Trang chủ » Tài liệu chuyên môn » Điều trị hóa chất cấp cứu trong tiếp cập và xử trí các khối u ác tính ở trẻ em

Điều trị hóa chất cấp cứu trong tiếp cập và xử trí các khối u ác tính ở trẻ em

Thông thường điều trị các khối u ác tính ở trẻ em được tiến hành sau khi bệnh nhân đã được sinh thiết khối u, có kết quả mô bệnh học khẳng định chẩn đoán cũng như các kết quả xác định giai đoạn và nhóm nguy cơ. Trong một số trường hợp khẩn cấp khi khối u rất to tiến triển nhanh  hoặc có di căn lan tỏa đến các cơ quan khác dẫn đến tình trạng nặng với các triệu chứng đe dọa chức năng sống không thể tiến hành sinh thiết u, vấn đề điều trị hóa chất cấp cứu được đặt ra nhằm mục đích làm giảm bớt kích thước u và đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Trong thời gian vừa qua Nhóm u đặc bệnh viện Nhi Trung ương (khoa Ung bướu, khoa Ngoại, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Di truyền) đã hội chẩn và quyết định điều trị hóa chất cấp cứu cho ba bệnh nhân u nguyên bào thần kinh. Chẩn đoán các bệnh nhân này dựa trên lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, cathecolamine niệu, tủy đồ.

Bệnh nhân Lê Gia B, 6 tháng tuổi, vào viện ngày 14/10/2013 với các triệu chứng sốt cao liên tục trên 39 độ C, thiếu máu, bụng chướng, ỉa lỏng, phù hai chân, gan to ngang mào chậu. Xét nghiệm máu có thiếu máu vừa (Hb 8,1g/dl), rối loạn đông máu (Fib 0,42 g/l), men gan tăng (GOT 328, GPT 41), siêu âm/chụp cắt lớp bụng phát hiện gan to với nhiều khối giảm tỷ trọng ít ngấm thuốc kích thước 7-40mm, khối u vị trí thượng thận trái kích thước 56x58x50 mm vôi hóa bao quanh động mạch chủ bụng, tĩnh mạch chủ dưới, động mạch thận trái, rốn gan. Tủy đồ không có tế bào di căn, VMA 23,9 và HVA 58,7 µmol/mmol creatinin. Tiến triển bệnh nặng dần, gan to lên, bụng chướng căng, rối loạn chức năng gan (men gan GOT 729, GPT 245). Bệnh nhân được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh giai đoạn IVs di căn gan (Hội chứng Pepper), kèm theo các triệu chứng đe doạ chức năng sống (rối loạn đông máu, rối loạn chức năng gan).

Bệnh nhân Nguyễn Duy M, 13 tháng tuổi, vào viện ngày 21/10/2013 trong tình trạng phù toàn thân, thiếu máu nặng, bụng chướng căng. Xét nghiệm máu có thiếu máu nặng (Hb 7,2 g/dl), giảm albumin máu (19g/l), siêu âm và chụp cắt lớp ổ bụng phát hiện khối u sau phúc mạc bên trái kích thước to 160x130x95 mm vượt qua đường giữa sang bên đối diện, đè đẩy thận trái, bao quanh các mạch máu lớn, ít dich tự do ổ bụng, dịch màng phổi hai bên 40-50mm. Tủy đồ không có tế bào di căn, VMA 6,9 và HVA 13 µmol/mmol creatinin. Tình trạng của bệnh nhân nặng lên, đau mức độ phải dùng morphin truyền 24 h, khó thở (thở O2 qua mask), khối u to lên, phù tăng xuất hiện phù 2 bừu, thiếu máu liên tục. Bệnh nhân được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh sau phúc mạc giai đoạn III với các triệu chứng đe dọa chức năng sống (hô hấp, tim mạch-tuần hoàn) 

Bệnh nhân Lương An P, 3 tháng tuổi, vào viện 31/10/2013 với triệu chứng chướng bụng, gan 5-6 cm dưới bờ sườn. Siêu âm và chụp cắt lớp bụng phát hiện khối u thượng thận hai bên, gan to nhu mô có nhiều khối. Xét nghiệm máu có biểu hiện rối loạn đông máu (PT 66%, FIB 0,92g/l). Tủy đồ không có tế bào di căn, VMA 178,1  và HVA 171,7 µmol/mmol creatinin. 7/11 bệnh nhân trong tình trạng khó thở, tím tái, phổi có ral ẩm, gan to lên 6-7 cm dưới bờ sườn, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy. 9/11 bệnh nhân xuất hiện rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh 200l/ph không đều, điện tâm đồ phát hiện rung nhĩ, nhịp nhanh thất, bệnh nhân đã được sốc điện. 11/11 block nhĩ thất cấp II, chức năng thất trái giảm (È=44%), thất trái giãn. Bệnh nhân được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh giai đoạn IVs di căn gan (Hội chứng Pepper) kèm theo rối loạn đông máu, rối loạn nhịp tim, viêm phổi có suy hô hấp.

Trước tình trạng nặng đe dọa chức năng sống của các bệnh nhân trên nhóm u đặc đã quyết định hoãn sinh thiết u và điều trị hóa chất cấp cứu (bệnh nhân Lương An P đã được điều trị hóa chất ở Khoa hồi sức ngoại trong tình trạng thở máy và kết hợp sốc điện). Kết quả sau 1 tuần điều trị hóa chất các bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tác dụng phụ của hóa chất (giảm sản tủy, nhiễm trùng) mức độ vừa phải. 3 tuần sau điều trị hóa chất các bệnh nhân được tiến hành sinh thiết u làm các xét nghiệm chẩn đoán (mô bệnh học, di truyền)  để quyết định phác đồ điều trị tiếp theo. 

Sự phối hợp đa chuyên ngành trong chẩn đoán và điều trị các khối u ác tính ở trẻ em là rất cần thiết và quyết định chất lượng cũng như kết quả điều trị. Nhóm u đặc của Bệnh viện nhi trung ương đã là việc từ 5 năm nay, hội chẩn các bệnh nhân hàng tuần, phối hợp với các chuyên khoa khác trong bệnh viện (khoa hồi sức cấp cứu, khoa hồi sức ngoại, khoa cấp cứu chống độc…) cũng như các Bệnh viện khác (khoa xạ hạt nhân Bệnh viện Bạch mai, khoa điều trị giảm nhẹ bệnh viện K…) nhằm mục đích đảm bảo chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư được toàn diện. Nhóm u đặc đang triển khai thủ thuật sinh thiết kim dưới hướng dẫn siêu âm cho các bệnh nhi có các khối u ác tính với mục đích rút gọn thời gian chẩn đoán cũng như sử dụng thủ thuật ít xâm nhập hơn so với sinh thiết mở, giúp cho việc điều trị đặc hiệu (hóa chất, phẫu thuật) có thể tiến hành sớm hơn và giảm bớt được các biến chứng.

                                                                                                                 

                                                                                                                                             TS Phùng Tuyết Lan – Khoa Ung bướu

 



Chuyên mục: Tài liệu chuyên môn

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em