Ngày 29/10 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tham gia “Diễn đàn ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe: Giới thiệu và kết nối tiềm năng Đổi mới, sáng tạo” diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn là dịp để các nhà khoa học, y bác sĩ trao đổi, thảo luận đa phương về những giải pháp cho các thách thức trong ngành Y tế hiện tại và tương lai, hướng tới xây dựng xu thế chăm sóc sức khỏe đổi mới, hiện đại, linh hoạt và bền vững.
Khoa học công nghệ – Mắt xích quan trọng trong Đổi mới, sáng tạo ngành Y tế
Trong những năm qua, ngành Y tế đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ có vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Để tiếp tục đẩy mạnh, cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoài các giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, một trong những giải pháp có tính đột phá là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế.
“Diễn đàn ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe: Giới thiệu và kết nối tiềm năng Đổi mới, sáng tạo” lần này là cơ hội cho các nhà khoa học, bác sĩ, người làm trong ngành y và tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam cũng như nước ngoài cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, để hình thành nhiều dự án, sản phẩm ứng dụng KHCN, trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, GS.TS Trần Văn Thuấn – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Đổi mới y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức, cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, luôn biến động theo sự phát triển của xã hội và mô hình bệnh tật. Từ đó nâng cao chất lượng tất cả các khâu từ chăm sóc ban đầu, dự phòng, khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế. Một số khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo trong y tế hiện nay là: đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, dự đoán xu hướng dịch bệnh qua phân tích dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, y học từ xa.
Diễn đàn có 17 báo cáo của những nhà hoạch định chính sách y tế, nhà quản lý, nhà khoa học, y bác sĩ, đến từ nhiều bệnh viện, viện, trường đại học trên cả nước về các vấn đề như: vai trò đổi mới sáng tạo của các mô hình telehealth; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều tri, y tế công cộng và y học dự phòng.
Bệnh viện Nhi Trung ương nỗ lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phục vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam
Tham dự chương trình, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có bài báo cáo ấn tượng với chủ đề: Chương trình ECHO-Pediatrics Bệnh viện Nhi Trung ương trong chiến lược xây dựng cộng đồng thực hành Nhi khoa hướng tới chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam.
Trình bày bài báo cáo, TS.BS Lê Hồng Nhung – Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đối với chúng tôi khi khoác trên vai trách nhiệm là người thầy thuốc, tự hào và vinh dự khi được cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, và bằng ứng dụng công nghệ thông tin, việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật Nhi khoa đã không còn trở ngại đối với các vùng sâu, vùng xa, tiết kiệm các nguồn lực cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Đây là điều mà Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như đội ngũ chuyên môn thực hiện chương trình cảm thấy tự tin về tính khả thi và bền vững của chương trình ECHO-Pediatrics sau gần 5 năm thực hiện.”
Theo đó, Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế, được phân công phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên khoa Nhi cho 28 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc.
Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hợp tác với Viện đào tạo ECHO, trường ĐH New Mexico trong dự án Project ECHO (Extension Community healthcare outcomes). Đây là một dự án hướng tới cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Hiện nay có 195 quốc gia, 6 Châu lục với gần 1000 hub và superhubs (trung tâm hay siêu trung tâm học thuật) tham gia, sử dụng mô hình tele-ECHO.
Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương vinh dự trở thành hub thứ 589 và năm 2022 trở thành superhub thứ 33 của project ECHO. Với những cam kết hướng tới cải thiện sức khỏe trẻ em cho mạng lưới y tế tại 28 tỉnh miền Bắc và hỗ trợ đào tạo về công nghệ iECHO, mô hình ECHO cho các đơn vị y tế trong Đông Nam Á mong muốn trở thành hub của mạng lưới ECHO toàn cầu.
Bệnh viện đã ứng dụng mô hình tele-ECHO trong việc đào tạo, nâng cao năng lực khám chữa bệnh Nhi khoa vào các đề án Bệnh viện vệ tinh 2019-2020 và đặc biệt đề án Khám chữa bệnh từ xa với nhiều chuyên khoa như: Sơ sinh, Tim mạch, Hô hấp, Truyền nhiễm, Ngoại khoa, Cấp cứu hồi sức, Thận – Tiết niệu, Ung thư, Chẩn đoán hình ảnh,…
Nhờ các chương trình đào tạo theo mô hình ECHO, kèm các video mô phỏng kỹ thuật và thủ thuật trực quan, Bệnh viện đã đào tạo trung bình 200 bác sĩ mỗi khóa học. Sau 5 năm, đào tạo cho trung bình 6.000 các bác sĩ tuyến cơ sở và tuyến cơ bản, từ đó xây dựng mạng lưới học tập Nhi khoa trong 28 tỉnh thành, ước tính khoảng 180.000 trẻ em/1 ngày, khoảng 60 triệu trẻ em/1 năm được khám bệnh với tiêu chuẩn và chất lượng bác sĩ Nhi khoa được chuyển giao từ Bệnh viện Nhi Trung ương.
Năm 2022 và 2023, Bệnh viện phối hợp Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em biên soạn tài liệu khám, sàng lọc sức khỏe trẻ em dưới 24 tháng, tổ chức đào tạo đội ngũ TOT cho 50 tỉnh thành trong cả nước với tổng cộng 250 giảng viên tuyến tỉnh được đào tạo.
Mô hình đào tạo ECHO cũng đã được tích hợp trong đề án “Nâng cao năng lực khám chữa bệnh Nhi khoa cho 7 tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2023-2025” của Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe quốc gia theo chỉ đạo từ Bộ Y tế.
Với những kết quả triển khai sau 5 năm và những kế hoạch trong những năm tiếp theo, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục áp dụng mô hình ECHO trong hệ thống Nhi khoa; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đội ngũ kỹ thuật cho mạng lưới quốc gia để cùng chung tay với ngành Y tế trong vấn đề dự phòng, sàng lọc, quản lý các bệnh mạn tính như Ung thư, Tim mạch, Tự kỷ… ngay tại cộng đồng. Đồng thời, nghiên cứu các ứng dụng AI kết hợp với mô hình nhằm sàng lọc và tiên lượng các yếu tố nguy cơ đe dọa tính mạng tại cộng đồng; mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi chuyên gia trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới cải thiện và chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam.
Nhận định chuyển đổi số là yếu tố tác động mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích cho công tác chăm sóc sức khỏe ở nhiều mặt khác nhau, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn chú trọng đổi mới sáng tạo, áp dụng KHCN trong khám, chữa bệnh nhiều năm qua. Trong tương lai, Bệnh viện sẽ tiếp tục tiên phong, chủ động chuyển đổi số với kỳ vọng sẽ phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe thuận lợi cho trẻ em, linh hoạt, hiệu quả và bền vững hơn.
Một số hình ảnh ấn tượng tại chương trình
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Trần Việt