Biết con đau mới khóc nhưng lúc nào chị An anh Dũng cũng mong nghe được tiếng khóc của con. Đơn giản vì “nếu con không khóc có nghĩa con đang lịm đi, con đau nhưng quá mệt và không còn sức để khóc”…
Khóc ngất trước tình cảnh hai con bị bạo bệnh
Sinh ra ở miền quê nghèo xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, anh Võ Kim Dũng (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị An (28 tuổi) quyết định Nam tiến để tìm kiếm cơ hội việc làm. Hai người ở cùng thôn, làm chung tại một xí nghiệp may nên đã nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng. Hai con người hiền lành, chất phác ấy chưa bao giờ nghĩ thời gian tới với họ thật lắm chông gai và đầy nước mắt.
Năm 2011, chị An sinh hạ đứa con đầu lòng trong niềm vui mừng khôn xiết của hai bên gia đình nội ngoại. Ôm con trên tay, người cha người mẹ đó đã hi vọng và đặt nhiều niềm tin vào đứa con đầu lòng này.
Đã bao lâu rồi gia đình anh chị chưa có một giấc ngủ ngon…
Tiếng con khóc ngằn ngặt khiến ai trong căn phòng bệnh cũng ái ngại thương cảm cho anh chị
Bé trai Võ Kim Phúc sinh ra với hai chân đỏ ửng, ban đầu anh chị nghĩ đó là cái bớt thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chị run rẩy khi phát hiện ra hai chân bé có dấu hiệu bị phồng rộp và lở loét, không những thế, những nốt loét này lan rộng với tốc độ nhanh đến chóng mặt.
Loét lan tới đâu, da của con chị lại tróc ra rỉ máu tới đó. Ôm con lên viện Trung ương thăm khám, anh chị hoảng hốt khi hay tin con không may mắc phải căn bệnh quái ác: ly thượng bì bóng nước.
Từ một vết mẩn nước xuất hiện ở chân bé, càng ngày những nốt đó lại càng lan rộng hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, nốt mẩn nước cứ nổi lên khắp cơ thể bé từ đầu đến chân rồi phồng rộp ra lở loét khiến bé chưa một ngày có được một giấc ngủ bình yên.
Da bong tróc lở loét khiến bé bị thiếu máu trầm trọng. Chưa đầy 4 hôm nhập viện, bé phải truyền tới 5 bịch máu
Chị nhớ như in cảnh tượng kinh hoàng khi con mới chào đời: Cơ thể lở loét, không thể lấy ven để truyền dịch nên các bác sĩ phải lấy ven ở trên đầu. Nhìn đứa con mới lọt lòng nằm thoi thóp, phập phồng bên giường bệnh, những vết lở loét cứ ngày một rộng và sâu khiến bé không thể nằm yên, người bé cứ ưỡn lên, quẫy đạp, khóc thét không ngừng, trên đầu chi chít các loại kim chuyền khiến chị An không cầm được nước mắt.
Có những lúc đau quá bé khóc đến ngất đi. Nếu như những bé khác vào độ tuổi này đã biết đi, bi bô nói chuyện, hiểu lời cha mẹ nói thì bé Phúc không làm được như thế. Nhiều khi thấy con chỉ biết khóc quấy, không nói không rằng chỉ “e e”, chị cũng chạnh lòng lắm, “Con không những không thể đi được, không thể gọi tiếng mẹ ơi, bố ơi, con chỉ biết khóc suốt vì đau đớn”.
Lo lắng cho đứa con trai đầu lòng chưa xong thì chị An biết mình mang bầu đứa thứ hai. Tâm trí hai anh chị lúc đó rối bời, anh Dũng bảo chẳng biết nên mừng hay lo. Lo vì con trai đầu bệnh tật còn chạy chữa chưa xong, trong khi đó anh chị không có đủ điều kiện, liệu có nuôi nổi hai đứa bé.
Nhưng chị cũng mừng, cũng hy vọng bởi biết đâu ông trời thương anh chị mà cho đứa con thứ 2 lành lặn, khỏe mạnh. 9 tháng mang thai trôi qua, bé trai Võ Kim Lộc sinh ra trắng trẻo, lành lặn khiến chị An và gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một giờ sau khi sinh, trên người cháu Lộc xuất hiện những triệu chứng y hệt như người anh trai của mình. Lúc này, anh chị dường như ngã quỵ hẳn.
Nhà nghèo, con cái nheo nhóc, bệnh tật, anh chị cho biết, do biết bệnh tình của cháu Lộc giống như anh trai nên anh chị không đưa cháu đi khám nữa, vì nhà cũng không có tiền để cho cháu điều trị, chỉ những lúc bé yếu quá thì chị mới đưa con đến bệnh viện huyện cầu cứu. Hiện nay, sức khỏe của hai bé rất yếu, bé bị nhiễm trùng máu nặng.
Nhìn con khóc ngất, tức tưởi vì đau đớn do những vết phỏng phồng rát cứ nổi lên rồi lở loét khắp cơ thể khiến anh chị nghẹn đắng như sống đi chết lại.
Cần lắm một tấm lòng!
Bệnh ly thượng bì bóng nước là một bệnh di truyền hiếm gặp trên thế giới cũng như Việt Nam và có khả năng chữa trị không cao. Việc chăm sóc trẻ bị bệnh này vô cùng vất vả vì khi bị bệnh, da các bé rất mỏng manh, trẻ có thể tự làm mình bị thương bất cứ lúc nào, thậm chí da bé cũng bị bong tróc, lở loét khi đang đóng bỉm hoặc được bế, bò hay đi.
Chăm sóc bé bình thường sẽ khiến da bé bị dính, lột da. Vì thế các bác sĩ phải dùng một loại gạc chống dính chuyên dụng để băng bó vết thương cho trẻ. Bệnh nhi bị ly thượng bì bóng nước từ khi chào đời đã chứa trong mình một liên kết đặc biệt khiến lớp da trên cùng và những lớp da tiếp theo không dính nhau. Trẻ mắc các chứng bệnh phải luôn chống chọi với sự đau đớn. Những bóng nước phồng đỏ luôn sẵn sàng chực vỡ ra, nhiễm trùng các vết thương khi có sự tiếp xúc không đúng cách.
Hiện hai bé Kim Phúc và Kim Lộc đang được điều trị tại khoa Nội Tiết – bệnh viện Nhi Trung ương. Trong căn phòng rộng chừng 20m2, chị chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn các y bác sĩ của bệnh viện đã tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện. Trong bệnh viện phòng bệnh không quá đông chỉ từ 3-4 trẻ, lại có điều hòa. Khác hoàn toàn với căn nhà hai gian nóng hầm hập ở nhà. Cái nóng đó đã vắt kiệt sức lực, giọt mồ hôi của các con”.
Những khi vết thương được lau khô, băng bó thoáng, bé Phúc và bé Lộc dường như dễ chịu hơn nhiều, hai bé cứ nằm tha thẩn chơi ngoan. Nhưng những khi người túa ra mồ hôi, những mảng da bắt đầu bong tróc, vấy máu, lở loét, đau rát các bé lại khóc ngằn ngặt vì đau đớn. Có những thời điểm, hai bé khóc quá nhiều vì đau đớn đến nỗi ngất lịm.
Mỗi ngày trôi qua, nhìn hai đứa con bé bỏng quằn quại trong đau đớn, những tiếng khóc thất thanh, ngằn ngặt đầy mệt mỏi ngày một yếu dần khiến trái tim người cha người mẹ trẻ như vỡ vụn. Thương con nhưng anh chị đành bất lực trước bệnh tình của con, bởi gia đình chị không có tiền để chạy chữa trong khi đây là một căn bệnh hiểm nghèo, khả năng chữa khỏi rất thấp. Phải được sự động viện tích cực của bà con họ hàng, tích cóp được một số tiền nhỏ, anh chị mới dám bồng bế hai con từ quê lên thành phố chữa trị.
Dù đã mệt mỏi, có lúc muốn buông xuôi nhưng người cha người mẹ này vẫn luôn cố gắng, hi vọng vào tương lai con sẽ khỏe
Sau khi sinh con, anh chị lựa chọn công việc đồng áng để tiện chăm sóc các con, quanh năm lam lũ và chỉ trông mong vào sào ruộng và những ngày làm thuê mướn tại quê. Để có thể chữa trị dứt điểm thì chỉ còn cách ghép tủy cho các cháu tuy nhiên chi phí cho mỗi ca ghép tủy khá tốn kém mà tỷ lệ thành công chỉ đạt 30 %.
Chị tâm sự: “Những hôm lạnh thì đỡ nhưng những hôm nắng nóng, da các con bị bong tróc, loét nặng khiến con rất đau đớn. Con khóc nhiều tới nỗi ngất lịm, không còn sức để khóc nữa. Các bác sĩ bảo để chữa trị cho cháu cần mất vài trăm triệu nhưng nhà tôi nghèo, một triệu còn không có nói gì tới tiền trăm triệu?”.Từ khi sinh con tới thời điểm này, chưa đêm nào anh chị được ngủ ngon giấc, ngày cũng như đêm, hai con chị khóc ngằn ngặt trên giường bệnh vì lở loét.
Gương mặt thất thần, bất lực của người bố đứng trước cơn bạo bệnh của hai người con
Bé Phúc bị lở loét toàn bộ vùng bụng, vùng bẹn, hai chân. Bé Lộc lở bụng, chân tay, cổ, lưng. Hai chân bé Phúc chi chit những vết bỏng cũ mới đan xen, nhiều tới nỗi các ngón tay ngón chân cũng dính liền. Theo lời chia sẻ đẫm nước mắt của người mẹ trẻ, cháu đầu không ăn được gì ngoài sữa, món ăn duy nhất của cháu bây giờ là truyền kháng sinh, truyền nước để duy trì sự sống.
Dù mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ người cha người mẹ nghèo đó ngừng hi vọng một ngày nào đó các con sẽ hết bệnh. Dù biết rằng ngày đó với hoàn cảnh gia đình nhà chị là không đơn giản.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Nguyễn Thị An, ở Thôn 5, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Điện thoại: 0973.964.443
Số tài khoản: 3619205049533, chi nhánh Anh Sơn, ngân hàng Agribank.