Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Khám và xét nghiệm nhiễm độc chì cho người dân thôn Đông Mai

Khám và xét nghiệm nhiễm độc chì cho người dân thôn Đông Mai

Sáng ngày 3/7, gần 500 trẻ em và người lao động của làng nghề tái chế chì Đông Mai (tỉnh Hưng Yên) đã được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phối hợp cùng bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai, tiến hành xét nghiệm chì máu và phát thuốc hỗ trợ thải độc chì miễn phí.

Hoạt động này nhằm đánh giá mức độ nhiễm độc chì, làm căn cứ để Bộ Y tế và tỉnh Hưng Yên đưa ra kế hoạch tẩy độc chì cho người dân.

Bác sĩ Ngô Tiến Đông – Khoa Điều trị tích cực, bệnh viện Nhi Trung ương, một trong những bác sĩ tham gia khám sàng lọc, cho biết: “Đây là hoạt động hết sức cần thiết nhằm xác định chính xác tỷ lệ cũng như mức độ ngộ độc chì thông qua khám sàng lọc và xét nghiệm nồng độ chì trong máu ngay tại địa phương mà người dân thường xuyên tiếp xúc với nguồn chì (tái chế ắc –quy). Hoạt động này cũng giúp người dân ý thức rõ hơn tác hại của ngộ độc chì cũng như các nguồn gây ngộ độc, từ đó có biện pháp phòng tránh và hướng điều trị”.

IMG_1752

Các điều dưỡng lấy máu làm xét nghiệm nhiễm độc chì cho các em nhỏ thôn Đông Mai

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn VIT-Pharma đã tổ chức Lễ trao tặng sản phẩm Pectin Complex-thuốc hỗ trợ đào thải độc tố, kim loại nặng cho đại diện Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, đồng  thời phát miễn phí sản phẩm cho người dân ở đây.

Trước đó, trong tháng 5 năm 2015, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành khám sức khỏe cho trẻ em và người lao động tại thôn Đông Mai. Từ đó phát hiện tỉ lệ người dân ở làng nghề Đông Mai bị nhiễm độc chì rất cao, trong đó, nhiều người bị nhiễm nặng. Nguyên nhân là do gần 30 năm qua, người dân ở đây chủ yếu làm nghề thu gom các bình ắc-qui để tái chế, bán lại cho các nhà máy sản xuất ắc-quy, làm mạ kẽm.

Năm 2012, kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ nhỏ ở làng Đông Mai của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho thấy, 97% trẻ em có nồng độ chì trong máu cao, nhiều trường hợp cao gấp 6-7 lần cho phép, cần được thải độc, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trẻ 2-3 tuổi, dù gia đình không làm nghề thu gom, tái chế chì nhưng cũng có hàm lượng chì trong máu rất cao,

Bác sĩ Ngô Tiến Đông cho biết, trẻ bị nhiễm độc chì thường có biểu hiện cấp tính và nặng nề hơn người lớn. Trường hợp ngộ độc chì nặng có thể gây hội chứng não cấp, hôn mê dẫn tới tử vong. Chì gây tổn thương thần kinh không hồi phục, gây giảm trí tuệ, rối loạn khả năng nhận thức, rối loạn về tâm thần kinh. Ngoài ra chì gây tổn thương nhiều cơ quan khác như thiếu máu, viêm gan, đau quặn bụng, xuất huyết tiêu hóa, viêm thận kẽ, rối loạn dậy thì, giảm khả năng sinh sản. Khi đã nhiễm, chì tồn tại rất lâu trong cơ thể, thậm trí suốt đời, nên điều trị ngộ độc chì đòi hỏi nhiều thời gian. Do vậy biện pháp tốt nhất để hạn chế tác hại của ngộ độc chì là phòng tránh, không tiếp xúc với nguồn chì như  ắc –quy, thuốc cam, thuốc sài, thuốc hồng đơn, đồ chơi có sơn pha chì… Khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ bị ngộ độc chì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị theo đúng phác đồ.

Khánh Chi

 

Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em