Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Đồng hành với con trong quá trình học

Đồng hành với con trong quá trình học

Lớp học không phải là nơi duy nhất cho việc học của trẻ. Ngay cả khi cha mẹ cho rằng mình không hiểu nhiều về việc học và việc dạy dỗ con cái, bản thân họ vẫn là những thầy cô giáo đầu tiên của con bởi vì con cái luôn không ngừng chịu sự ảnh hưởng của cha mẹ trong những năm tháng này. Những trải nghiệm chưa tốt của cha mẹ khi còn đi học thậm chí có thể giúp họ nhận ra quá trình học đã thay đổi, những trải nghiệm của con cái ở trường rất khác biệt với những gì cha mẹ biết. Vì thế, hãy nhìn mọi việc ở khía cạnh tích cực. Điều này giúp con cũng có thái độ tích cực.

(Ảnh minh hoạ)

Quá trình học của bé diễn ra như thế nào

Trẻ con và thiếu niên học bằng cách quan sát, lắng nghe, khám phá, trải nghiệm và đặt câu hỏi.
Cảm giác thích thú, có động lực và bị cuốn hút vào việc học cực kỳ quan trọng với trẻ khi các bé đến trường. Việc trẻ hiểu tại sao mình cần phải học cũng giúp ích trong quá trình học của bé. Khi trưởng thành hơn, bé sẽ có nhiều vai trò hơn trong việc học, được tham gia quyết định những vấn đề liên quan đến việc học và các hoạt động vui chơi.

Việc học của trẻ những năm đầu đời

Trẻ con học theo những cách khác nhau thông qua việc nhìn, nghe, đọc và thực hành các kỹ năng. Ở giai đoạn này, trẻ học thông qua các trò chơi. Những khoảng thời gian rảnh rỗi, chơi tự do giúp trẻ lấy lại cân bằng sau các bài học có tính khuôn khổ ở trường và đồng thời mang lại những giây phút thư giãn sau khi đến trường.
Bé học sử dụng đồ vật bằng nhiều cách khác nhau. Khi trải nghiệm, khám phá và sáng tạo với nhiều loại chất liệu, trẻ học được cách giải quyết vấn đề trong các tình huống khó khăn. Không đứa bé nào sinh ra đã có sẵn các kỹ năng xã hội mà phải học để có được, giống như học đọc và học viết. Cha mẹ có thể giúp bé bằng cách tạo cho con cơ hội chơi đùa và giao lưu với những đứa bé khác để giúp bé học được cách sống hòa hợp với mọi người. Tuy nhiên, việc này không đòi hỏi phải sắp đặt cầu kỳ. Ví dụ, đưa con ra công viên giúp con biết cách tương tác và chia sẻ không gian chung với những đứa trẻ khác.

Gắn kết con bạn vào cộng đồng cũng là một trải nghiệm giá trị của việc học. Ví dụ: thăm các cửa hàng địa phương, công viên, sân chơi, thư viện hoặc đi dạo xung quanh khu dân cư để giúp con nhận biết các hoạt động của cộng đồng. Vừa đi, cha mẹ có thể vừa trò chuyện với con về những điều thú vị mà cha mẹ thấy hoặc tâm sự với con và chia sẻ những gì cha mẹ biết. Bí quyết cho việc học ở trường tiểu học

Sau đây là một vài bí cho việc học của trẻ ở tuổi tiểu học:

  • Chơi các trò chơi liên quan đến vần điệu, chữ cái, hình khối, con số với trẻ và chơi theo lượt
  • Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, chơi với các từ và nghĩa của từ, ví dụ vỗ tay theo âm tiết của từ hoặc các trò chơi liên quan tới từ ngữ.
  • Tiếp tục đọc truyện cho con ngay cả khi bé đã có thể tự đọc.
  • Hãy để con tiếp xúc với các từ vựng trong sách, ti vi, trong các mẩu đối thoại và giải thích ý nghĩa của từ.
  • Khi bé chỉ cho bạn hoặc kể cho bạn những điều liên quan đến trò chơi của con, dành cho con sự chú ý và hỏi một hoặc hai câu hỏi.
  • Giúp bé khám phá sở trường của mình bằng cách khuyến khích con thử nhiều hoạt động khác nhau.
    Khi con lên cấp hai
  • Khuyến khích con thử sức trong những lĩnh vực mới mẻ, mắc lỗi và nhận ra bản thân thông qua những trải nghiệm. Hãy chú ý đến những nỗ lực của con trong lĩnh vực mới chứ không đặt nặng vấn đề thành công hay thất bại.
  • Hãy quan tâm tới những hoạt động của con. Ví dụ: nếu con thích chơi trống, hãy hỏi con về bản nhạc mà con đang chơi và liệu con có muốn chơi nhạc cho bố (mẹ) nghe không.
  • Đọc sách báo cùng nhau và thảo luận về những điều đang diễn ra trên thế giới.
  • Thiết lập thời khóa biểu cho việc học và bài tập về nhà sau khi đến trường- ví dụ, kèm con làm bài tập về nhà vào một thời gian nhất định trong ngày, tại một góc học tập cố định trong nhà, tránh xa những yếu tố làm phân tán tư tưởng.

Động viên tinh thần rất quan trọng
Đôi khi, con sẽ cần sự ủng hộ tinh thần của cha mẹ trong quá trình học, đặc biệt là sự dẫn dắt thực tế. Cha mẹ có thể khuyến khích con bằng cách:

  • Quan tâm khi con buồn- ví dụ: nếu con đang gặp một vấn đề vướng mắc, hỏi han con xem mọi việc có ổn không.
  • Tôn trọng quan điểm của con- ví dụ, nếu con không muốn tiếp tục làm việc gì, hãy để con kết thúc công việc đó.
  • Tin tưởng nhận định của con- Ví dụ, nếu con cảm thấy sẵn sàng tham gia một môn thể thao hoặc thử một lĩnh vực mới, hãy cổ vũ con.
  • Nhìn nhận con như một con người bình thường- nghĩa là trân trọng cả những ưu điểm và khuyết điểm của bé
  • Đáp lại những cảm xúc của con- ví dụ: vui mừng khi con thành thạo một lĩnh vực mới và tỏ thái độ động viên khi con cần cố gắng thêm.
  • Cố gắng thông cảm với những điều con đang trải qua- cha mẹ cần cố gắng nhớ lại trải nghiệm của bản thân mình, cả những niềm vui và thách thức.

Lê Mai (biên dịch)

Theo  Raising children network

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em