 - 19/5 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức Lớp tập huấn “Siêu âm trong hồi sức cấp cứu Nhi khoa cơ bản”, nhằm phổ biến những kiến thức và kỹ năng cần thiết về siêu âm trong hồi sức cấp cứu cho các bác sĩ đến từ khoa Cấp cứu và Chống độc, Điều trị tích cực Nội Tim mạch, Điều trị tích cực Ngoại Tim mạch, Gây mê hồi sức, Gây mê hồi sức Tim mạch và Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện.

Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày với các bài giảng lý thuyết xen lẫn thực hành

Siêu âm có trọng điểm tại giường trong hồi sức cấp cứu (POCUS) mang đến các thông tin nhanh chóng, hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, POCUS giúp bác sĩ đưa ra các quyết định quan trọng mà không bị trì hoãn bởi việc chờ đợi kết quả từ các đơn vị xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh, nhờ đó, có thêm cơ hội cứu sống người bệnh nguy kịch.

POCUS còn có các ưu điểm khác như: an toàn hơn khi so sánh với biện pháp thăm dò có sử dụng tia bức xạ, có thể thăm dò liên tục giúp bác sĩ đánh giá, theo dõi diễn biến của bệnh nhi theo thời gian thực. Bên cạnh đó, POCUS còn hỗ trợ y, bác sĩ thực hiện các thủ thuật chính xác, nâng cao tính an toàn, tránh các rủi ro, tai biến đối với các trường hợp: chọc dò màng tim, chọc dò màng bụng, đặt Catheter tĩnh mạch trung, hay hỗ trợ lấy ven ngoại vi với trường hợp  khó,… Đồng thời, chi phí tiết kiệm, dễ áp dụng trong các trường hợp người bệnh nặng khó di chuyển, cũng là những yếu tố quan trọng khiến POCUS ngày càng được khuyến khích sử dụng.

Là người dành nhiều tâm huyết cho các khóa đào tạo nâng cao năng lực của y bác sĩ trong Bệnh viện nói chung và chương trình tập huấn POCUS nói riêng, TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Những năm qua, với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo Bệnh viện, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, luôn động viên, khuyến khích, giám sát các bác sĩ thực hành siêu âm có trọng điểm tại giường trong hồi sức cấp cứu, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhi. POCUS là công cụ hỗ trợ rất hữu ích, để chúng ta không bỏ qua “thời gian vàng” trong hồi sức cấp cứu và có thể giúp tránh được các tai biến trong quá trình điều trị. Có nhiều bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Nội khoa đã áp dụng rất thành thạo kỹ thuật này, tuy nhiên, việc áp dụng trong các đơn vị Hồi sức, Cấp cứu, Gây mê trong Bệnh viện vẫn chưa trở thành thường quy. Vì vậy, tôi hy vọng, sau khóa học này, các bác sĩ sẽ sử dụng POCUS thường quy, thành thạo hơn, đồng thời lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm cho các đồng nghiệp của mình, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ em.

TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương với những chia sẻ rất tâm huyết tại Lớp tập huấn

Đại diện các giảng viên chia sẻ về Lớp tập huấn, ThS.BS Bùi Thanh Liêm – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Đây là khóa học khó nhưng rất hữu ích, hướng dẫn các học viên đánh giá cơ bản từ đường thở, hô hấp cho đến chấn thương, đánh giá tăng áp lực nội sọ, từ đó, hạn chế di chứng cho người bệnh. Việc áp dụng POCUS trong hồi sức cấp cứu giúp các bác sĩ có thêm một công cụ đánh giá để hồi sức tốt hơn, tuy nhiên vẫn phải gắn liền với tình trạng lâm sàng cụ thể để có chỉ định chính xác.”

Lớp tập huấn “Siêu âm có trong hồi sức cấp cứu Nhi khoa cơ bản” diễn ra trong 2 ngày, với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia của Khoa Điều trị tích cực Nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương và Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2. Đây là những bác sĩ Nhi khoa đầu tiên của Việt Nam vượt qua chương trình sát hạch để bước đầu trở thành giảng viên POCUS quốc tế do Hiệp hội Siêu âm trong hồi sức và cấp cứu Malaysia (Society of Critical and Emergency Sonography – SUCCES Malaysia) tổ chức đánh giá, dưới sự ủy quyền của World Interactive Network Focused On Critical UltraSound (WINFOCUS).

Khóa học cung cấp cho học viên các kỹ năng cơ bản để tự tin tích hợp POCUS vào thực hành lâm sàng hàng ngày, tập trung vào các chủ đề: Nguyên lý  siêu âm và tinh chỉnh hình ảnh; Siêu âm đường thở; Siêu âm phổi cơ bản; Siêu âm tim cơ bản và tĩnh mạch chủ dưới; Siêu âm bụng cơ bản và eFAST; Siêu âm đánh giá sốc và đánh giá huyết động; Siêu âm hướng dẫn thủ thuật; Siêu âm kích thước bao thần kinh thị.

Nội dung bài giảng được trình bày hấp dẫn, kèm theo các trường hợp lâm sàng cụ thể giúp học viên dễ dàng nắm bắt kiến thức

Đặc biệt, không chỉ được giảng dạy lý thuyết, các học viên còn được chia nhóm thực hành trực tiếp dưới sự hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của các giảng viên. Chính vì vậy, học viên đều nắm được cách tiếp cận người bệnh trong từng tình trạng cấp cứu cụ thể, lựa chọn đầu dò, thiết lập tinh chỉnh các phương thức phù hợp để thu nhận hình ảnh siêu âm tối ưu nhất, các chỉ số cần lưu ý khi đánh giá, từ đó, nhận diện được các tổn thương và đưa ra chẩn đoán, xử trí phù hợp.

Học viên được chia nhóm thực hành trên mô hình và trên người bệnh dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên

Kết thúc 2 ngày học tập hăng say, các học viên được trao chứng chỉ “Siêu âm trong hồi sức cấp cứu Nhi khoa cơ bản”. Các học viên đều đánh giá cao tính hữu ích của POCUS trong hồi sức cấp cứu, có ý thức chủ động hơn trong chẩn đoán hình ảnh và đầy hứng khởi áp dụng vào công việc lâm sàng hàng ngày để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp, cứu tính mạng cho người bệnh.

Có thể nói, ứng dụng POCUS giúp các bác sĩ có thêm một công cụ quan trọng để đánh giá sâu hơn tình trạng người bệnh, từ đó, có thêm thông tin quyết định điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh chính xác hơn. Việc phổ biến POCUS rộng rãi đến các bác sĩ, đặc biệt là những người thực hành lâm sàng chuyên ngành Hồi sức và Cấp cứu là một đòi hỏi cấp thiết. Vì vậy, trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều khóa học từ cơ bản đến nâng cao cho các bác sĩ trong Bệnh viện, từng bước đưa kỹ thuật POCUS trong hồi sức cấp cứu trở thành thường quy.

TS.BS Chu Thanh Sơn – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE

Chuyên mục: Đào tạo - Chỉ đạo tuyến

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em