Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Dị tật bẩm sinh khe hở môi và khe hở vòm miệng

Dị tật bẩm sinh khe hở môi và khe hở vòm miệng

Khe hở môi là dị tật bẩm sinh thường gặp trong bệnh lý vùng hàm mặt. Phẫu thuật tạo hình là phương pháp điều trị duy nhất để phục hồi cấu trúc giải phẫu và chức năng, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Nếu trẻ sinh ra được tư vấn, điều trị đúng đắn, đúng thời điểm thì sẽ không để lại di chứng gì.

1. Nguyên nhân gì khiến trẻ sinh ra đã bị khe hở môi?
1.1. Nguyên nhân bên trong.
– Tình trạng không hoàn chỉnh của tế bào sinh dục.
– 15-20% do di truyền. Những bệnh nhân bị nhiễm xạ, nhiễm chất độc có thể gây đột biến gen tế bào sinh dục truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau.
– Tuổi của người mẹ khi mang thai: có con quá sớm hoặc quá muộn (< 16 tuổi, > 35 tuổi)
1.2. Nguyên nhân bên ngoài.
– Nhiễm trùng: mẹ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn.
– Do tác nhân lý hóa:
+ Nhiễm xạ trước và trong mang thai, chiếu tia X.
+ Nhiễm chất độc hóa học: trong công nghiệp, nông nghiệp (chất độc màu da cam, thuốc trừ sâu…), các thuốc chữa bệnh.
– Chế độ dinh dưỡng và những chấn thương tâm lý.
(Chú ý tới một số người có thai hay bị nôn, ăn uống kém trong 2 – 3 tháng đầu và không nhận đủ các vitamin, đặc biệt là axit folic. Những stress lớn tác động đến thai phụ ).
2. Phân loại:
Có nhiều cách phân loại khác nhau:
– Khe hở môi màng
– Khe hở môi không toàn bộ
– Khe hở môi toàn bộ

3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám và điều trị?
– Trẻ bị khe hở môi cần đưa đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Quá trình chăm sóc và điều trị cần bắt đầu ngay từ khi trẻ ra đời, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, tạo hình thẩm mỹ, răng hàm mặt, chuyên gia ngôn ngữ, chuyên gia tâm lý, cha mẹ và người thân.
4. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị khe hở môi.
– Trước khi phẫu thuật vấn đề khó khăn nhất của bà mẹ là cho con bú. Hầu hết trẻ có khe hở môi không bú mẹ và bú bình sữa thông thường được. Do đó trẻ cần bình sữa chuyên dụng. Sữa ăn có thể là sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức.

Bình sữa medela dành riêng cho trẻ cố khe hở môi vòm miệng

4.1. Hướng dẫn chung trước khi phẫu thuật.
– Trẻ cần được tháo bỏ các loại trang sức, nơ, kẹp tóc… tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ trước khi phẫu thuật.
– Người nhà cần thông báo với nhân viên y tế về tiền sử dị ứng kháng sinh của trẻ và các loại thuốc đang sử dụng. Tuyệt đối không cho trẻ dùng Aspirin hoặc bất cứ thuốc nào có Aspirin trước ca phẫu thuật.
– Trẻ cần dừng ăn và uống hoàn toàn ít nhất 4 – 6 giờ trước phẫu thuật (Nhân viên y tế sẽ thông báo giờ trẻ bắt đầu dừng ăn)
Lưu ý: Để phòng tránh các tai biến có thể xảy ra, cần đảm bảo dạ dày trẻ hoàn toàn rỗng trước khi mổ.
4.2. Hướng dẫn chung sau khi phẫu thuật
– Sau phẫu thuật trẻ có thể rất buồn ngủ. Hãy báo với nhân viên y tế nếu trẻ li bì.
– Cần cho trẻ uống nước lọc hoặc các loại nước hoa quả không thuộc loại cam quýt hoặc nước giải khát có ga ngay sau khi hồi tỉnh hoàn toàn.
– Sau mổ trẻ ăn uống kém: cho trẻ uống sữa nguội bằng cách đổ thìa từng ít một. Ngày thứ hai cho trẻ bú sữa mẹ hoặc đổ thìa. Ngày xuất viện: chuyển sang chế độ bú mẹ/ bú bình theo nhu cầu của trẻ. Sau mỗi lần cho trẻ ăn xong cần cho trẻ tráng miệng bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối NaCl 9‰.
– Sau mổ trẻ đau nhiều. Gia đình cần báo nhân viên y tế để đặt thuốc giảm đau, hạ sốt cho trẻ (theo chỉ định của Bác sĩ).
– Cha mẹ cần rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Không được chạm tay vào môi hoặc miệng trẻ vì có thể làm tổn thương hoặc gây nhiễm trùng vết mổ.
– Không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp chăn dầy làm trẻ bị nóng.

Hình ảnh: Bệnh nhân trước và sau phẫu thuật khe hở môi

– Vệ sinh miệng 2 lần mỗi ngày cho trẻ bằng gạc hoặc nước sạch. Nếu môi trẻ có dính cặn thức ăn, vệ sinh môi thật nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước muối NaCl 9‰.
– Tránh để tất cả các vật sắc nhọn: thìa , dĩa… ở trong hoặc gần miệng trẻ. Không được sử dụng ống hút.
– Bôi một lượng nhỏ thuốc kháng sinh ở vùng phẫu thuật (nếu có chỉ định của Bác sĩ).
Lưu ý:
+ Không dùng mỡ kháng sinh nếu có keo phẫu thuật ở vết mổ.
+ Không cọ sát hoặc bóc các vảy có thể hình thành trên vết mổ.
+ Không được băng hay che vết mổ.
– Sau một tháng: Mát-xa nhẹ nhàng vùng môi của trẻ theo hình vòng tròn 3 lần mỗi ngày.
5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám lại sau phẫu thuật?
– Cho trẻ đi khám lại sau 7 – 10 ngày ra viện hoặc theo lịch hẹn của Bác sĩ.
– Nếu trẻ gặp bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất:
+ Trẻ không uống đủ nước, đi tiểu rất ít hoặc nước tiểu sẫm màu.
+ Tiêu chảy.
+ Nôn mửa nhiều lần.
+ Khó thức dậy khi ngủ.
+ Sốt.
+ Quấy khóc nhiều.
+ Cảm giác đau dai dẳng.
+ Vùng phẫu thuật bị sưng phồng, nóng hoặc kích ứng khó chịu.
+ Có dịch hoặc mủ chảy ra từ vùng phẫu thuật.
+ Chảy máu tại vùng phẫu thuật.

ThSĐD. Mai Thị Hương – Khoa Sọ Mặt và Tạo Hình

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em