GIỚI THIỆU
Số bệnh nhi cụ thể phải nhập viện do ngộ độc rất khác nhau ở các địa phương vì thực tế ở tại các khoa cấp cứu hoặc các khoa nhi các trường hợp trẻ ăn, uống phải những chất có độc tính nhẹ chỉ cần theo dõi vài giờ, không phải nhập viện.
Các nguyên nhân ngộ độc gây tử vong là ngộ độc qua đường tiêu hoá (như ngộ độc thuốc gây nghiện, an thần, thuốc điều trị bệnh, hiếm gặp hơn là ăn uống phải cỏ, cây, lá gây độc), ngộ độc các sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình (khí ga, hoá chất có tính axit, kiềm ).
Các tình huống bị ngộ độc
Ở trẻ em nguyên nhân bị ngộ độc có rất nhiều, chủ yếu ở đường tiêu hoá (ngoài ra còn do tiếp xúc, qua đường hô hấp, máu…), các tình huống ngộ độc chủ yếu xảy ra dưới các hình thức sau đây.
Ngộ độc không cố ý
Ngộ độc xảy ra do trẻ tự ăn, uống hay tiếp xúc phải chất độc, thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, chập chững biết đi (tuổi trung bình là 2,5 tuổi). Đặc điểm ở lứa tuổi này là trẻ thích mày mò, tìm hiểu thế giới xung quanh. Nếu trẻ không có người trông nom cẩn thận, đặc biệt khi trong gia đình có sự xáo trộn, thay đổi nào đó như mẹ vừa sinh em bé, mẹ bị ốm, gia đình chuyển đến chỗ ở mới … thì trẻ rất dễ bị ngộ độc.
Ngộ độc do tư tử
Thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì trên 10 tuổi. Đôi khi cũng có thể xảy ra ở trẻ 8 hoặc 9 tuổi. Trẻ thường sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc, liều cao với mục đích tự tử hoặc dọa tự tử. Những trẻ này cần phải được khám và tư vấn về mặt tâm lý và xã hội học.
Lạm dụng thuốc
Lạm dụng rượu và các dẫn chất là hình thái thường gặp nhất trong việc lạm dụng thuốc ở trẻ em ở tuổi vị thành niên.
Tác giả: TS Lê Thanh Hải
Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương