Trang chủ » Hợp tác quốc tế » Tuyên bố Tokyo về An toàn người bệnh

Tuyên bố Tokyo về An toàn người bệnh

Bản tuyên bố do Nhật Bản, Đức, và Vương quốc Anh đề xuất và nhận được sự đồng thuận từ các nước (Australia, Brunei Darussalam, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hi Lạp, Indonesia, Lithuania, Luxembourg, Mongolia, Oman, Ba Lan, Qatar, Nam Phi, Sri Lanka, Slovakia, Thụy Sĩ, Việt Nam, Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ủy Ban Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Thế giời, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ an toàn người bệnh và Hội Y khoa thế giới).

Tuyên bố Tokyo về an toàn người bệnh được xây dựng dựa trên các chính sách được đưa ra trong nghị quyết của Tổ chức Y tế Thế giới số WHA55.18 (2002), trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên “dành sự quan tâm cao nhất có thể để cải thiện vấn đề an toàn người bệnh đồng thời thiết lập, đẩy mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe tiến tới nâng cao an toàn người bệnh và chất lượng chăm sóc y tế”.

Hơn 450 thành viên là đại biểu cấp cao đến từ Bộ Y tế của 42 quốc gia và các tổ chức trên toàn cầu đã tham dự hội nghị Bộ trưởng thế giới về an toàn người bệnh  ngày 13 – 14 tháng 4 năm 2018 tại Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Đức, Vương quốc Anh và tổ chức Y tế Thế giới. Các vấn đề được thảo luận trong hội nghị do Vương quốc Anh và cộng hòa Liên bang Đức soạn thảo và sắp xếp.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về an toàn người bệnh tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: moh.gov.vn)

Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng lãnh đạo từ các nước, tranh thủ sự ủng hộ về chính trị ở cấp cao nhất của chính phủ. Hội nghị đã đưa ra các vấn đề khó khăn và những thử thách trong an toàn người bệnh không chỉ trên thế giới mà còn tại từng quốc gia. Hội nghị khẳng định cam kết đến trước năm 2030 sẽ cải thiện được vấn đề an toàn người bệnh nhằm giảm thiểu tất cả các nguy cơ có thể có và các rủi ro cho bệnh nhân khi tiếp cận dịch vụ y tế không phân biệt họ là ai, sống ở đâu. Tuyên bố Tokyo được phát biểu như sau:

Công nhận dịch vụ y tế không an toàn và những nguy hại có thể tránh được cho bệnh nhân là một thách thức lớn với y tế toàn cầu. Điều đó thể hiện qua: nhiều người bệnh vẫn phải gánh chịu rủi ro từ các sự cố y khoa, gánh nặng lớn lên tài chính y tế và sự thiếu niềm tin của người dân vào hệ thống y tế và chính phủ;

Công nhận nhu cầu cần thiết phải nâng cao và thực hiện chiến lược an toàn người bệnh như là một yêu cầu cơ bản đầu tiên cho mọi dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến khám chữa bệnh và tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe;

Công nhận an toàn người bệnh là một trong những yếu tố quan trọng trong chăm sóc sức khỏe y tế, một yếu tố tối thiết để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs); cần thiết lập hệ thống an toàn người bệnh và thực hành an toàn người bệnh ở tất cả các quốc gia như một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên một cơ sở bền vững;

An toàn người bệnh cần được quan tâm trên toàn cầu không chỉ trong điều trị các bệnh cấp tính mà còn ở các bênh mãn tính bao gồm chăm sóc ban đầu, chăm sóc toàn diện tại cộng đồng và chăm sóc tại nhà kết hợp với phương pháp lấy người bệnh làm trung tâm.

Công nhận người già là đối tượng dễ gặp tổn thương trong các sự cố y khoa và xã hội cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng này ở tất cả các tuyến khám bệnh và các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng;

Đề cao vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông từ việc thu thập dữ liệu và giám sát đến kiểm tra và thông báo, tiên lượng các nguy cơ, cải thiện dịch vụ y tế và chất lượng an toàn người bệnh;

Công nhận mặc dù hệ thống chăm sóc y tế có thể khác nhau giữa các nước, song nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn đến an toàn người bệnh đều xuất phát từ các nguyên nhân giống nhau và thường có cách giải quyết tương tự nhau; vì vậy cần có sự phối hợp giữa các quốc gia và các cơ sở y tế trong chia sẻ thông tin và học hỏi lẫn nhau từ các sự vụ liên quan đến an toàn người bệnh và thực hành an toàn người bệnh;

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống đo lường an toàn người bệnh ở mọi cơ sở y tế, bao gồm cả ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu;

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo liên tục và huấn luyện đội ngũ nhân viên y tế nhằm phát triển lực lượng nhân viên y tế vững mạnh, tài năng – đội ngũ nhân viên y tế cần môi trường làm việc phù hợp để đảm bảo an toàn người bệnh.

Công nhận vai trò tham gia của người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình chăm sóc sức khỏe ở mọi lĩnh vực y tế – phát triển chính sách, mức độ tổ chức, đưa ra quyết định, kiến thức hiểu biết về y tế, kỹ năng tự chăm sóc.

Mặc dù các quốc gia đã nỗ lực thực hiện song các bước tiến tới bảo đảm an toàn người bệnh vẫn đang được thực hiện rất chậm, vì vậy chúng tôi mong chờ cam kết mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh tiến độ hướng tới cải thiện an toàn người bệnh trên toàn cầu.

Chúng tôi cam kết:

Cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì động lực chính trị về “Hành động toàn cầu về an toàn người bênh” tại các quốc gia trên toàn thế giới, làm việc cụ thể với từng quốc gia, bao gồm cả các nước có thu nhập thấp và trung bình nhằm đẩy mạnh khả năng thông qua hợp tác và học hỏi, ưu tiên an toàn người bệnh trong chính sách và các chương trình y tế tiến tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân;

Cam kết hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, từ tuyến chăm sóc y tế ban đầu đến tuyến cao nhất nhằm thực hiện cải tiến trong hệ thống và thực hành nâng cao an toàn người bệnh, hướng tới đạt được các mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và mục tiêu phát triển bền vững của liên hợp quốc;

Cam kết xây dựng năng lực lãnh đạo và quản lý nhằm hỗ trợ mục tiêu chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, thực hiện và đẩy mạnh hệ thống và các quy trình an toàn người bênh, tạo một môi trường an toàn và minh bạch, khích lệ đồng đều, giáo dục và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế về an toàn người bệnh, khuyến khích sự tham gia của bệnh nhân và gia đình, tăng hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ  rủi ro qua việc chia sẻ kiến thức, phương pháp thực hành tốt nhất và cách điều trị tối ưu;

Phối hợp cùng người bệnh và gia đình người bệnh, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan nhằm tăng tính rõ ràng, minh bạch và làm việc hướng tới hành động toàn cầu về an toàn người bệnh, trong đó lấy ngày 17 tháng 9 hàng năm là Ngày An Toàn Người Bệnh Thế giới.

Chuyên mục: Hợp tác quốc tế

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em