Trang chủ » Đào tạo » Thông tư 08/1999-TT-BYT – Hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ

Thông tư 08/1999-TT-BYT – Hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 08/1999-TT-BYT NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN PHÒNG VÀ CẤP CỨU SỐC PHẢN VỆ

Hiện nay công nghiệp hoá chất, dược phẩm và thực phẩm ngày càng phát triển. Các phản ứng miễn dịch và dị ứng ngày càng nhiều, đặc biệt là sốc phản vệ đã gây nhiều trường hợp từ vong đáng tiếc. Trong lĩnh vực y tế, nhiều loại thuốc đưa vào cơ thể bằng bất cứ đường nào đều có thể gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong, đặc biệt một số thuốc thường gặp như: Penicillin, streptomycin, thuốc cản quang có iod và một số thuốc gây tê, gây mê. Ở người có cơ địa dị ứng, sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi mới dùng thuốc lần đầu, hoặc sau khi dùng thuốc vài ba lần. Một người đã làm test nội bì với kết quả âm tính vẫn có thể bị sốc phản vệ khi dùng thuốc đó trong những lần dùng tiếp theo. Đó là những khó khăn của y học mà thầy thuốc, người bệnh, gia đình và mọi người cần biết.

Tuy nhiên các tai biến và tử vong do sốc phản vệ có thể giảm đi khi thầy thuốc có đầy đủ kiến thức về sốc phản vệ, khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh: chỉ định thuốc thận trọng, đặc biệt luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu sốc phản vệ.

Để phòng ngừa và giảm tối thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ gây ra, Bộ Y tế hướng dẫn các thầy thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước, tư nhân, các cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các yêu cầu sau:

1. Khi khám bệnh, thầy thuốc phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng (theo quy định tại phụ lục số 1) của người bệnh như: hen phế quản, chàm, mẩn ngứa, phù Quincke… các dị nguyên như thuốc, thức ăn, côn trùng… gây ra dị ứng và sốc phản vệ.

2. Thầy thuốc phải khai thác triệt để tiền sử dị ứng, ghi vào bệnh án hoặc sổ khám bệnh những thông tin khai thác được về tiền sử dị ứng của người bệnh. Khi phát hiện người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ với một loại thuốc gì, thì thầy thuốc phải cấp cho người bệnh một phiếu (theo quy định tại phụ lục số 2) ghi rõ các thuốc gây dị ứng và nhắc người bệnh đưa phiếu này cho thầy thuốc mỗi khi khám chữa bệnh.

3. Với các thuốc thông thường như Vitamin B1, Vitamin B6, Vitamin C…. thì nên cho uống, trừ trường hợp thật cần thiết phải tiêm. Thí dụ: trong suy tim cấp do thiếu vitamin B1 thì phải tiêm Vitamin B1.

4. Không được dùng các thuốc đã gây dị ứng và sốc phản vệ cho người bệnh.

Trường hợp đặc biệt cần dùng các thuốc này thì phải hội chẩn để thống nhất chỉ định và được sự đồng ý của người bệnh, gia đình người bệnh bằng văn bản, có biện pháp tích cực để phòng ngừa sốc phản vệ.

5. Phải chú ý theo dõi người bệnh khi sử dụng các thuốc dễ gây dị ứng (danh mục thuốc dễ gây dị ứng tại phụ lục số 3)

6. Về việc làm test (thử phản ứng)

a. Trước khi tiêm penicillin, streptomycin phải làm test cho người bệnh.

b. Kỹ thuật làm test

Làm test lẩy da hoặc làm test trong da, khuyến khích làm test lẩy da vì dễ làm.

Việc làm test phải theo đúng quy định kỹ thuật (theo quy định tại phụ lục số 4)

c. Khi làm test phải có sẵn các phương tiện cấp cứu sốc phản vệ

7. Tại các phòng khám, buồng điều trị và nơi có dùng thuốc phải có sẵn một hộp thuốc chống sốc phản vệ (quy định tại phụ lục 5).

8. Các thầy thuốc, y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh cần nắm vững kiến thức và thực hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ cấp cứu ban hành theo Thông tư này (Phụ lục 6)

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Nhận được Thông tư này Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, y tế các ngành, Cục Quân y Bộ Quốc phòng, Cục Y tế Bộ Công an, các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, tư nhân, các cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc gì, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ảnh ý kiến về Bộ Y Tế (Vụ Điều trị) 138A Giảng Võ, Hà Nội. ĐT:(04)8460157; Fax: (04)8460966) để nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp.

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

Quý khách vui lòng xem đầy đủ thông tư và phụ lục Tại đây: Thong tu 08 ve Cap cuu soc phan ve.doc



Chuyên mục: Đào tạo

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em