Trang chủ » Y học thường thức » Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đã ra viện

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đã ra viện

 

              Sau 1 tuần điều trị, cháu P.Đ.D, mắc bệnh tay chân miệng (TCM), nhiễm EV71(loại virus cực độc gây ra bệnh TCM có thể gây biến chứng với biểu hiện viêm màng não hoặc viêm não có thể dẫn tới tử vong), đã khoẻ mạnh ra viện…
Mẹ cháu D, chị Đ.L.T kể lại: Ngày 22/9, cháu D xuất hiện các nốt mẩn đỏ như rôm sảy khắp người nhưng vẫn vui chơi sinh hoạt bình thường. Đến ngày 23/9 thì các nốt phồng rộp có nước nổi khắp lòng bàn tay, chân và miệng. Ngày 24/9, thấy cháu sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, gia đình nghi ngờ cháu lây bệnh TCM từ chị gái (bị bệnh tay chân miệng đã gần khỏi) nên vội vàng cho cháu vào bệnh viện Nhi TƯ.
Bác sĩ Đậu Việt Hùng, khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: bệnh nhi được đưa vào khoa Truyền nhiễm bệnh viện Nhi TƯ trong tình trạng sốt cao liên tục kèm theo nổi ban sẩn đỏ khắp lòng bàn tay, chân, có nốt mụn phỏng nước trong niêm mạc miệng. Các bác sỹ khoa Truyền nhiễm đã khám và chẩn đoán cháu bị bệnh TCM độ 2. Dù đã được các bác sỹ điều trị ngay theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng tình trạng bệnh của bệnh nhi vẫn diễn biến ngày càng nặng, nhịp tim nhanh, suy hô hấp nặng, bị sốc. Cháu D lập tức được đặt nội khí quản và chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu . Với tình trạng suy hô hấp, rối loạn chức năng tim mạch, hôn mê, chup cắt lớp vi tính sọ não thấy có phù não, các bác sỹ khoa HSCC đã cho cháu thở máy, dùng thuốc trợ tim, thuốc chống phù não, hỗ trợ miễn dịch (IVIG), đồng thời tiếp tục điều trị theo đúng phác đồ điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế.
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt dần lên, cháu không còn phải thở máy, dừng uống các thuốc trợ tim, tỉnh táo, nhịp tim dần trở về giới hạn bình thường. Ngày 1/10, cháu D đã khoẻ mạnh, được ra viện.
Bác sỹ Hùng cũng chia sẻ, nguyên nhân khiến bệnh TCM lan nhanh là vì các bậc phụ huynh chưa ý thức được việc vệ sinh môi trường mà trẻ hay tiếp xúc, không hạn chế tiếp xúc với trẻ khác đã mắc bệnh TCM. Do virus gây bệnh TCM có trong dịch từ bóng nước, nước mũi, nước bọt, phân nên nếu những chất này dính ra những nơi như sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà, bồn cầu, bồn rửa mặt… thì một trẻ lành khi tiếp xúc có thể bị lây virus…Bệnh TCM hiện chưa có vắc xin chủng ngừa nên mọi gia đình rất cần lưu ý những phương pháp tiệt trùng để phòng tránh. Còn với những gia đình có trẻ đã nhiễm bệnh, cần xử lý nghiêm ngặt phân và chất thải khác (nôn, chớ, …) của trẻ vì trong đó có virus gây bệnh, cụ thể phải sát trùng bô đi tiểu, bồn cầu, bồn rửa mặt, sàn nhà hoặc bất cứ vật dụng nào có dính phân và chất nôn bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em