Trang chủ » Hợp tác quốc tế » Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam hỗ trợ Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam hỗ trợ Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm

Để đánh giá tình hình các bệnh truyền nhiễm, chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như những kinh nghiệm trong công tác phòng chống, điều trị các bệnh truyền nhiễm, Đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đến thăm quan và làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 26/10 vừa qua.

Tham dự buổi làm việc có Tiến sĩ Tamano Matsui, Giám đốc chương trình, Văn phòng khu vực của WHO, BS Đỗ Hồng Hiền: chuyên gia dịch tễ học, trưởng nhóm tích cực, Đội cấp cứu Y tế (WHE), WHO. BS Vũ Quang Hiếu, BS Phùng Kim Quang và BS Đỗ Thị Bích Ngọc – WHE / WHO.

Về phía Bệnh viện Nhi Trung ương có sự tham gia của PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện, TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện và các lãnh đạo Khoa Điều trị tích cực, Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Khoa Vi sinh,…

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERS-CoV, H7N9,… và các bệnh dịch tái bùng phát như H5N1, H1N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng, than, sởi, bạch hầu,… Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các tổ chức y tế quốc tế, tăng cường năng lực giám sát, đánh giá và đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, Việt Nam nói chung và Bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng đã có những kinh nghiệm đáp ứng với những dịch bệnh truyền nhiễm, phát huy được vai trò tích cực trong việc góp phần ngăn chặn không để dịch bệnh nguy hiểm lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, đoàn công tác lần này rất mong muốn được nghe những chia sẻ của Bệnh viện Nhi Trung ương trong hoạt động phát hiện, kiểm soát và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm; cũng như những khó khăn, vướng mắc của Bệnh viện trong việc đối phó với bệnh để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam có những phương án hỗ trợ kịp thời.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tại buổi làm việc

Chia sẻ về việc ứng phó với các bệnh truyền nhiễm “dồn dập” và có xu hướng tăng cao trong thời gian vừa rồi. PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất rất mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng có những khuyến cáo đến người dân. Đối với Cúm, chúng tôi cũng đã gửi một số mẫu cúm của Việt Nam sang nước ngoài, dựa trên nguồn gen để xem xét xem vắc xin có phù hợp với cúm ở Việt Nam không để có phương án điều chỉnh. Chiến lược cúm để bền vững vẫn cần kết hợp với chiến lược tiêm vắc xin trong cộng đồng. Đồng thời Bệnh viện cũng liên tục cập nhật các mô hình bệnh thay đổi để có phác đồ phù hợp”.

Về COVID– 19, chiến lược kiểm soát được Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện cả trong và ngoài bệnh viện, duy trì sàng lọc, cách ly thật tốt. Chia thành các nhóm bệnh nhân có thể điều trị tại nhà và những bệnh nhân cần điều trị tại Bệnh viện. Dành riêng khu vực điều trị cho các bệnh nhi có bệnh nền đang điều trị nội trú trong Bệnh viện. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng rất quan tâm đến hậu COVID-19 ở trẻ, bệnh học của hậu Covid-19 trong đó có hội chứng MIS-C vẫn là một trong những bài toán khá khó khăn cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa.

Tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có các tiêu chuẩn xét nghiệm chẩn đoán, để bác sĩ có những chỉ định phù hợp, hướng đến kiểm soát, điều trị dịch bệnh hiệu quả trên cơ sở tránh lãng phí nguồn lực. – PGS. TS Trần Minh Điển cho biết thêm.

PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Trong nội dung chính của chương trình trao đổi hợp tác lần này, TS. BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Nhi Trung ương và TS. BS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em; Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có báo cáo chi tiết về tình hình Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương: quản lý lâm sàng, xem xét dữ liệu (lứa tuổi thường gặp, tỉ lệ mắc qua từng thời kỳ, tỉ lệ tử vong, nhập viện, mức độ nghiêm trọng) bao gồm cả bệnh nhân ngoại trú và nội trú từ năm 2018 đến nay. Cũng như các biện pháp ứng phó, nghiên cứu mô hình bệnh, xây dựng phác đồ điều trị Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS. BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Nhi Trung ương

TS. BS Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em; Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương

Qua đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam rất đồng tình, ủng hộ với phương án và quy trình giám sát bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Trung ương và cam kết sẽ có những hỗ trợ Bệnh viện trong thời gian tới nhằm tăng cường giám sát, chuẩn bị năng lực chẩn đoán, điều trị để đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm. Tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống; truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Trà My – Phòng Thông tin điện tử

Ảnh: Lê Hiếu

Chuyên mục: Hợp tác quốc tế

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em