Câu chuyện xảy ra cách đây 115 năm. Khi đó chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ đang diễn ra ác liệt, một nhiệm vụ cấp thiết là làm sao để phía Mỹ liên lạc được với lãnh tụ của nhóm nổi dậy chống lại sự thống trị của Người Tây Ban Nha, tướng Garcia, đang đóng quân trong vùng rừng rậm ở Cuba.Trong tình hình đó, có người mách với Tổng Thống McKinley rằng chỉ có Rowan (tên đầy đủ là Andrew Summers Row một nhân viên bình thường trong văn phòng Tổng Thống lúc bấy giờ) mới có thể mang thư của Tổng Thống đến cho tướng Garcia. Dù chưa từng gặp mặt và cũng không biết đích xác Garcia đang ở đâu, nhưng khi được giao nhiệm vụ, Rowan đã lập tức lên đường không hề băn khoăn, do dự hay yêu cầu gì.
Sau bốn ngày đêm lênh đênh trên một chiếc thuyền nhỏ, không có mui, rồi chân không vượt suối, băng rừng suốt ba tuần liền, cuối cùng Rowan đã được đưa lá thư đến tận tay tướng Garcia.
Cảm kích trước tinh thần trách nhiệm, tấm gương tận tụy của Rowan, nhà báo Elbert Hubbard, biên tập viên hai Tạp chí Philistine và The Fra đã viết bài báo có tựa đề “A message to Garcia – Thông điệp gửi Garcia” . Đó cũng là dịp để ông bày tỏ niềm trăn trở bấy lâu nay của ông về tính thụ động, ích kỷ , lòng ghen tị,… của con người. Hubbard còn đề nghị khắc tên Rowan vào bia đá, bảng vàng, tạc tượng và đặt khắp các trường học trên cả nước.
Bài báo sau đó đã được in lại trên nhiều tờ báo khác, xuất bản thành sách, dựng phim,… và được dịch ra 37 ngôn ngữ trên thế giới. Người ta kể lại rằng, trong chiến tranh Nga – Nhật, mỗi người lính Nga đều mang theo bên mình “Bức thư gửi Garcia” như một lá bùa khiến người Nhật phải tò mò dịch ra. Không lâu sau Nhật Hoàng ra lệnh in và phát bài viết này cho các công chức, quân nhân trên toàn nước Nhật. Đặc biệt, bài viết được ưa chuộng đến mức được đúc kết thành câu nói tiêu biểu mà các chủ doanh nghiệp ở Mỹ hay sử dụng giữa thế kỷ XX: “Đừng hỏi gì cả, làm việc đi!” (Don’t ask question, get the job done).
Hơn 100 năm qua cùng với cả một trào lưu ca ngợi, cảm phục, ngưỡng mộ bài báo và nhân vật thì cũng có cả những ý kiến đặt vấn đề xét lại “trường hợp Rowan”. Người ta nêu ý kiến, liệu làm việc theo kiểu cứ cắm đầu mà làm như Rowan có thật sự tốt hay không? Ít nhất cũng phải hỏi lại tổng thống một vài câu đại loại như Garcia đang ở đâu? Làm thế nào để tới được nơi ẩn náu của Garcia? …. chứ?
Ngày nay, mối quan hệ lãnh đạo – nhân viên được xây dựng bằng một hệ quản trị hiện đại, trong một môi trường dân chủ và cởi mở, hãy cùng suy ngẫm thêm về “trường hợp Rowan” trong câu chuyện của hơn một thế kỷ trước trong hoàn cảnh hiện tại.
Mỗi dịp cuối năm, các tổ chức, đơn vị từ nhỏ đến lớn thường làm hai việc quen thuộc đó là tổng kết năm cũ và xây dựng kế hoạch công việc cho năm mới. Thử hỏi mỗi chúng ta – những nhân viên đang tự nhận là “lao động tiên tiến, lao động giỏi” đã thực sự thấm thía những bài học rút ra từ thành công và thất bại của năm cũ và thông suốt tất cả những dự định của năm mới chưa? Mỗi chúng ta đều được nghe nói đến những khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh, liệu chúng ta đã thực sự thấu đáo tất cả những khó khăn, thách thức, cạnh tranh của đơn vị mình chưa? Xin thưa là không nhiều bởi phần đông chúng ta đang có thói quen nghe “tổng kết” và “kế hoạch” của đơn vị một cách thụ động, nghe khó khăn, thách thức xong rồi để đấy chứ không “vật vã” để mà thấm thía. Chúng ta đang coi “tổng kết”, “kế hoạch” là của cấp trên hay của ai đó chứ không phải của bản thân mình. Vì thế khi năm mới đến, khi được giao việc mỗi nhân viên chúng ta cũng chỉ hiểu lờ mờ tầm quan trọng của việc được giao, cũng chỉ lơ mơ vai trò cá nhân trong chuỗi hệ thống mà người lãnh đạo đang mong đợi. Rowan không hỏi tại sao, bởi anh ta đã thấu hiểu hoàn cảnh nước Mỹ lúc bấy giờ, anh ta cảm nhận được Tổng thống McKinley mong muốn truyền tải được thông điệp của nước Mỹ tới Garcia như thế nào. Đó chính là vai trò trách nhiệm của người nhân viên trong công việc.
Khi được giao nhiệm vụ, dù nói ra hay không nói ra, hay mức độ có thể ít nhiều nhưng số đông trong chúng ta thường sẽ có “suy nghĩ” đại loại như “sao công việc lại khó thế”, hay “đã có nhiều việc rồi sao còn giao thêm”, hoặc “sao không giao việc này cho người khác đi” vân vân và vân vân… và rồi có nhận nhiệm vụ cũng chấp nhận một cách khiên cưỡng. Lòng ganh tị, tính so kè vẫn tồn tại bên trong mỗi con người. Đã là công việc thì chẳng có công việc nào là dễ dàng cả, chẳng qua là khó ít hay khó nhiều thôi, người lãnh đạo biết điều đó. Đã giao việc cho nhân viên có nghĩa là nhân viên sẽ có thêm việc, điều đó “sếp” cũng biết. Một công việc “sếp” có thể giao cho người này hay người khác. Nhưng khi đã chọn nhân viên để giao việc thì người lãnh đạo đã hoàn toàn tin tưởng vào nhân viên đó, phó thác trách nhiệm cho người nhân viên mà mình tin tưởng. Trong một trận bóng đá cũng vậy, đôi khi một cầu thủ được huấn luyện viên yêu cầu chơi ở một vị trí không phải là sở trường của anh ta. Huấn luyện viên biết rõ điều đó, nhưng vì yêu cầu chiến thuật của trận đấu người cầu thủ buộc phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, ít nhất cũng phải chơi “tròn vai”. Không những thế, một số ít trong chúng ta do có một số điều kiện đặc thù nên thường tự cho mình vai trò “số một”, vị trí “không thế thay thế”. Vì thế thay bằng việc chấp hành nhiệm vụ được giao thì lại đòi hỏi làm việc này việc kia hay thích làm việc gì thì làm. Vai trò, bổn phận của người nhân viên, của cấp dưới nói thì như vậy nhưng để xác định hay nói cách khác là quán triệt được hoàn toàn không dễ. Rowan biết rõ nhiệm vụ được giao chẳng hề là dễ dàng thậm chí là vô vàn khó khăn nguy hiểm. Nhưng Rowan cũng biết Tổng thống McKinley đã đặt trọn niềm tin vào anh ta. Rowan hiểu rõ bổn phận của bản thân mình. Và vì thế anh ta tận tụy thực hiện nhiệm vụ không một chút boăn khoăn do dự, không ganh tỵ so kè.
Có thể nói tất cả những điều tưởng chừng như đơn giản như vai trò trách nhiệm, bổn phận, một phẩm chất không coi mình là số một, không ganh tỵ so kè đã làm nên một Rowan thần thánh.
Bài học rút ra là dù ở thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào cho dù đấy là môi trường quản trị hiện đại thì sự thành bại của một tổ chức, một đơn vị đều tùy thuộc vào mỗi con người thành viên có thực sự thực sự thấm nhuần được vai trò, trách nhiệm với đầy đủ sự tận tâm, tận lực cùng với đó là lòng đam mê và óc sáng tạo hay không. Không có công việc cao sang, cũng không có công việc thấp hèn, thấp hèn hay cao sang tùy thuộc vào mỗi con người. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?
Hà Nội những ngày đầu Xuân 2014
L T S
(Xem chi tiết “Bức thư gửi Garcia” tại File đính kèm)