Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Hội thảo - Hội nghị » Tổ chức thành công Hội thảo khoa học trực tuyến chuyên đề “Chiến lược điều trị sớm rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ”

Tổ chức thành công Hội thảo khoa học trực tuyến chuyên đề “Chiến lược điều trị sớm rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ”

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là rối loạn thường gặp ở trẻ em, ảnh hưởng đến đời sống, học tập và tương lai của trẻ. Nhằm cập nhật chẩn đoán, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý và các rối loạn đi kèm. Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1, Công ty Johnson & Johnson tổ chức thành công hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Chiến lược điều trị sớm rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ”.

Hội thảo có sự tham gia của TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ThS.BSCKII Thành Ngọc Minh (Chủ tọa) – Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương và sự tham gia của các báo cáo viên đến từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Trung ương. Đặc biệt, hội thảo trực tuyến đã thu hút hơn 200 điểm cầu với sự tham gia của các bác sĩ, dược sĩ chuyên ngành Tâm thần hiện đang công tác tại các bệnh viện trên cả nước.

ThS. BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương chủ trì chương trình Hội thảo

ThS. BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Rối loạn tăng động giảm chú ý (viết tắt tiếng Anh là ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi tăng hoạt động và giảm chú ý của trẻ nhiều hơn rõ rệt so với trẻ cùng tuổi và cùng giới. Tăng động giảm chú ý đã và đang trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và học tập.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,24% – 7,7%. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi tùy theo các nghiên cứu, rối loạn này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng học tập và tương tác xã hội của trẻ, và nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.

TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phát biểu tại chương trình

Dự và biểu tại hội thảo, TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em thực sự không mới. Tuy nhiên, việc gia đình phối hợp với thầy cô và các bác sĩ, cán bộ tâm lý trong việc chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc ADHD là hết sức quan trọng và cần thiết. Tôi hy vọng rằng, chương trình là dịp để các bác sĩ có cơ hội cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và quản lý trẻ mắc tăng động giảm chú ý”.

ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết – Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương trình bày báo cáo

Trong bài báo cáo “Điều trị dược lý ADHD và các chiến lược nâng cao tuân thủ điều trị” ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết – Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ những kiến thức tổng quan, các bước điều trị dược lý bao gồm việc xác định mục tiêu điều trị, lựa chọn thuốc, khởi liều, theo dõi; duy trì, giám sát và nâng cao việc tuân thủ điều trị ADHD. ThS.BSNT Nguyễn Minh Quyết cũng đã đề cập đến các ca lâm sàng điển hình để thấy rõ vai trò quan trọng của việc điều trị cần được giám sát bởi các chuyên gia trong lĩnh vực rối loạn hành vi ở trẻ em

TS.BS Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 trình bày báo cáo tại hội thảo

Tại hội thảo, các y bác sĩ tiếp tục được nghe bài báo cáo “Chiến lược can thiệp và điều trị sớm chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ, ca lâm sàng” của TS.BS Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bài báo cáo đã cập nhật những hiểu biết mới nhất về nguyên nhân của ADHD, những hạn chế, thách thức, thuận lợi trong trị liệu ADHD cũng như chiến lược can thiệp và điều trị sớm ADHD những trẻ có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc dùng thuốc trong điều trị ADHD ở những trẻ đủ điều kiện.

TS.BS Đinh Thạc cho biết, việc điều trị trẻ ADHD là một quá trình lâu dài và liên tục khiến gia đình và trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, gia đình cần có sự kiên trì cũng như sự hỗ trợ từ nhà trường và nhà chuyên môn. Chiến lược can thiệp và trị liệu sớm trẻ ADHD sẽ giúp trẻ có cơ hội cải thiện những bất lợi của rối loạn ADHD trong sinh hoạt, học tập lẫn vui chơi giúp trẻ nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, việc chọn lựa những phương pháp trị liệu thích hợp để gia đình khắc phục khó khăn hiện tại nhằm giúp trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi trị liệu (đa trị liệu). Qua đó, phát huy lợi thế và tính ưu việt trong phương pháp dược trị liệu ở lứa tuổi học đường giúp trẻ ADHD sớm trở về quỹ đạo phát triển của một đứa trẻ bình thường, giúp trẻ có điều kiện học tốt hơn để phát triển khả năng hoà nhập cuộc sống và thành công trong tương lai.

ThS.BS. Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích tại hội thảo

Cũng tại Hội thảo, bài báo cáo của ThS.BS Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương về “Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm ADHD, chia sẻ ca lâm sàng” cũng được các báo cáo viên và học viên đánh giá cao, bàn luận sôi nổi.

ThS.BS Nguyễn Mai Hương cho biết, vai trò của chẩn đoán và điều trị sớm ADHD giúp: Ngăn ngừa sự xuất hiện các rối loạn/vấn đề đi kèm; làm giảm thiểu các ảnh hưởng chức năng sau này; tăng chất lượng các mối quan hệ; giảm xung đột gia đình và giảm chi phí điều trị. Những dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc ADHD là không thích hoặc né tránh những hoạt động đòi hỏi sự chú ý trên vài phút, mất hứng thú ngay lập tức hoặc chuyển ngay sang hoạt động khác chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn, nói nhiều và ồn ào hơn so với trẻ cùng tuổi. Đồng thời trẻ hoạt động quá nhiều, thiếu kiềm chế, có tính xung động, bốc đồng nên dễ gây ra những căng thẳng trong quan hệ xã hội, hành vi không phù hợp, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

Điều trị trẻ mắc ADHD cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cán bộ y tế. Trẻ có thể cải thiện khi cha mẹ có các biện pháp quản lý hành vi, thái độ ứng xử tích cực, thực hiện những nguyên tắc dựa trên sự tôn trọng và hỗ trợ trẻ tối đa. Đồng thời trẻ có thể tham gia các khóa trị liệu chuyên sâu hoặc sử dụng thuốc.

“Nếu trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ có thể tham gia các hoạt động vui chơi và học tập phù hợp, phát huy được năng lực bản thân, có cuộc sống độc lập và hòa nhập tốt với xã hội” – Ths BS Hương khẳng định.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có phần thảo luận sôi nổi và tích cực, gồm những ý kiến, chia sẻ chuyên môn đa dạng nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị trẻ mắc tăng động giảm chú ý.

Hội thảo thành công đã mang lại nhiều thông tin hữu ích trong việc chẩn đoán và điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Đây là cơ hội để các y bác sĩ cập nhật những kiến thức mới, học hỏi các kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị trẻ em mắc tăng động giảm chú ý ở Việt Nam.

Vy Hiếu – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu

Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện, Hội thảo - Hội nghị

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em