Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh cho trẻ em

Ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh cho trẻ em

Những năm gần đây, khi các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch được khống chế, đẩy lùi thì các căn bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, thận) có chiều hướng gia tăng.

Trong thành tựu chung của nền y học nước nhà, có bước phát triển đáng khích lệ của các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực nhi khoa, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, ngành nhi còn không ít khó khăn, bất cập cần giải quyết…

Bên hành lang phòng hồi sức tích cực, khoa ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư), có hàng chục ông bố, bà mẹ và người thân nét mặt phấn khởi lẫn lo âu đang chờ đến giờ được vào thăm con, cháu theo quy định của bệnh viện. Tôi đến gần một phụ nữ gầy, có gương mặt mất ngủ. Chị là Bùi Thị Thoa (bác của bệnh nhi Bùi Anh Thái), quê ở Quảng Ninh. Chị Thoa cho biết: Mẹ cháu làm ở Công ty cổ phần Than Vàng Danh, phải vào mổ đẻ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau khi ra khỏi bụng mẹ được khoảng hai giờ, cơ thể cháu tím tái. Thấy hiện tượng không bình thường, bệnh viện giới thiệu chuyển cháu lên tuyến trên để điều trị. Các thầy thuốc ở bệnh viện Nhi T.Ư tiến hành các xét nghiệm, hội chẩn và quyết định mổ, dù cháu Bùi Anh Thái mới được hai ngày tuổi, do cháu bị teo động mạch phổi, và nếu không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Ca mổ kéo dài hơn ba giờ đồng hồ, do bác sĩ khoa ngoại Nguyễn Thành Công mổ chính. Bốn ngày sau cháu Thái đã có thể tự thở và sức khỏe khá dần lên. Trò chuyện với tôi, chị Bùi Thị Thoa nhắc đi nhắc lại mấy lần: Nhờ anh chuyển lời cảm ơn của gia đình tới bác sĩ Công và kíp mổ, vì tìm gặp được các thầy thuốc là rất khó.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, tiến sĩ Phạm Hữu Hòa, Chủ nhiệm Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết: Phẫu thuật tim và can thiệp tim mạch là các kỹ thuật chuyên sâu đã được ứng dụng ở người lớn khá lâu, nhưng với trẻ em thì mới phát triển khoảng năm, bảy năm trở lại đây và thực hiện chủ yếu ở các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Nhi T.Ư. Tùy bệnh lý mà người bệnh được chỉ định mổ hay can thiệp. Thường thì các dị tật như hẹp van hai lá, hẹp eo động mạch chủ, động mạch phổi, sẽ được thầy thuốc sử dụng phương pháp thông tim can thiệp. Bằng kỹ thuật này, từ năm 2005 đến nay, Bệnh viện Nhi T.Ư đã can thiệp và điều trị có hiệu quả cho gần 2.500 trường hợp. Riêng phẫu thuật các dị tật tim bẩm sinh cũng có hai loại: phẫu thuật tim kín và phẫu thuật tim hở. Phương pháp mổ kín được áp dụng cho những trường hợp mắc dị tật ngoài tim, còn mổ tim hở là kỹ thuật phức tạp hơn nhiều. Hơn sáu năm triển khai phẫu thuật tim hở, đến nay bệnh viện đã mổ được gần 800 ca. Ðáng chú ý, trong đó có hàng trăm trường hợp cân nặng dưới 5 kg và hàng chục cháu mắc các bệnh phức tạp như teo động mạch phổi, đảo gốc động mạch…

Phẫu thuật nội soi nói chung, trong đó có phẫu thuật nội soi ở ngành nhi nói riêng được chuyển giao vào nước ta cách đây gần 15 năm. Bệnh viện Nhi T.Ư là nơi sớm triển khai ứng dụng kỹ thuật cao này vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Anh hùng Lao động, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nội soi tâm sự: Thời kỳ đầu mới triển khai, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhưng đến nay, ngành nhi nói chung, Bệnh viện Nhi T.Ư nói riêng đã từng bước làm chủ và đạt được một số thành tựu đáng kể về mổ nội soi cho trẻ em so với khu vực và thế giới. Bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca với gần 30 bệnh khác nhau. Không ít trường hợp các cháu nhỏ mắc những căn bệnh hiểm nghèo thế giới ít gặp, như viêm mủ màng tim, u nang ống mật chủ, cường insulin… đã được GS Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự cứu sống bằng ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi cắt màng ngoài tim rộng rãi, hay cắt 95% tụy để điều trị có hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, một số bác sĩ ở Thái-lan, I-ta-li-a, Ðài Loan (Trung Quốc), Thụy Ðiển… đã tìm đến Việt Nam để học hỏi các kỹ thuật mổ khó của GS Liêm. Cũng từ những thành công này, GS Liêm và một số thầy thuốc có “bàn tay vàng” của Bệnh viện Nhi T.Ư đã được mời dự và trình bày báo cáo khoa học tại hàng chục hội nghị nhi khoa quốc tế ở Pháp, Mỹ, Xin-ga-po… (Riêng GS Liêm có 30 công trình được đăng tải trên các tạp chí nhi khoa quốc tế). Trong lần đến thăm Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thanh Liêm nhân dịp đón Xuân Canh Dần, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu ngành y tế cần quảng bá và phát triển sâu rộng việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu, nhằm làm tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những thành tựu mà ngành nhi khoa thời gian qua đạt được là đáng khích lệ, song hiện tại và phía trước còn không ít khó khăn, bất cập cần tìm cách tháo gỡ, giải quyết cả từ phía Nhà nước và toàn xã hội. Tình trạng quá tải lớn trong các cơ sở khám, chữa bệnh cho trẻ em vẫn là “điệp khúc” chưa có hồi kết. Tuy thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi T.Ư được sự trợ giúp của các tổ chức trong và ngoài nước đã xây dựng thêm được khu truyền nhiễm, khu điều trị theo yêu cầu và một số công trình khác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của “khách hàng nhỏ tuổi”. Vẫn còn hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh về tim mạch, thận, gan và nhiều bệnh hiểm nghèo khác đang “xếp hàng” chờ được điều trị. GS Liêm và các thầy thuốc ngành nhi mong ước nếu thành lập được các trung tâm tim mạch, trung tâm nội soi cho trẻ em, sẽ sớm góp phần giúp nhiều em được trở lại cuộc sống bình thường. Lĩnh vực ghép tạng, nhất là ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy của ngành nhi, nhưng đến nay chúng ta làm được còn quá ít. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chính là thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các cơ sở ghép tạng trong cả nước. Nhất là nguồn cho, hiến tạng thiếu trầm trọng mặc dù Luật Ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có hiệu lực cách đây ba, bốn năm. Một số kỹ thuật chuyên sâu đặc biệt như ghép gan, ghép tế bào gốc cho trẻ nhỏ ở ta đã làm nhưng mới dừng lại ở thử nghiệm.

Muốn có bước phát triển mới, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực tìm tòi của người thầy thuốc, sự quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật của Nhà nước cho các trung tâm nhi khoa. Chi phí cho một ca mổ tim, hay ghép tạng ở trẻ em là khá lớn (ít cũng hơn 30 triệu đồng, nhiều thì lên tới 500 – 600 triệu đồng), trong khi phần lớn bệnh nhi có hoàn cảnh nghèo, đặc biệt khó khăn. Theo các chuyên gia ngành y tế, số bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo chỉ được “thu hẹp” một khi chúng ta có chính sách bảo hiểm y tế phù hợp, tích cực (hiện một số thuốc, dụng cụ tiêu hao thuộc kỹ thuật cao chưa được đưa vào trong danh mục bảo hiểm chi trả). Củng cố và phát triển mạng lưới nhi khoa, đưa các kỹ thuật mới về phục vụ khám, chữa bệnh cho trẻ em vùng sâu, vùng xa cũng là cách hạn chế tình trạng “quá tải” ở tuyến trên, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, trẻ em nói riêng.

Theo Nhân dân

Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em