Con đường để trẻ tự kỷ hoà nhập với cộng đồng là một chặng đường không đơn giản. Điều đầu tiên và vô cùng quan trọng để biến trẻ tự kỷ trở thành những đứa bé bình thường là những người xung quanh nên tránh sự kì thị với trẻ. Bên cạnh đó, sự phối hợp, liên hệ mật thiết giữa phụ huynh và nhà trường trong phương pháp giáo dục trẻ cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng đẩy nhanh quá trình giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng tốt hơn
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hà – khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, theo khái niệm rộng rãi, hòa nhập cộng đồng – xã hội hóa là hành vi ngoài xã hội bao gồm sự thiết lập một hành vi tích cực hoặc phù hợp với sự tiếp xúc xã hội và sự giảm bớt những điều kỳ lạ của tự kỷ và những vấn đề về hành vi.Từ đó, trẻ tự kỷ phát triển sự khả năng thuận lợi cho mối tiếp xúc với người khác, nhằm vào giảm bớt hành vi tiêu cực hoặc gây rối loạn.
Đùa vui là phương pháp phổ biến và hiệu quả để tương tác với trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ. Mục đích của phương pháp này là cải thiện mối tương tác xã hội và sự khoan dung khi tiếp xúc với cơ thể. Cha mẹ cần cố gắng cho trẻ chấp nhận sự tiếp xúc cơ thể trong giai đọan ngắn và thừờng xuyên. Để bắt đầu chỉ cần nâng trẻ lên và thả trẻ xuống hai hoặc ba lần. Cha mẹ phát ra những âm và giúp trẻ bắt chước những âm mà bạn làm. Cha mẹ chỉ phát những âm đơn như “a” và “à”. Nếu trẻ từ chối việc tiếp xúc này, bạn tiếp tục bài tập này bằng cách nói với trẻ một cách nhẹ nhàng và trấn an. Khi trẻ bình tĩnh,cha mẹ bắt đầu đu đưa trẻ nhẹ nhàng từ phải qua trái (chú ý những cử động không quá nhanh và làm trẻ sợ). Bạn tăng dần thời gian cùng lúc với sự chấp nhận tiếp xúc cơ thể của trẻ tăng. Ví dụ bạn chỉ nâng trẻ lên hoặc đu đưa trẻ mỗi buổi tập một lần dù buổi tập được lặp lại nhiều lần trong ngày. Khi cha mẹ cảm thấy trẻ bình tĩnh, cha mẹ nâng trẻ lên hoặc đu đưa trẻ mỗi buổi tập hai lần. Với cách đó bạn tăng dần sự chấp nhận tương tác cơ thể của trẻ.
Trong các hình thức đùa vui thì cù lét là một kiểu đùa vui thường được nhiều cha mẹ quan tâm áp dụng. Mục tiêu của trò chơi này là rèn luyện phản ứng cùa trẻ với sự tiếp xúc thể chất thân tình một cách thích hợp. Cha mẹ ngồi với trẻ trên giường, trên thảm, hoặc những nơi nào khác mà trẻ cảm thấy thỏai mái và bình tĩnh. Bạn cầm con rối hoặc thú nhồi bông và nói “Con nhìn nè”(cố gắng hướng sự chú ý của trẻ về thú vật nếu cần phải đu đưa con vật trong tầm nhìn của trẻ). Cha mẹ sử dụng con thú để cù lét trẻ nhè nhẹ (chú ý đừng làm quá đột ngột với trẻ). Khi cù lét trẻ cha mẹ cười và thì thầm với trẻ “dzi-dzi”. Lúc đầu cha mẹ chỉ cù lét trẻ trong thời gian ngắn. Khi sự chấp nhận của trẻ tăng, cha mẹ kéo dài thời gian cú lét. Thỉnh thỏang cần ngưng cù lét trẻ để xem trẻ có làm một cử chỉ muốn tiếp tục hay không. Bạn tiếp tục bài tập cho đến lúc trẻ hết hứng thú.
Để giúp trẻ tự kỷ hiểu những gì người khác mong muốn, cha mẹ và gia đình có thể cùng trẻ tham gia trò chơi “ giúp đỡ người khác”. Yêu cầu tất cả các thành viên trong gia đình cùng làm bài tập này sau mỗi bữa ăn. Khi ăn xong, cha mẹ giúp trẻ gom khăn giấy của trẻ và bỏ vào thùng rác (cha mẹ cần bảo đảm trẻ đi đến thùng rác không vấn đề). Cha mẹ ra hiệu cho trẻ vứt khăn giấy của trẻ vào thùng rác rồi trở lại bàn. Lặp lại công việc này với khăn của những người khác nhưng mỗi lần một cái.Yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình đưa khăn của họ khi thấy trẻ và nói: “Con muốn vứt khăn này không?” vừa cười vừa nói “cám ơn” khi trẻ cầm khăn. Cha mẹ khuyến khích các thành viên trong gia đình đánh giá cao những gì trẻ làm cho họ và cũng khuyến khích trẻ nhìn vào người mà trẻ lấy khăn (điều này có thể thực hiện khi trẻ nhìn người đưa khăn). Rồi cha mẹ nói “cám ơn” và cười hoặc hôn trẻ. Khi trẻ có khả năng làm bài tập này tại bàn sau mỗi bữa ăn, bạn khái quát hóa công việc này bằng cách thỉnh thoảng trong ngày bảo trẻ mang rác đi bỏ vào thùng cho cha mẹ (Chú ý, lệnh phải rõ ràng và trẻ biết giỏ rác ở đâu).
Để giúp trẻ tăng phản ứng qua lại với người khác, cha mẹ cũng có thể cùng con chơi trò chơi đi trốn đi tìm. Bạn bắt đầu bài tập này bằng cách dạy cho trẻ “trốn”.Cho bố của trẻ hoặc bạn học ngồi trong phòng. Mẹ cầm tay trẻ và nói “Con trốn bố đi”. Mẹ dẫn trẻ đến phía sau cửa, sau ghế hoặc dưới bàn. Mẹ chỉ dạy trẻ 3 nơi trốn khác nhau. Mẹ lặp lại từ “trốn” suốt quá trình làm bài tập rồi bảo trẻ trốn vào một trong những nơi trốn. Mẹ bảo người khác hỏi: “Con ở đâu?” rồi giúp trẻ đứng lên hoặc đưa tay lên để chỉ trẻ ở đâu. Người kia phải chạy về phía trẻ và ôm trẻ. Khi trẻ đã học trốn và tự cho người ta biết trẻ khi người ta gọi trẻ, bạn kêu người khác đến phiên họ trốn một trong những nơi trốn. Khi mẹ gọi “Bố đâu?”, mẹ giúp trẻ tìm người ra từ chỗ trốn và chạy về phía họ để ôm họ. Khi trẻ bắt đầu hiểu bài tập, mẹ động viên trẻ trốn một mình không trợ giúp.
Trên đây là một số trò chơi mà cha mẹ và người nuôi dạy trẻ có thể cùng trẻ chơi để thiết lập và rèn luyện một số kỹ năng tương tác với những người xung quanh. Đối với trẻ tự kỷ, hoà nhập xã hội là điều vô cùng cần thết và là nền tảng cho sự phát triển cả trẻ. Trẻ tự kỷ cần được nhìn nhận là đứa trẻ bình thường và hoàn toàn có thể tiến bộ được. Tuy nhiên, để làm làm được điều đó là cả một quá trình tác động lâu dài. Chặng đường này đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết từ thầy cô, bạn bè, cha mẹ và những người thân sống xung quanh trẻ.