(Dân trí) - Vắc xin bại liệt uống 2 týp sẽ được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ tháng 6/2016. Đến 2018 sẽ có vắc xin bại liệt tiêm và vắc xin phòng chống tiêu chảy do vi rút Rota sẽ được đưa vào TCMR.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến vắc xin bại liệt uống 2 týp sẽ được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ tháng 6/2016. Đến 2018 sẽ có vắc xin bại liệt tiêm và vắc xin phòng chống tiêu chảy do vi rút Rota sẽ được đưa vào TCMR.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay, vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật bản B, vắc xin sởi –rubella đã được đưa vào TCMR.
Bên cạnh đó nhiều loại vắc xin dịch vụ cũng được bổ sung để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân. Hiện đã có gần 30 loại vắc xin đã được sử dụng tại Việt Nam dưới hình thức tiêm dịch vụ và Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu để đưa vắc xin mới vào sử dụng như vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc xin phòng bệnh cúm A (H5N1).
TS Phu cho biết thêm, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng cũng sẽ được đẩy mạnh. Từ thí điểm tại Bắc Ninh vào tháng 8/2015 và mới đây là Hà Nội, tiếp theo sẽ là Tp.HCM và Đà Nẵng… và sẽ nhân rộng trên phạm vi cả nước theo lộ trình với 63 tỉnh, thành phố, trên 700 quận, huyện với khoảng trên 11.000 xã, phường, thị trấn bao gồm gần 12.000 điểm tiêm chủng. Với phần mềm này mỗi người khi tiêm chủng sẽ được theo dõi việc tiêm chủng suốt đời dù tiêm chủng loại vắc xin gì, tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ, tiêm bất kỳ ở đâu thông qua mã số ID. Theo đó, phần mềm này không chỉ giúp cán bộ tiêm chủng nắm được tình hình tiêm chủng mà còn giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của mình và người thân, từ đó, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đạt hiệu quả cao.
Hồng Hải