Trang chủ » Y học thường thức » Hướng dẫn cha mẹ nhận biết trẻ tự kỷ qua từng độ tuổi

Hướng dẫn cha mẹ nhận biết trẻ tự kỷ qua từng độ tuổi

Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh thường khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm cùng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, trẻ mắc tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ theo từng độ tuổi

Các đặc điểm chính của rối loạn phổ tự kỷ là trẻ khó tương tác và giao tiếp xã hội, các hành vi và sở thích bị hạn chế và lặp đi lặp lại. Trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể rất thông minh, trí thông minh bình thường, hoặc gặp khó khăn trong học tập. Ở mỗi độ tuổi phát triển, biểu hiện tự kỷ ở trẻ sẽ khác nhau. Do đó, cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ theo từng độ tuổi để kịp thời phát hiện khi trẻ có biểu hiện bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, xã hội cần thiết, mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Hình 1: Ở mỗi độ tuổi phát triển, biểu hiện tự kỷ ở trẻ sẽ khác nhau (Ảnh minh hoạ – Nguồn Internet)

2. Dấu hiệu tự kỷ của trẻ dưới 12 tháng tuổi

  • Không thể hiện sự thích thú trên khuôn mặt;
  • Không giao tiếp bằng mắt;
  • Không trả lời khi trẻ được gọi bằng tên, không quay lại để xem nơi phát ra âm thanh hoặc không tỏ ra giật mình khi nghe thấy một tiếng động lớn;
  • Không thể hiện sự quan tâm đến các trò chơi mà các trẻ khác thường chơi và thích thú;
  • Không nói bập bẹ hay tạo ra âm thanh như tiếng cười, khóc khi thích thú hay giận dữ một chuyện gì đó;
  • Không sử dụng cử chỉ, chẳng hạn như đưa tay về phía cha mẹ khi trẻ muốn được bế.

3. Dấu hiệu tự kỷ của trẻ mới biết đi từ 12 đến 24 tháng tuổi

  • Trẻ không có cử chỉ khi 12 tháng tuổi: chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp;
  • Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi, không sử dụng các từ đơn khi 16 tháng, nói câu có hai từ khi 24 tháng;
  • Trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội;
  • Dường như trẻ phớt lờ hoặc không chú ý đến những người xung quanh;
  • Luôn lặp đi lặp lại một cử động cơ thể hoặc một hành động nhất định nào đó
  • Đi nhón chân hoặc trẻ không thể bước đi.

Hình 2: Trẻ tự kỷ có hành động lặp đi lặp lại hoặc bị thu hút thái quá bởi những hoạt động lạ (Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)

4. Dấu hiệu tự kỷ của trẻ từ 2 tuổi trở lên

  • Gặp khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng và thích thu mình trong thế giới riêng, ít chơi hoặc quan tâm tới các trẻ khác cùng lứa;
  • Thích chơi với một vài đồ vật nào đó, ngắm nghía quan sát hình dạng, màu sắc của chúng nhưng không quan tâm đến công dụng của những đồ vật này;
  • Không có trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, học tập;
  • Không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và môi trường xung quanh, bắt mọi người phải tuân theo một nếp sinh hoạt nhất định;
  • Trẻ có thể kháng cự, không hợp tác hoặc hoạt động quá mức, hiếu động, bốc đồng hoặc hung hăng.

5. Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ con rối loạn phổ tự kỷ

  • Khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm đến các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn. Việc điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh mà mỗi bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và tâm lý học. Nhưng phương pháp chữa trị tốt nhất để cải thiện tình trạng của trẻ là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cha mẹ, gia đình và người thân. Sự quan tâm, chăm sóc không chỉ thể hiện bằng tình yêu mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ. Gia đình đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách khó khăn, để trẻ có thể hòa nhập được với các bạn.
  • Người thân, gia đình phải luôn theo dõi tình trạng, hành vi của trẻ. Thường xuyên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia tâm lý trẻ em, giáo viên của trẻ về những chuyển biến trong hành vi tiếp cận, giao tiếp của trẻ, để có những thay đổi phù hợp với lộ trình điều trị bệnh tự kỷ của trẻ.
  • Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Việc điều trị được thực hiện kết hợp xuyên suốt ở nhà và ở trường học một cách chặt chẽ, khoa học, theo hướng dẫn của các chuyên gia. Giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội, xây dựng môi trường sống tích cực, phương pháp can thiệp phù hợp.

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em