Khi trẻ được bác sĩ cho ra viện, chắc hẳn ba mẹ nào cũng mong muốn nhanh chóng hoàn tất thủ tục thanh toán viện phí để con sớm trở về nhà. Để thủ tục thanh toán cho con được nhanh chóng ba mẹ hãy lưu ý những hướng dẫn sau
1.Đảm bảo ĐÚNG thông tin hành chính
Ngay từ khi đưa con tới khám bệnh ba mẹ cần khai ĐÚNG các thông tin của trẻ như sau:
- Họ và tên: ……………………………………. Giới tính: Nam/ Nữ
- Ngày tháng năm sinh: ….. / ….. / …..
- Địa chỉ: số nhà.…. Thôn, phố…… xã, phường ….. huyện/ quận ….. tỉnh/ thành phố
(khai chính xác như trong thẻ bảo hiểm y tế hoặc giấy khai sinh của con.)
Nếu BỊ SAI một trong những thông tin trên ba mẹ hãy gặp ngay điều dưỡng hành chính của khoa để được hướng dẫn làm thủ tục SỬA THÔNG TIN trước khi ra viện.
2.Giám định bảo hiểm y tế (BHYT)
- Khi trẻ có chỉ định vào viện, ba mẹ cần hoàn tất thủ tục Giám định bảo hiểm y tế (đến phòng BHYT để được duyệt và đóng dấu BHYT đúng tuyến (được hưởng 100% theo mức qui định của mỗi loại thẻ) hoặc trái tuyến (hưởng 40%) theo hướng dẫn của nhân viên phòng khám.
Hình ảnh: Dấu giám định bảo hiểm y tế
- Trong trường hợp ba mẹ chưa đi giám định BHYT cho con ngay khi vào viện, ba mẹ có thể và nên đi làm ngay sau khi con đã ổn định điều trị tại khoa nội trú. Ba mẹ nên đi giám định vào buổi chiều các ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) để tránh phải đợi lâu do số lượng người chờ ít.
- Khi đi giám định BHYT, ba mẹ cần mang theo:
- Sổ khám bệnh
- Thẻ bảo hiểm y tế hoặc Giấy khai sinh: bản gốc và bản photo
- Giấy chuyển tuyến (nếu có): bản gốc và bản photo
- Giấy hẹn khám lại BHYT (nếu có).
3. Giấy tờ cần thiết để thanh toán ra viện, bao gồm:
- Phiếu tạm thu viện phí: Ba mẹ hãy giữ gìn cẩn thận các phiếu thu này và không nên mang về nhà vì khi cần thanh toán cho con ra viện lại phải về nhà lấy, mất nhiều thời gian. Phiếu thu này không lo bị “mất trộm” vì ai đó nhặt được cũng không thể lấy mất tiền ba mẹ đã tạm ứng viện phí cho con. Trong trường hợp phiếu bị mất, ba mẹ nên báo ngay với điều dưỡng hành chính của khoa để được hướng dẫn.
- Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh) nếu có:
Giấy chứng nhận này do cơ quan bảo hiểm cấp cho bệnh nhân có thẻ BHYT không được hưởng 100% ban đầu. Ví dụ: thẻ học sinh (hưởng 80%), thẻ cận nghèo (hưởng 95%).
Giấy chứng nhận này chỉ được cấp khi bệnh nhân có ĐỦ các điều kiện sau:
- Tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên.
- Khám, chữa bệnh đúng tuyến.
- Số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tương đương với 8.940.000 đồng (lương cơ sở là hiện nay là 1.490.000đồng/tháng).
Lưu ý: Nếu con được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả, ba mẹ CẦN đưa cho điều dưỡng hành chính ngay khi vào viện để được hưởng chế độ theo qui định.
4.Bảng kê thanh toán: Điều dưỡng hành chính sẽ gửi ba mẹ 1 bảng kê thanh toán.
Ba mẹ hãy cầm bảng kê, các phiếu thu tạm ứng, giấy chứng nhận không cùng chi trả (nếu có) đi thanh toán cho con theo hướng dẫn.
Nếu cần lấy hóa đơn đỏ hoặc cần thêm một bảng kê chi tiết, ba mẹ hãy nói sớm với điều dưỡng hàng chính để được hướng dẫn.
5.Thời gian thanh toán
- Bệnh viện thanh toán ra viện cho bệnh nhân 24h/7 ngày.
- Thời gian chờ thanh toán phụ thuộc thời gian điều trị của con và số lượng bệnh nhân ra viện trong ngày. Điều dưỡng hành chính sau khi hoàn thành thủ tục sẽ thông báo cho gia đình và hướng dẫn các bước thanh toán ra viện
6.Hoàn thành việc thanh toán
- Sau khi thánh toán viện phí cho con xong, ba mẹ hãy gửi lại cho khoa điều trị 1 tờ biên lai thanh toán, trên đó có ghi rõ “Giao cho khoa phòng”.
- Nhận giấy ra viện, giấy hẹn khám lại bảo hiểm y tế (nếu có)
- Nhận lại sổ khám bệnh hoặc đơn thuốc (nếu có).
+ Nếu thuốc của con được bảo hiểm y tế cấp: Ba mẹ hãy làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại khoa để lĩnh thuốc cho con.
+ Nếu thuốc của con là tự túc: Ba mẹ hãy tới quầy thuốc bệnh viện, mua thuốc cho con theo đơn của bác sĩ và trở về nhà.
Ánh Tuyết, Tạ Duyên
Khoa Thận-Tiết Niệu