Trang chủ » Y học thường thức » Chạy đua cứu 2 bé gái viêm cơ tim cấp bằng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) – Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ về viêm cơ tim ở trẻ em

Chạy đua cứu 2 bé gái viêm cơ tim cấp bằng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) – Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ về viêm cơ tim ở trẻ em

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm cơ tim cấp rất nguy kịch. Nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao. Do triệu chứng khởi phát bệnh khá giống sốt, cảm cúm thông thường nên nhiều phụ huynh chủ quan, khi trẻ nhập viện đã trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.

Chỉ từ đau bụng, sốt, ho, trẻ chuyển biến nhanh sang tím tái và có nguy cơ ngừng tim

Ngày 03/8, bệnh nhi N.H (nữ, 4 tuổi) đau bụng, sốt, nôn nhiều được bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy trẻ rất mệt mỏi, môi tái nên đã chỉ định lắp monitor theo dõi và siêu âm tim thì nhận thấy chức năng tim bất thường. Ngay lập tức, N.H được chuyển vào Khoa Cấp cứu và Chống độc để thực hiện các hỗ trợ ban đầu (hô hấp, tuần hoàn…), rồi nhanh chóng chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Tại đây, trẻ tiếp tục được hỗ trợ chủ động về hô hấp, sử dụng các thuốc vận mạch và được các bác sĩ thực hiện siêu âm tim, điện tim tại giường. Kết quả cho thấy chức năng tim của trẻ giảm nặng, rối loạn nhịp tim, chỉ số men tim cao. Trẻ được xác định Viêm cơ tim cấp có sốc tim. Dưới sự chỉ đạo của TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa đã hội chẩn và quyết định đặt máy ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ trái tim đang co bóp yếu ớt và loạn nhịp nặng của bé N.H.

TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp chỉ đạo ECMO để cứu sống trẻ

TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp chỉ đạo ECMO để cứu sống trẻ

ThS. BS Trần Bá Dũng – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho biết: Sau 5 ngày điều trị ECMO, kết hợp các thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch, thuốc trợ tim, tình trạng của bé dần được cải thiện. Hiện tại, trẻ đã được cai ECMO và máy thở, còn thở ô xy, các chức năng sống ổn định. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được theo dõi tình trạng phục hồi tim, đồng thời, cần tuân thủ tái khám thường xuyên sau khi ra viện.

ThS. BS Trần Bá Dũng – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa thăm khám cho bé N.H

ThS. BS Trần Bá Dũng – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa thăm khám cho bé N.H

Mẹ bé N.H xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi thật sự rất hoang mang vì không nghĩ con bệnh nặng đến vậy. Khi bác sĩ báo tin con qua cơn nguy kịch, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc. Chúng tôi biết ơn các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương rất nhiều vì đã cứu sống con”

Mẹ bé N.H xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi thật sự rất hoang mang vì không nghĩ con bệnh nặng đến vậy. Khi bác sĩ báo tin con qua cơn nguy kịch, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc. Chúng tôi biết ơn các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương rất nhiều vì đã cứu sống con”

Trường hợp thứ 2 là bé T.H (13 tuổi) vào viện ngày 28/7. Trước đó 10 ngày, trẻ xuất hiện các biểu hiện giống các bệnh lý thông thường như: đau họng, ho khan, đau bụng, buồn nôn. Bố mẹ chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà, nhưng trẻ ngày càng mệt hơn. Khi bố mẹ đưa T.H vào Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, trẻ đã có biểu hiện thở gấp, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp. Trẻ được chuyển vào Khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng Sốc tim/ Suy tim cấp, Rối loạn nhịp tim. Ngay lâp tức, trẻ được sốc điện chuyển nhịp tim, dùng các thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp, đặt ống nội khí quản và chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ Sốc tim – Viêm cơ tim cấp – Rối loạn nhịp tim. Trẻ được thở máy, tiếp tục dùng các thuốc hỗ trợ và đặt ECMO trong 5 ngày. Thật may mắn, với sự nỗ lực, làm việc không ngừng nghỉ, phối hợp điều trị của các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa và Trung tâm Tim mạch, bé T.H đã vượt qua nguy kịch. Hiện tại, trẻ tự thở, không có di chứng thần kinh, tiên lượng hồi phục tốt, tuy nhiên vẫn cần theo dõi lâu dài về tim mạch.

Bé T.H được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức Nội tim mạch – Trung tâm Tim mạch sau khi tình trạng bệnh đã ổn định

Triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em không đặc hiệu, cần theo dõi, phát hiện nhiều triệu chứng kết hợp để có thể chẩn đoán bệnh sớm

Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên gây ra viêm cơ tim ở trẻ em như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…), nhiễm độc, một số bệnh lý tự miễn (như Lupus, Kawasaki,…) hay do quá mẫn với một số loại thuốc,… Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em rơi vào khoảng 1 – 2/100.000 trẻ (theo AHA – Hoa Kỳ). Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho biết: Trung bình hàng năm có khoảng 15 trẻ viêm cơ tim cấp có sốc tim vào khoa Điều trị tích cực Nội khoa cấp cứu và điều trị.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa thăm khám cho bệnh nhi

PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa thăm khám cho bệnh nhi

ThS. BS Lương Minh Cảnh – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh. Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như: Mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho… Tuy nhiên, nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như: Thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái,…cha/mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”

Cũng chính vì triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em đa dạng, không đặc hiệu, nên việc chẩn đoán sớm bệnh cũng gây ra nhiều thách thức cho bác sĩ lâm sàng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với kinh nghiệm khám và tiếp xúc với nhiều mô hình bệnh tật, cùng năng lực chuyên môn sâu, các bác sĩ thường đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu lâm sàng như: Thở nhanh, nhịp tim nhanh, tiếng tim bất thường như tiếng ngựa phi, tiếng thổi trong tim, gan to, phù, … để phát hiện những trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim. Sau đó, bệnh nhi sẽ được thực hiện các thăm dò cận lâm sàng như: chụp X-quang ngực, điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim, chụp MRI tim… để có chẩn đoán xác định.

Một số lưu ý của các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương dành cho phụ huynh và các bác sĩ trong quá trình phát hiện, xử trí bệnh viêm cơ tim ở trẻ

Một số lưu ý của các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương dành cho phụ huynh và các bác sĩ trong quá trình phát hiện, xử trí bệnh viêm cơ tim ở trẻ

Trước đây, tỷ lệ tử vong khi trẻ bị viêm cơ tim cấp là rất cao, nhưng hiện nay, với sự phối hợp của liên chuyên khoa trong chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và chăm sóc bệnh nhi, đặc biệt, với việc áp dụng hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để điều trị cho những trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, nhiều trẻ đã được cứu sống ngoạn mục. Theo nghiên cứu của Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cứu sống ở bệnh nhi viêm cơ tim được hỗ trợ ECMO khoảng 60% – tương đương với các nước phát triển.

Đa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, trẻ nên hạn chế vận động nặng, không tham gia các môn thể thao đối kháng trong khoảng 3 – 6 tháng sau khi khỏi bệnh và cho đến khi hết tình trạng viêm cơ tim trên xét nghiệm. Trẻ cũng cần được theo dõi, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu – Trường Giang 

Chuyên mục: Tin Tiêu Điểm, Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em