Chiều ngày 5/4/2024 vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Novo Nordisk Việt Nam đã tổ chức cuộc họp tổng kết hoạt động Dự án CDiC năm 2023 và đề xuất các sáng kiến cho năm 2024. Trong đó, các sáng kiến nổi bật đề ra năm 2024 gồm: hỗ trợ 1.000 bệnh nhân mới, nghiên cứu hệ thống đăng ký quốc gia cho bệnh nhân Đái tháo đường típ 1 (ĐTĐT1) và phát hành hướng dẫn điều trị cùng đào tạo nhân viên y tế.
Tham dự cuộc họp, có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Bảo hiểm y tế, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội và Novo Nordisk Việt Nam, Roche Việt Nam cùng các thành viên liên quan.
CDiC là chương trình hợp tác công tư, được bắt đầu vào năm 2009 với 29 quốc gia tham gia. Chương trình do Novo Nordisk khởi xướng với sự tham gia của các đối tác toàn cầu như Roche, Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), Quỹ đái tháo đường thế giới (WDF). Tại Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch là đơn vị chủ quản thực hiện dự án với sự chứng kiến của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Novo Nordisk và Roche Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh Đái tháo đường típ 1 (ĐTĐT1) sống ở các nước với nguồn lực hạn chế.
Tại cuộc họp các đại biểu tham dự được nghe báo cáo tổng kết hoạt động chương trình CDiC năm 2023; dịch tễ bệnh ĐTĐT1 tại Việt Nam; nhu cầu và mục tiêu hệ thống đăng ký quốc gia bệnh ĐTĐT1.
Tháng 4/2023, Hội Nhi khoa Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Novo Nordisk A/S đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ chương trình “Chăm sóc bệnh ĐTĐ trên trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam” – CDiC. Chương trình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Roche, Hội Nội tiết ĐTĐ (VADE) và các bệnh viện trên toàn quốc,… Chương trình chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2023. Đến tháng 12/2023, sau 04 tháng hoạt động, 520 trẻ em đã được tiếp cận hỗ trợ từ chương trình, gồm có câu lạc bộ giáo dục bệnh nhân, bộ dụng cụ đo đường huyết, có 15 bệnh viện trên toàn quốc tham gia mạng lưới chương trình CDiC. Chương trình cũng đã phối hợp cùng các bệnh viện và các chuyên gia quốc tế tổ chức các khóa đào tạo liên tục về chẩn đoán và quản lý bệnh ĐTĐT1 cho 1.063 nhân viên y tế. Đồng thời, 01 bản thảo về hướng dẫn điều trị chăm sóc toàn diện trên trẻ em và thanh thiếu niên mắc ĐTĐT1 đã được hoàn thành và hy vọng sớm được Bộ Y tế nghiệm thu và đưa vào sử dụng tại các bệnh viện.
PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Bệnh ĐTĐT1 thường khởi phát sớm và là một bệnh lý mãn tính; tỷ lệ mắc mới của bệnh có xu hướng gia tăng trong các năm vừa qua. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống, người bệnh cần nhận được theo dõi liên tục trong các giai đoạn sinh lý khác nhau như: bệnh nhi, dậy thì, mang thai, người trưởng thành. Chính vì vậy, cần có một hệ thống dữ liệu theo dõi bệnh nhân liên tục và toàn diện nhằm nâng cao chất lượng điều trị và phòng ngừa biến chứng, đồng thời giúp các nhà quản lý có công cụ ra quyết định hiệu quả và và kinh tế trong chăm sóc bệnh ĐTĐT1”.
Cũng tại cuộc họp các đại biểu và đại diện dự án đã đưa ra một số khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm khi thực hiện dự án, đồng thời thống nhất về các hoạt động trong thời gian tới.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực triển khai dự án và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm bệnh ĐTĐT1 để tránh biến chứng nghiêm trọng. Ông cũng đề nghị Hội Nhi khoa Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cường đào tạo năng lực chẩn đoán, điều trị, quản lý ĐTĐT1 cho bác sĩ chuyên ngành Nhi. Đồng thời, cam kết sẽ nghiệm thu, ban hành hướng dẫn điều trị chăm sóc toàn diện ĐTĐT1 trẻ em và thanh thiếu niên để làm cơ sở tổ chức tập huấn, giúp quản lý tốt bệnh nhân.
ThS Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Bộ Y tế cho rằng: Để quản lý tốt bệnh nhân, việc có được hệ thống quản lý người bệnh rất là quan trọng. Bên cạnh đó, cần phải có đầu tư để sát với tuyến y tế cơ sở, góp phần nâng cao năng lực quản lý lâu dài đối với người bệnh. Đồng thời, mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều người bệnh đang mắc ĐTĐT1 được tham gia dự án này và được quản lý bền vững, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Kết luận tại cuộc họp, PGS.TS Trần Minh Điển thay mặt Hội Nhi khoa Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ cảm ơn các đại biểu đã tham gia và đồng hành cùng chương trình. Đồng thời, cho biết các bên sẽ tiếp tục đồng thuận và tham gia chương trình CDiC, cụ thể: Nghiệm thu cấp quốc gia về hướng dẫn và điều trị ĐTĐT1, phổ biến, hướng dẫn và tập huấn trên hệ thống cho đội ngũ y bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị ĐTĐT1; tiếp cận tốt hơn với các bệnh viện, không chỉ là bệnh viện Nhi, Sản – Nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh nhằm nâng cao khả năng thu dung và điều trị cho người bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng hơn đến người bệnh, nhóm người bệnh, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nhằm hướng đến quyền lợi người bệnh nhằm chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Đồng thời, PGS.TS Trần Minh Điển bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bảo hiểm xã hội liên quan đến công tác quản lý người bệnh, từ đó đưa ra được quá trình, lịch sử điều trị của bệnh nhân để theo dõi, quản lý ngày một tốt hơn.
Trước đó, các đại biểu cũng đã đến thăm các bệnh nhi ĐTĐT1 đang điều trị tại Trung tâm Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE