Từ tháng 10/2022 đến nay, số ca bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có chiều hướng gia tăng, thời điểm tăng cao nhất là tháng 12 năm 2022 với 1.186 trường hợp, trong đó có 485 trẻ phải nhập viện điều trị. Năm 2022, tổng số ca tiêu chảy do Rotavirus phát hiện tại Bệnh viện là 5.487 trường hợp, tăng gần 2.8 lần so với năm 2021 (1.960 trường hợp). Đặc biệt trong những ngày đầu tiên của năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 417 trẻ mắc tiêu chảy do Rotavirus đến khám và điều trị (nội trú là 146 trường hợp), tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022 (5 trường hợp).
1. Biểu hiện của tiêu chảy cấp do Rotavirus
Tiêu chảy là tình trạng tiêu phân lỏng có nước > 3 lần/ngày. Tiêu chảy cấp rất hay gặp ở trẻ em và là một trong 5 bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển, chủ yếu do mất nước và điện giải. Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân, đa số là siêu vi và thường tự giới hạn trong vòng 5 -7 ngày. Tiêu chảy do Rotavirus là bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện nôn, tiêu chảy, đau bụng, ăn uống kém dẫn đến mất nước, mất các chất điện giải và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Nôn: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6 giờ đến 12 giờ, có thể kéo dài 2 đến ba ngày. Trẻ thường nôn nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy.
- Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước nhưng không có máu. Số lần tiêu chảy tập trung nhiều trong những ngày đầu, sau đó giảm dần và có thể kéo dài từ 3- 9 ngày.
- Trẻ có thể có sốt, ho, chảy mũi, và kèm đau bụng.
- Biến chứng trầm trọng của bệnh là mất nước với các biểu hiện khát nước, môi khô, da khô, tiểu ít, kích thích và quấy khóc.
2. Đường lây truyền bệnh
Người là ổ chứa vi rút Rota duy nhất, với đường lây truyền chủ yếu từ phân – miệng.
Thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày, trung bình 2-3 ngày kể từ khi vi rút xâm nhập vào cơ thể. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài đến 3 tuần, tuy nhiên thường khoảng 7-8 ngày kể từ khi xuất hiện.
Dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, đặc biệt mùa đông và mùa xuân. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm.
3. Khi nào nên đưa trẻ đi khám tại bệnh viện
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Trẻ sinh non, có bệnh mạn tính, hay đang bị nhiều bệnh cùng lúc
- Sốt ≥ 38oC ở trẻ < 3 tháng tuổi; hay ≥ 39oC ở trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi
- Đi ngoài phân máu
- Đi ngoài phân lỏng lượng nhiều, liên tục
- Có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, môi lưỡi khô, da khô
- Thay đổi tri giác như lừ đừ, mệt mỏi
- Không ăn uống được, nôn ói nhiều lần
- Trẻ có hậu môn tạm
4. Phòng ngừa bệnh bằng cách nào?
- Cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
- Luôn cho bé ăn sạch, uống sạch.
- Rửa tay cho trẻ, người chăm sóc trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường: Sử dụng nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt, không phóng uế bừa bãi…Rác phải để đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm.
- Cho trẻ uống vắc xin Rota để chủ động phòng ngừa bệnh với phác đồ từ 2-3 liều hoàn thành trước 24-32 tuần tuổi.
Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn
Ảnh: Lê Hiếu