Ngày 27/06 Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu kịp thời bé trai 36 ngày tuổi N.T.T.K hôn mê do biến chứng của bệnh lý tiểu đường sơ sinh.
Bé N.T.T.K đã bình phục sau gần 40 tiếng được các bác sĩ cấp cứu kịp thời
Theo lời người nhà, trước ngày nhập viện khoảng 5 ngày, thấy bé K có nhiều biểu hiện bất thường như : sốt cao 39 °C, tiêu chảy ( khoảng 10 lần/ngày), gia đình liền cấp tốc đưa cháu đến bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Tây) để được theo dõi và điều trị. Sau 2 ngày nằm tại bệnh viện huyện và 1 ngày tại Bệnh viện đa khoa Saint Paul, mặc dù đã được các bác sĩ liên tục can thiệp điều trị bằng nhiều biện pháp như hạ sốt, hỗ trợ thở oxy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, song tình trạng sức khỏe của cháu K không cải thiện: bé thở nhanh, li bì và hôn mê. Qua phân tích các biểu hiện bệnh và căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Saint Paul kết luận: bé hôn mê do nhiễm toan xeton, một biến chứng cấp tính thường gặp ở các bệnh nhi bị tiểu đường sơ sinh. Bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng li bì, khó thở, có dấu hiệu mất nước nặng, đường máu cao không thể kiểm soát, trẻ được các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết- chuyển hóa- di truyền tích cực điều trị đặc hiệu bằng truyền insulin nhiều lần trong ngày, truyền dịch, kết hợp giám sát đường huyết chặt chẽ. </span>Qua gần 40 tiếng được bác sĩ tích cực can thiệp, tình trạng sức khỏe của bé T.K đã có những chuyển biến khả quan. Đến ngày 29/06, trẻ đã tỉnh hoàn toàn.
Theo Thạc sĩ-bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc chuyên khoa Nội tiết- chuyển hóa- di truyền: Tiểu đường ở trẻ sơ sinh là một bệnh hiếm gặp thường được phát hiện trong vòng sáu tháng đầu đời của trẻ. Chẩn đoán tiểu đường sơ sinh rất khó vì trẻ mắc bệnh thường biểu hiện triệu chứng không rõ ràng và chỉ được phát hiện ra qua các xét nghiệm đường máu, khí máu hoặc khi bệnh nhi đã rơi vào tình trạng hôn mê. Thêm vào đó, quá trình điều trị bệnh này lại đòi hỏi bệnh nhi phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt. Với những trẻ dưới 3 tháng tuổi như cháu T.K rất khó chích insulin, nhất là liều lượng chích mỗi lần rất ít. Hơn nữa, mô dưới da trẻ nơi chích insulin lại rất mỏng. Quá trình điều trị bệnh tiểu đường sơ sinh cần tránh không để đường huyết của bệnh nhân quá cao hoặc bị hạ đường huyết, nhưng ở trẻ nhỏ biểu hiện duy nhất cho cả hai điều cần tránh này chỉ là tiếng khóc. Trong quá trình điều trị, có giai đoạn các bác sĩ đã phải cấp cứu tình trạng hạ đường huyết của bé K. Bác sĩ Bích Ngọc cũng cho biết: hiện tại, sức khỏe cháu bé đã ổn định , trẻ bú tốt nhưng nếu không được theo dõi đường huyết sát sao , với những diễn biến phức tạp, cháu rất có thể sẽ bị hôn mê trở lại. Hiện các bác sĩ khoa Nội tiết-chuyển hóa- di truyền đang tiến hành điều chỉnh liều dùng insulin để trẻ có thể điều trị ngoại trú.
Bài và ảnh: Lê Mai-KHTH