Việc chọn tư thế đúng cách khi cho con bú giúp mẹ cảm thấy thoải mái và bé ngậm bắt vú đúng cách. Mẹ có thể đặt gối dưới cánh tay, khuỷu tay, cổ hay lưng để làm chỗ tựa. Cần lưu ý rằng một tư thế dễ chịu trong cữ bú này có thể sẽ không còn phù hợp cho cữ bú sau. Vì vậy, hãy thử nhiều tư thế khác nhau cho tới khi cả hai mẹ con đều cảm thấy thực sự thoải mái.
1. Tư thế bế ru thuận tay
Đây là tư thế thông dụng nhất và dễ áp dụng nhất. Mẹ bế con nằm ngang bụng, như khi ru con ngủ, toàn bộ thân và đầu của bé nằm trên cánh tay mẹ, mặt bé quay về phía mẹ. Đa số mẹ và bé cảm thấy thoải mái trong tư thế này.
- Đầu, cổ và thân bé nằm trên một trục thẳng.
- Mặt bé đối diện với vú.
- Miệng bé ôm kín núm vú.
- Bụng bé áp vào bụng mẹ.
- Mẹ dùng cánh tay cùng bên với bầu vú được bú để đỡ toàn bộ thân của bé (không chỉ đỡ vai và cổ), ví dụ bé bú
- bầu ngực trái thì mẹ dùng cánh tay trái đỡ con.
2. Tư thế bế ru ngược tay
Đối với trẻ sinh non hay trẻ có phản xạ mút yếu, mẹ có thể ôm con bằng cánh tay đối bên với bầu ngực được bú. Tư thế này cho phép mẹ nâng đỡ phần đầu của trẻ, giúp bé nắm bắt vú được lâu hơn.
Mẹ dùng cánh tay ngược bên với bầu vú được bú để đỡ người bé, dùng bàn tay giữ đầu bé. Ví dụ nếu bé bú bầu ngực bên trái thì mẹ dùng cánh tay phải ôm con.
3. Tư thế ôm trái banh
Thích hợp cho các mẹ sinh mổ, mẹ có bầu vú lớn, núm vú dẹt, núm vú tụt vào trong hoặc phản xạ xuống sữa của mẹ quá mạnh. Tư thế này cho phép mẹ nhìn rõ hơn và kiểm soát đầu của con tốt hơn, tránh không để người bé đè lên vùng vết mổ.
Đặt bé nằm ngửa bên trái hoặc bên phải mẹ, đầu bé ngang tầm với núm vú. Mẹ dùng lòng bàn tay đỡ đầu và gáy con.
4. Tư thế nằm nghiêng
Thuận lợi cho các mẹ sinh mổ hoặc bất kỳ mẹ nào muốn nghỉ ngơi thêm chút ít khi cho con bú.
Mẹ nằm nghiêng, kéo bé lại gần, mặt bé đối diện với người mẹ.
5 mẹo nhỏ giúp việc cho con bú trở nên hiệu quả
1. Học cách nhận biết tín hiệu đói của bé
Khi đói, bé trở nên tỉnh táo và hoạt bát hơn. Bé có thể đưa cả bàn tay vào miệng để mút hoặc ngoảnh đầu tìm kiếm bầu vú mẹ. Khi thấy có vật bất kỳ – chẳng hạn cánh tay của mẹ – chạm vào má mình, bé có thể quay về phía đó, sẵn sàng để bú. Động thái này được gọi là phản xạ tìm kiếm. Hãy cho bé bú khi bé có dấu hiệu tìm kiếm. Đợi đến khi bé khóc mới cho bú thì có thể đã muộn, hơn nữa khi bé đã bực mình thì việc ngậm vú đúng cách cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Càng về sau, mẹ sẽ càng nhạy bén hơn và có thể nhanh chóng nhận biết dấu hiệu đói của bé để cho bú kịp thời.
2.Tuân theo chỉ dẫn của bé
Sau khi chọn được tư thế ngồi thoải mái cho mẹ và con, và sau khi bé đã ngậm bắt vú đúng cách, mẹ nên tuân theo chỉ dẫn của bé. Một số trẻ cần bú cả hai bên trong mỗi cữ bú, một số khác lại thấy thỏa mãn ngay sau khi bú một bên. Một khi bé còn mút và nuốt, mẹ nên giúp bé bú cạn bầu sữa thứ nhất, để bé được nhận phần sữa giàu chất béo cuối cữ bú. Thường bé sẽ tự nhả vú mẹ khi đã bú no và có thể ngủ thiếp đi. Nếu bé bú hết sữa một bên mà vẫn chưa đủ thì có thể chuyển sang bú bên kia.
3. Ôm bé sát người mẹ
Hãy nhớ rằng bé còn khá xa lạ với thế giới mới và cần được ôm thật gần mẹ. Tiếp xúc da-da giúp bé ít khóc hơn, nhịp tim và nhịp thở đều đặn hơn.
4.Tránh sử dụng núm vú giả trong vài tuần đầu
Trong vài tuần đầu sau sinh, cha mẹ nên tránh cho bé sử dụng núm vú giả, bình sữa và bổ sung sữa công thức, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu cần bổ sung sữa thì trước tiên nên dùng sữa mẹ vắt ra, nhưng tốt nhất vẫn là cho con bú trực tiếp vì điều này giúp cơ thể mẹ sản sinh sữa và khiến bé khỏi bị nhầm lẫn giữa núm giả và núm thật trong thời gian bắt đầu học bú mẹ.
5. Biết khi nào cần đánh thức bé
Trong những tuần đầu sau khi sinh, mẹ cần đánh thức bé nếu đã quá 4 giờ kể từ thời điểm bắt đầu cữ bú trước. Có thể áp dụng một vài cách sau để đánh thức bé: thay tã; cho bé tiếp xúc da-da với mẹ; mát xa lưng, bụng và chân của bé. Nếu bé thường xuyên ngủ thiếp đi khi đang bú, bạn cần theo dõi sát cân nặng và kiểm tra xem bé ngậm bắt vú có đúng không.
BS Trần Thu Thủy