Vì một thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh – Sứ mệnh và những câu chuyện của những người thầy thuốc Nhi khoa

          Nghề Y là một nghề đặc biệt cao quý bởi nó gắn liền với tính mạng của con người. Đối với người thầy thuốc Nhi khoa lại càng đặc biệt hơn, bởi họ chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước. Là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối, trực thuộc Bộ Y tế, trải qua gần 55 năm hình thành và phát triển, vượt qua tất cả khó khăn, bằng ý chí, nghị lực và tinh thần đoàn kết, lớp lớp thế hệ tập thể thầy thuốc của Bệnh viện đã chung tay xây dựng thương hiệu Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành thân quen với nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế.

    Bệnh viện Nhi Trung ương hiện có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên y tế, người lao động. Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đồng nghiệp đi trước, họ đang ngày đêm thầm lặng viết nên những câu chuyện nghề của riêng mình, góp phần tô đẹp cho nghề Y cao quý mà họ đã lựa chọn cống hiến.

    Nhân dịp kỷ niệm 69 năm thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2024) hãy cùng lắng nghe những câu chuyện nghề của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương, những người đã và đang cống hiến để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam.

ThS.BS Trần Quang Vịnh – Khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch

    Giai đoạn đầu mới bước chân vào nghề, tôi đã tự hỏi không biết mình có phù hợp với chuyên ngành phẫu thuật tim mạch Nhi khoa hay không vì chuyên ngành này rất khó, đòi hỏi rất cao, thời gian đào tạo, học tập để có thể đảm nhiệm vị trí phẫu thuật viên chính cũng rất lâu và phải không ngừng học tập suốt đời nữa. Nhưng tới thời điểm hiện tại tôi thấy mình đã lựa chọn đúng và thật may mắn, hạnh phúc khi được công tác tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương.

    Qua 12 năm, được trưởng thành nơi có nhiều người thầy, người anh giỏi nghề đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong chuyên môn để phát triển, học tập và tiến hành được các ca phẫu thuật.

    “Giây phút tim em bé trước đó ngừng đập và đập trở lại tới bây giờ khi nhắc lại mình cảm thấy sởn da gà vì giây phút đó rất kỳ diệu và tôi cảm thấy thật may mắn khi được làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch Nhi khoa. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ công sức của mình trong những ca mổ thành công đó. Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục trau dồi hơn nữa kiến thức, kỹ năng của bản thân để nâng cao hơn nữa chất lượng phẫu thuật cũng như chất lượng điều trị tim bẩm sinh nói chung”.

ThS.BS Trịnh Thị Phong – Khoa Cấp cứu và Chống độc

   Chúng tôi gặp bác sĩ Trịnh Thị Phong – Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vào một buổi chiều khi chị đang chuẩn bị ra trực để lắng nghe những câu chuyện chưa từng kể của thầy thuốc Nhi khoa. Tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện trên môi, bác sĩ Phong chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2012 và đã gắn bó với khoa Cấp cứu và Chống độc từ ngày mới ra trường. Công việc tại khoa cấp cứu ai đã trải qua cũng đều thấy là khá vất vả, nhiều biến động, có thể có từ 3 đến 4 bệnh nhi vào cùng một lúc trong tình trạng rất nặng, nên lúc nào chúng tôi cũng phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng để xử trí các tình huống.

Trải qua 11 năm gắn bó với nghề, tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng bệnh nhi và gia đình người bệnh và tôi luôn tự hứa với lòng mình, phải coi những bệnh nhi mà mình điều trị như con để cố gắng hết sức.

Cách đây không lâu, chúng tôi đã có một ngày trực rất căng thẳng để cấp cứu cho 7 bệnh nhân nặng. Nguy kịch nhất là một cháu bé 14 tuổi, bị tai nạn giao thông gây đa chấn thương, nguy hiểm nhất là chấn thương tim gây tràn máu màng tim, đè ép tim cấp. Sau khi kích hoạt hệ thống báo động đỏ của bệnh viện, các bác sĩ từ các chuyên khoa khác nhau đều có mặt để cùng chúng tôi hồi sức và phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé. Chúng tôi đã có một ngày trực quên ăn mà vẫn thấy ấm lòng vì niềm thương cảm với bệnh nhi và sự đồng lòng, hỗ trợ từ các đồng nghiệp đáng quý,…Chứng kiến cháu bé qua cơn nguy kịch và những nụ cười, tiếng thở phào của gia đình người bệnh, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc!

Nếu cho tôi lựa chọn một lần nữa, tôi vẫn chọn nơi này để gắn bó, bởi tôi yêu quý công việc này, mong được nhìn thấy những những nụ cười trên môi của các em bé và gia đình các em”.

ThS.BS Nguyễn Thị Hoa – Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh

   Gắn bó với Trung tâm Sơ sinh từ năm 2008, ThS.BS Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Khó khăn nhất của việc chăm sóc trẻ sơ sinh là bệnh nhi nhỏ và diễn biến nhanh, việc chăm sóc cần phải rất tỉ mỉ, chính xác và theo sát diễn biến của bệnh nhi, chính vì thế mà đêm trực của các bác sí sơ sinh thường rất vất vả, nhưng khi nhìn thấy những em bé nhỏ hơn cả bàn tay của mình được ổn định ra viện với hạnh phúc vô bờ của bố mẹ thì những vất vả kia dường như tan biến.

   Tôi còn nhớ chiều 30 tết năm 2022, chúng tôi tiếp nhận cấp cứu một em bé sơ sinh bị ngạt, suy đa tạng sau sinh. Trẻ vào viện trong tình trạng ngạt nặng, điều trị bằng liệu pháp hạ thân nhiệt, suy đa tạng, cần lọc máu cấp cứu, rối loạn đông máu, chảy máu phổi rất nặng, rất nhiều bác sĩ phải ở lại đến tối muộn để cấp cứu cho bé…

   Những ngày sau đó, để cứu được bé, tôi và các đồng nghiệp phải sử dụng nhiều biện pháp như lọc máu, hạ thân nhiệt, dùng các thuốc điều trị nhiễm trùng, chăm sóc tỉ mỉ từng bữa ăn, giấc ngủ… để bé tăng cân, phát triển bình thường và đặc biệt là không để lại di chứng nặng nề. Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực em bé đã được cứu sống, khoảnh khắc bố mẹ hạnh phúc đón con về chẳng có niềm vui nào sánh được đối với chúng tôi.

   Sau ra viện, bé có quay lại khám lại. Mỗi lần bé đến, nhìn bé khỏe mạnh, lớn lên từng ngày, những lúc đó, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, hạnh phúc và tự hào với nghề mà mình lựa chọn.”

ĐDCKI Lâm Thị Thanh Huyền – Điều dưỡng trưởng khoa Nhi tổng quát 3, Trung tâm Quốc tế

   Chia sẻ về cơ duyên khi đến với nghề y của mình, chị Huyền hiện là Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi Tổng quát 3, Trung tâm Quốc tế cho biết: “Tôi đến với nghề Điều dưỡng là điều vô cùng đặc biệt vì gia đình, họ hàng của tôi không có ai làm nghề y, thời học sinh phổ thông trong tiềm thức của tôi chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ làm nghề này vì tôi học khối A. Nhưng khi chứng kiến bà nội mà tôi rất mực yêu thương bị bệnh qua đời, tôi đã quyết định chọn nghề Điều dưỡng để có thể chăm sóc những người thân yêu của mình tốt hơn.

   Ngày ấy, sau khi tôi tốt nghiệp trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, tôi hăm hở bước chân vào công việc của một Điều dưỡng viên tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc mới vào nghề chưa có gia đình, nên tôi không thể hình dung hết được tình yêu với con trẻ, nhưng khi đã có gia đình cũng như trong quá trình công tác mình càng ngày càng yêu quý các em hơn.

   Với sự cố gắng của bản thân cùng với sự quan tâm của lãnh đạo, đồng nghiệp, 15 năm gắn bó với công việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi luôn tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, ở bất cứ mọi vị trí, cương vị nào cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao để người bệnh yên tâm điều trị và có những trải nghiệm tốt nhất trong quá trình nằm viện.”

ĐDCKI Hà Thị Thanh Hoa – Điều dưỡng trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn

    Đã làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương 15 năm và gắn bó gần 6 năm tại Phòng Khám, Tư vấn và tiêm chủng của Bệnh viện, điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa không biết mình đã yêu cái nghề này từ bao giờ.

    Chị kể: “Công việc tiêm vắc xin nhằm phòng bệnh, tạo sự an tâm cho mọi người. Hàng ngày, tôi cũng như điều dưỡng khác ở phòng khám và tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện phải hóa thân với những vai trò khác nhau, cũng như đối mặt với áp lực, rủi ro và cảm xúc khác nhau để thực hiện công việc của người điều dưỡng tiêm chủng, để triển khai các mũi vắc xin cần thiết cho trẻ em, đặc biệt là các trẻ sinh non và trẻ có bệnh nền đang khám và điều trị tại Bệnh viện.

    Đối với những trẻ mắc các bệnh lý nền, thường có sức đề kháng kém nếu không được bảo vệ bằng vắc xin sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, diễn tiến bệnh cũng nặng hơn. Chính vì vậy, khi tiêm cho các em bé bệnh lý như vậy, giúp cho các em bé có cơ hội được phòng bệnh thì tôi thấy công việc của mình thật ý nghĩa.”

Kỹ thuật viên Đỗ Hoài Nam – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

    Đã gắn bó với nghề 12 năm, anh Đỗ Hoài Nam chia sẻ: “Là một kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, tôi nhận thức được điều quan trọng nhất trong công việc của mình là từ những kiến thức, kỹ năng chuyên môn kết hợp với công nghệ và máy móc hiện đại để tạo ra những sản phẩm hình ảnh y học có giá trị chẩn đoán cao, chính xác, góp phần vào thành công chung trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ em.

    Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, đội ngũ kỹ thuật viên chúng tôi phải thực hiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trên các bệnh nhi với số lượng hơn 1.000 bệnh nhi mỗi ngày. Từ các kỹ thuật thăm khám thường quy, thủ thuật cho đến các thăm khám kỹ thuật cao. Ngoài áp lực về khối lượng công việc lớn, chúng tôi luôn phải đảm bảo về chất lượng hình ảnh phục vụ chẩn đoán, hạn chế tối đa các sai sót, tai biến, giảm áp lực phải chờ đợi của người bệnh, từ đó hướng tới sự hài lòng của người bệnh cũng như người nhà người bệnh.

    Mặc dù công việc vất vả, nhưng với tinh thần trách nhiệm của một người thầy thuốc, chúng tôi luôn ý thức phải đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu, liên tục phải cập nhật kiến thức mới, rèn luyện, trau dồi kỹ năng chuyên môn. Không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện và cải tiến các quy trình kỹ thuật để phục vụ người bệnh tốt hơn.

    Với niềm tự hào là một thầy thuốc khoác trên mình màu áo Blouse trắng, với tình yêu con trẻ, đội ngũ kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến hết mình, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng hành cùng sự phát triển bệnh viện với tinh thần “Tận tâm – Chất lượng vì sức khỏe Trẻ em Việt Nam.”

Nghề Y là một trong những ngành nghề cao cả, thiêng liêng. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2024, xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các y bác sĩ và đội ngũ những người đang công tác trong ngành y. Chúc cho toàn thể các y bác sĩ và thầy thuốc có thật nhiều sức khỏe, tươi trẻ và luôn say với nghề, giỏi với nghề

Phòng thông tin điện tử – Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em