Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » Chụp răng thép có sẵn cho trẻ em

Chụp răng thép có sẵn cho trẻ em

Răng trẻ em thường bị tổn thương bởi sâu răng với đặc điểm tổn thương nhanh và nghiêm trọng vì lớp men ngà mỏng hơn, độ khoáng hóa của răng thấp hơn, khả năng vệ sinh và nhận thức của trẻ cũng kém hơn so với người trưởng thành. Sâu răng, một khi không được chăm sóc và kiểm soát sẽ gây nên những hậu quả ảnh hưởng tới ăn uống, thẩm mĩ, sinh hoạt thường ngày cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ.

A. ĐẠI CƯƠNG

Răng trẻ em thường bị tổn thương bởi sâu răng với đặc điểm tổn thương nhanh và nghiêm trọng vì lớp men ngà mỏng hơn, độ khoáng hóa của răng thấp hơn, khả năng vệ sinh và nhận thức của trẻ cũng kém hơn so với người trưởng thành. Sâu răng, một khi không được chăm sóc và kiểm soát sẽ gây nên những hậu quả ảnh hưởng tới ăn uống, thẩm mĩ, sinh hoạt thường ngày cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ.

Đối với những tổn thương sâu răng đơn thuần có thể dùng phương pháp hàn răng cổ điển để điều trị. Tuy nhiên, do các đặc điểm trên ở trẻ nhỏ, sâu răng rất khó kiểm soát, dẫn tới tình trạng sâu nhiều răng, sâu nhiều mặt trên mỗi răng, hay việc tái tạo hình thể răng sau điều trị tủy cũng là một vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, trẻ có thiểu sản men hay tật nghiến răng cũng là một vấn đề đáng quan tâm đối với các bậc cha mẹ.

Chụp thép có sẵn (SSC: Stainless-Steel Crowns) là chụp thép được sản xuất cho răng hàm với các kích thước sẵn có khác nhau để phục hồi các răng hàm sữa và răng hàm vĩnh viễn cho trẻ em. Với ưu điểm độ bền cao, thẩm mĩ, hoàn thiện tốt, thuận tiện cho quá trình điều trị, ăn nhai và vệ sinh răng miệng dễ dàng, tạo cảm giác thoải mái cho trẻ.

TRƯỜNG HỢP NÀO NÊN ĐIỀU TRỊ CHỤP THÉP CÓ SẴN

  • Tái tạo răng bị sâu răng quá lớn, sâu nhiều mặt.
  • Răng sữa và răng vĩnh viễn bị thiểu sản men.
  • Tái tạo răng sữa sau khi đã điều trị tủy buồng hoặc điều trị tủy toàn bộ.

Đối với các răng đã điều trị tủy thì nguy cơ vỡ răng rất cao nếu không được chụp bảo vệ

  • Phục hồi các răng có sự bất thường về di truyền như sinh men bất toàn.
  • Trẻ gặp vấn đề về tự vệ sinh răng miệng hoặc các vật liệu hàn răng không hiệu quả
  • Kết hợp điều trị với hàm giữ khoảng cho răng vĩnh viễn mọc lên hoặc một khí cụ chỉnh hình.

B. HÌNH ẢNH LÂM SÀNG

C. HƯỚNG DẪN CHA MẸ VÀ TRẺ SAU KHI CÓ CHỤP THÉP TRONG MIỆNG

1. Chăm sóc sau điều trị

Kiêng ăn nhai trong 1 giờ đầu sau khi gắn chụp thép, ăn đồ ăn mềm trong 1-2 ngày đầu để làm quen cảm giác. Sau vài ngày, trẻ sẽ ăn tốt và có cảm giác ngon miệng.

2. Chăm sóc và vệ sinh hàng ngày

  • Chải răng và vệ sinh các răng và chụp thép trong miệng bình thường.
  • Lấy thức ăn dắt vùng kẽ các răng và vùng kẽ chụp thép bằng chỉ tơ nha khoa.
  • Hạn chế ăn các loại đồ ăn, kẹo cứng, dẻo, gây sâu răng nhanh, có thể làm bong chụp.

3. Theo dõi và tái khám

  • Tái khám định kỳ răng miệng 3-6 tháng/lần, theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Vấn đề bất thường như: lỏng chụp răng, hoặc bong ra thì phải đến bác sĩ ngay.
  • Chụp thép chỉ phục hồi thân răng sữa nên việc răng vĩnh viễn mọc vẫn diễn ra bình thường. Chụp thép sẽ rụng cùng với răng sữa khi thay răng vĩnh viễn.

D. KHI NÀO CHA MẸ CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN VIỆN KHÁM?

  • Khi bắt đầu mọc răng sữa, cha mẹ cần đưa trẻ đến viện để được bác sĩ răng hàm mặt khám và hướng dẫn cha mẹ cách theo dõi quá trình mọc răng của trẻ , cách vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ.
  • Trẻ cần khám răng hàm mặt định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm các tổn thương sâu răng sớm, từ đó có cách điều trị sớm và tốt nhất.
  • Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, vì vậy các kỹ thuật điều trị cho người trưởng thành không thể áp dụng chung cho trẻ em mà cần các kỹ thuật chuyên sâu về răng trẻ em cũng như các kỹ năng thuyết phục và kiểm soát bệnh nhân trẻ em.
  • Đối với các bệnh nhân trẻ em có bệnh lý toàn thân như bệnh lý tim mạch, bệnh lý gan mật, bệnh lý thận, bệnh lý huyết học, bệnh lý chuyển hóa di truyền và nội tiết, các bệnh ung bướu…thì việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng là một vấn đề cần quan tâm mà bố mẹ cần cho trẻ khám định kỳ theo lịch hẹn cụ thể của bác sĩ răng hàm mặt.
  • Đặc biệt đối với trẻ khó hợp tác điều trị, trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ hay tăng động giảm chú ý hoặc một số bệnh lý toàn thân thì việc điều trị răng miệng cho trẻ cần tiến hành dưới gây mê trong duy nhất 1lần điều trị và chụp thép cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị và phục hồi hàm răng sữa tốt nhất cho trẻ.
  • Cha mẹ nên trang bị đủ kiến thức về chăm sóc sức khỏe răng miệng toàn diện cho trẻ và cho trẻ khám răng hàm mặt định kỳ 3-6 tháng/ 1 lần để có thể phát hiện và điều trị răng miệng sớm và hiệu quả cho trẻ. Khi phát hiện trẻ có vấn đề bất thường về răng miệng thì cho trẻ đến viện khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh 24/7 (kể cả ngày lễ và thứ 7, chủ nhật). Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám răng hàm mặt tại các đơn vị sau:

  • Khoa Khám bệnh chuyên khoa: răng hàm mặt
  • Trung tâm Quốc tế
  • Khoa Cấp cứu – chống độc (khám cấp cứu khi trẻ bị chấn thương vùng hàm mặt hoặc các cấp cứu về hàm mặt)
  • Điện thoại liên hệ: 024.62738928
  • Email: k.rhm@nch.org.vn

BS Nguyễn Mai Phương – Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương

 

Chuyên mục: Sức khỏe và bệnh lý trẻ em

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em