Trang chủ » Tài liệu chuyên môn » Chỉ thị về Bảo đảm công tác y tế trong dịp tết giáp ngọ 2014

Chỉ thị về Bảo đảm công tác y tế trong dịp tết giáp ngọ 2014

 

Bộ Y Tế                                                                                                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

…………..                                                                                                                     Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
…………………………….
Số: 01/CT-BYT                                                                                                            Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2014

CHỈ THỊ
VỀ BẢO ĐẢM CÔNG TÁC Y TẾ TRONG DỊP TẾT GIÁP NGỌ 2014

Để bảo đảm đón Xuân mới Giáp Ngọ 2014 vui tươi, an toàn, tiết kiệm và thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và thực hiện chế độ báo cáo tình hình y tế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 theo công văn số 10943/VPCP-TH ngày 27/12/2013 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Tăng cường công tác phòng chống dịch
a) Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương:
– Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt các bệnh cúm A(H7N9), MER-CoV không để xâm nhập vào Việt Nam và bệnh cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông – Xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội.

– Tăng cường truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch để người dân chủ động phòng chống dịch, bệnh và không hoang mang, lo lắng.

– Tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện, các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo Thông tư 48/2010/TT-BYT ngày 21/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

b) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Vệ sinh y tế công cộng trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, hướng dẫn địa phương tăng cường giám sát chủ động, sẵn sàng đáp ứng chống dịch.

c) Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
– Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, đầu mối giao thương quốc tế hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong; củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng triển khai nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường tại các khu phố, làng, xóm, thôn, bản.
– Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, động vật, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.
– Thành lập các Đội cơ động phòng chống dịch tại Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh để sẵn sàng đi điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu.
– Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.
– Phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ để theo dõi, nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trực và báo cáo tình hình bệnh dịch theo đúng quy định.

2. Tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán

a) Cục An toàn thực phẩm:
– Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn quản lý; Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; Tổ chức thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; Tuyên truyền rộng rãi thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Giáp Ngọ năm 2014 cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
– Phối hợp, tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân;
– Phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 05/12/2013 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về việc triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014;
– Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông đại chúng cung cấp kịp thời, đầy đủ những nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
– Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đến cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, và các nhà hàng ăn uống. Phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, kiểm soát việc kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố và thực hiện an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
– Chỉ đạo các cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng, lực lượng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và cơ số thuốc cấp cứu để kịp thời điều trị và xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

3. Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh
a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch, thành lập các Đoàn kiểm tra các bệnh viện trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

b) Các bệnh viện Trung ương, bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

c) Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, các cơ sở điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS; chuẩn bị đủ thuốc, bố trí cán bộ trực Tết để bảo đảm việc cung cấp đầy đủ, liên tục thuốc cho bệnh nhân.

d) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

– Chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong trường hợp cấp cứu. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

– Quán triệt cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại các cơ sở công theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

– Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện trong dịp Tết, tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo.

– Phân tuyến điều trị tại tất cả các khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Truyền nhiễm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bệnh viện ngành, đồng thời hướng dẫn các đơn vị bố trí kịp thời các trường hợp cấp cứu dịch bệnh, thảm họa và tai nạn giao thông xảy ra.

e) Các cơ sở khám, chữa bệnh phải có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra và phải bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

4. Bảo đảm thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân
– Cục Quản lý Dược chỉ đạo các bệnh viện, công ty dược phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa) phải xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt. Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu hoặc phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là bệnh dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm.

– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu người bệnh trong những ngày nghỉ Tết.

– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng đến các công tác bình ổn và quản lý giá thuốc dùng cho người.

5. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương và trực thuộc Sở Y tế
– Các cơ sở y tế phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Công an địa phương rà soát, bổ sung kế hoạch bảo vệ cơ quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị trong các ngày nghỉ Tết. Kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện; tiến hành niêm phong, cắt cầu dao điện các kho hàng và phòng làm việc trước khi về nghỉ Tết. Các đơn vị tổ chức trực đơn vị theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ; niêm yết danh sách cán bộ trực công khai hàng ngày để lãnh đạo đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc khi cần thiết. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau Tết.

6. Tăng cường công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe

a) Vụ Truyền thông Thi đua Khen thưởng: đầu mối chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong dịp Tết Nguyên đán và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Lam đầu mối phối hợp Văn phòng Bộ và các Vụ, Cục liên quan tổng hợp thông tin về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chủ động, kịp thời xử lý khi cần thiết.

b) Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh; không vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không ăn thức ăn sống, hải sản chưa được chế biến kỹ; không uống rượu bia khi trực tiếp tham gia giao thông để giảm bớt tai nạn giao thông; các biện pháp phòng chống các bệnh; sử dụng hiệu quả các phương tiện sưởi ấm để không gây hậu quả đến tính mạng.

c) Sở Y tế:
– Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, tạo ý thức cho người dân biết tự bảo vệ sức khỏe, thông báo kịp thời các sản phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; tuyên truyền các mô hình thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh.
– Huy động các cơ quan thông tin đại chúng, nguồn lực, nhân lực, phương tiện truyền thông tại các địa phương tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định về pháp luật, các kiến thức về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm cho người dân.

7. Tổ chức đón Tết đầm ấm, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm

Các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí; nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để thưởng biếu, cho các tổ chức, cá nhân không đúng với quy định của Nhà nước. Không được sử dụng xe ô tô công phục vụ việc riêng trong dịp Tết.

8. Công tác báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán

a) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện Trung ương và địa phương, trung tâm y tế dự phòng đóng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp các số liệu báo cáo nhanh hàng ngày, báo cáo nhanh trong 3 ngày Tết (từ 30 Tháng Chạp đến Mùng 2 Tết) và trong cả dịp Tết (từ 30 đến Mùng 6 Tết) về công tác khám bệnh, xử trí cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, Dược và an toàn thực phẩm gửi về Bộ Y tế theo từng lĩnh vực quản lý.

b) Cục trưởng các Cục: Quản lý Khám, chữa bệnh, Y tế dự phòng, An toàn thực phẩm, Quản lý Dược chỉ đạo việc báo cáo, tổng hợp số liệu báo cáo từ các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và các đơn vị liên quan theo lĩnh vực chuyên môn và gửi về Văn phòng Bộ. Các nội dung báo cáo gồm:
+ Cục Y tế dự phòng báo cáo về tình hình dịch bệnh tại địa phương;
+ Cục An toàn thực phẩm báo cáo về tình hình ngộ độc thực phẩm;
+ Cục Quản lý Khám chữa bệnh báo cáo về: tình hình khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế, tình hình cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, tai nạn do cháy nổ, do pháo…
+ Cục Quản lý Dược báo cáo về tình hình cung ứng thuốc cho công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết;

c) Chánh Văn phòng Bộ Y tế chỉ đạo tổng hợp báo cáo nhanh và báo cáo đầy đủ, trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Văn phòng Chính phủ đúng thời gian quy định.

d) Đề nghị các Cục gửi Báo cáo về Văn phòng Bộ theo thời gian quy định, cụ thể như sau:
– Báo cáo nhanh hàng ngày gửi về Văn phòng Bộ trước 14h00 hàng ngày;
– Báo cáo nhanh 03 ngày Tết về Văn phòng Bộ trước 14h00 chiều Thứ Bảy ngày 01/02/2014 (tức ngày Mùng 02 Tết)
– Báo cáo đầy đủ về tình hình công tác bảo đảm y tế trong những ngày Tết về Văn phòng Bộ trước 14h00 chiều Thứ Tư ngày 04/02/2014(tức mùng 5 Tết).
Các báo cáo gửi qua email theo địa chỉ: tonghopbyt@moh.gov.vn.

Nhận được Chỉ thị này, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các bộ, ngành có trách nhiệm khẩn trương tổ chức triển khai và thực hiện tốt các nội dung trên./.

Nơi nhận:                                                                                                                                        BỘ TRƯỞNG
– Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
– PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
– VPCP: Vụ KGVX, TH;
– Cổng TT điện tử Đảng CSVN (để đưa tin);
– Công TT điện tử Chính phủ (để đưa tin);
– TTXVN, Đài TNVN, THVN (để đưa tin);
– BYT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để chỉ đạo);                                                           Nguyễn Thị Kim Tiến
– Các Vụ, Cục, VPB, TTrB, TCDS;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ;
– Cổng TT điện tử BYT;
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Y tế các ngành, Cục Quân y;
– Lưu: VT, VPB1.



Chuyên mục: Tài liệu chuyên môn

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em